Rủ nhau nói… ngọng

Lớp của Kim Anh (sn1987) có cậu bạn người Hà Giang, bị nói ngọng dấu hỏi thành dấu nặng. Kim Anh cùng mấy đứa bạn thấy thế bèn… bắt chước luôn kiểu ngọng ấy cho vui cửa vui nhà: “chạ biết”, “có bạn gốc không gựi cho tao”...

“Cái con lày, bạo bao nần roài, ăn mới chạ uống cứ tùm num tóe noe ra. Chạ văn minh tí lào!” Câu nói của một áo trắng vang lên trong quán ăn ngay trước cổng trường Ams. N (tên cô bạn) từ lâu đã chán “giọng Hà Nội chuẩn” của mình, xoay sang nói giọng ngọng líu lo cho… vui...

 

Khác với kiểu ngôn ngữ xì tin rối rắm khó đọc, tạm không bàn đến kiểu biến hóa chính tả nhí nhố: “seo” thay cho “sao”, “vít-viết”…, loại “ngôn ngữ ngọng” bắt chước dân “ngọng thật” xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố.

 

Trong các quán nước, trong các câu chuyện vô thưởng vô phạt rồi dần dần lên mạng các diễn đàn hoặc blog, Y!M tràn ngập kiểu “l” thành “n”, “g” thành “r”, “x” và “s” lẫn lộn, dấu hỏi thành dấu nặng, quên luôn chữ cái đầu kiểu “ăn ì ưa” (ăn gì chưa)…

 

Đùa mãi rồi thành chuyện tự nhiên. Bây giờ tìm được một đoạn hội thoại hay đoạn văn trên mạng mà không “uốn éo” thì hơi hiếm đấy.

 

L.N (sn1991) có em nhỏ mới 1 tuổi, đang tập nói từng chữ. Cả nhà nhìn em bé cứ tập tọe “ẹ, ẹ, ố ố” ( mẹ mẹ, bố bố) rất đáng yêu nên đua nhau nhại lại để nói chuyện cùng em.

 

N chăm em hàng ngày nên cũng bị nhiễm dần “é iu ơi, ăm ăm ào” (bé yêu ơi, măm măm nào), “ơm ơm” (cơm cơm) , mục đích đầu tiên là muốn trò chuyện cùng em bé, nhưng sau thấy kiếu nói này… đáng yêu lạ, nàng đem luôn ra áp dụng với ngôn ngữ của mình. Gặp người yêu là “Ứ, ả ăn âu. Ệ anh!” (ứ, chả ăn đâu, kệ anh), “ua ấu ông o em” (mua gấu bông cho em).

 

Nhắn tin mới hãi, đứa bạn nào nhận được tin thì cứ gọi là ngồi mà dịch: “Ôm ay ời âm u ả ám i ăn âu ỉ!” (hôm nay trời âm u chả dám đi ăn đâu nhỉ!) Ai nhắc thì N cãi “Thế mới dễ thương, mà chỉ thỉnh thoảng mới dùng cho vui vẻ thôi chứ chết ai!”

 

Có lẽ N không biết rằng sau lưng mình, bạn bè bảo nhau… đừng nói chuyện với N (cho đến khi nào cô nàng thay đổi) để mất công ngồi dịch từ tiếng Kinh sang tiếng Việt, ngôn ngữ gì mà giống… thiểu năng thế.

 

Người yêu N than thở: “Cô ấy không hiểu là mọi người mệt như thế nào khi cứ phải nghe giọng líu lo của một đứa trẻ con, nhí nhảnh quá đáng!”.

 

Phát âm “L” thành “N”, hoặc dấu hỏi thành dấu nặng là nỗi khổ của các bạn sinh ra tại một số vùng đất “đặc trưng”. Các bạn ấy cố từng ngày để sửa, còn một bộ phận người trẻ, giọng điệu ngôn ngữ bình thường, chẳng có vấn đề gì để phát âm thì lại mang ra đùa cợt, bắt chước.

 

Rõ ràng là người Hà Nội, nhưng nghe Hà Phương cùng hội của mình nói chuyện thì… “Chị lày, iem quý chị bao lăm, thế mà lỡ nòng lào mắng iem”, hay “Hiẹn (hẹn) hò thế đấy, ta bùn nắm”.

 

Phương đã quen nói thế này từ lâu lắm rồi, chẳng nhớ học từ đâu. Chỉ thấy nó hay hay, “cá tính riêng đấy, lâu rồi đâm thành quen với cả văn viết luôn”. Chat chit hoặc viết blog, Phương đều áp dụng loại ngôn ngữ này. Hội bạn cô ai cũng thích nói ngọng như thế. Nó làm câu văn hay câu nói không quá cứng nhắc, tạo cảm giác thân thuộc và dễ gần. (?!)

 

Lớp của Kim Anh (sn1987) có cậu bạn người Hà Giang, bị nói ngọng dấu hỏi thành dấu nặng. Kim Anh cùng mấy đứa bạn thấy thế bèn… bắt chước luôn kiểu ngọng ấy cho vui cửa vui nhà: “chạ biết”, “có bạn gốc không gựi cho tao”, sau này đi đâu cô nàng cũng thay dấu “họi” thành dấu ngã để tạo cá tính cho riêng mình…

 

Chỉ khổ thân cậu bạn kia xấu hổ quá chẳng dám nói chuyện bình thường nữa. Bởi cậu cho rằng bạn bè mình cố tình nói thế để trêu mình chứ làm gì có ai đang bình thường lại muốn “được ngọng”.

 

Nghe mấy lần đầu còn thấy hay, thấy nhí nhố, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại thành cả một thói quen, chắc chắn sau này bạn sẽ bị ngọng thật đấy.

 

Tôi đã từng trố cả mắt khi ngồi nói chuyện với anh X. (một hot blogger với những entry cực kỳ sâu sắc, dung từ rất chuẩn). Dân Hà Nội chính gốc nhưng lại nói ngọng L với N. Tôi thắc mắc, anh X mới giật mình vì lâu nay nói ngọng đùa đùa thành quen từ lúc nào, nên cũng chẳng để ý nữa.

 

Kiên, một boy nghịch ngợm thích nói ngọng cho “vui vẻ”, một lần viết bài tập làm văn đã “tiện thể” đệm vài từ nói ngọng thường dùng ngoài đời một cách rất vô tư, không hề kiểm tra lại nên nhận luôn điểm 4 “thân ái”.

 

Sự hài hước, hóm hỉnh khi cố tình nói ngọng làm ai cũng bật cười, mọi người cho rằng chuyện đùa nhau như thế chẳng ảnh hưởng gì cả. Nhưng nếu bạn biết rằng có nhiều bạn trẻ đã tập nói rất vất vả để sửa ngọng, hoặc các sinh viên khi đi xin việc đều nhận cái lắc đầu phũ phàng khi hồ sơ ghi rõ là “Không nói ngọng, không vấp chữ” mà lại lỡ “Em xin trình bày nà…”, thì cũng nên bỏ thói quen này đi.

 

Kẻo, đùa đùa mãi rồi có ngày “Chặng muốn lói ngọng, zưng mà nại thành ngọng níu nô”, thế thì ngượng lắm í!

 

 Theo Thiếu Khanh

Kênh 14.vn