Rũ bỏ áo tù về quê nghèo lập nghiệp

(Dân trí) - Từng bị toà tuyên án 5 năm tù giam về tội “cướp giật tài sản”, nhờ cải tạo tốt, Hải được trả tự do trước thời hạn 6 tháng. Trở về từ trại giam, Hải đã ‘liều” mở một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kết hợp với du lịch trên mảnh đất quê hương. Bước đầu, cơ sở du lịch của Hải đang “ăn nên làm ra”.

“Ông chủ trẻ” giàu nghị lực mà chúng tôi nói đến là Trần Tuấn Hải (SN 1989, ở thôn Khương Hà 5, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Quá khứ sa ngã

Tôi gặp Hải trong chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” tại Trại giam Đồng Sơn do Tỉnh đoàn và Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình thực hiện. Trại giam Đồng Sơn từng là nơi mà Hải đã thụ án gần 5 năm trời.


Trần Tuấn Hải (bìa phải) - vị khách mời trong chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” tại Trại giam Đồng Sơn do Tỉnh đoàn và Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình thực hiện

Trần Tuấn Hải (bìa phải) - vị khách mời trong chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” tại Trại giam Đồng Sơn do Tỉnh đoàn và Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình thực hiện

Tại buổi giao lưu, Hải đã chia sẻ chân thành những gì mà anh đã trải qua, nhất là công việc hiện tại sau khi đã hoàn lương.

“Nhiều người bảo tôi có quá khứ chả ra gì, sao không giấu đi hay đừng xuất hiện ở trại giam nữa. Nhưng tôi lại quan niệm khác, mình có sao thì nói vậy thôi, có gì mà phải giấu. Khi đã nói ra rồi thì trong người sẽ thấy cực kỳ thoải mái.

Với lại, tôi mong qua câu chuyện của mình sẽ giúp các phạm nhân cải tạo tốt hơn để khi mãn hạn tù sẽ làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội”, Hải tâm sự.

Hải sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em. Bố Hải là thương binh, mẹ là nông dân. Gia đình khó khăn nên Hải phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ việc nhà. Năm 2011, khi vào thành phố Đồng Hới học bằng lái xe ô tô, Hải bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vào những cuộc ăn chơi trác táng.

“Bần cùng sinh đạo tặc”, từ đó Hải dần sa ngã vào con đường trộm cắp. “Lúc đó, tôi và một người bạn ở thành phố Đồng Hới rủ nhau đi trộm cắp, cướp giật để kiếm tiền tiêu xài.

Một hôm, hai chúng tôi thực hiện vụ giật cướp dây chuyền của người phụ nữ đi đường thì bị tố giác và sau đó bị bắt”, Hải nhớ lại.

Sau đó, Hải bị Tòa án nhân dân thành phố Đồng Hới kết án 5 năm tù về tội “cướp giật tài sản”. Những tháng ngày ở tù, nhờ sự động viên, giúp đỡ của cán bộ và gia đình, Hải nỗ lực cải tạo tốt. Đặc biệt, trong thời gian thụ án, Hải đã đọc rất nhiều cuốn sách.

“Ở trong trại, tôi có nhiều thời gian đọc sách, bởi sách ở thư viện rất nhiều và toàn sách hay. Sách đã giúp tôi có rất nhiều kiến thức cùng những suy nghĩ tích cực để áp dụng trong công việc kinh doanh sau này”, Hải bộc bạch.

Hải chia sẻ với đoàn công tác Đoàn tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch của mình
Hải chia sẻ với đoàn công tác Đoàn tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch của mình

Rũ bỏ áo tù, đứng lên từ lỗi lầm

Trở về với gia đình, thời gian đầu Hải vẫn mang theo những mặc cảm, tự ty. Đã thế, Hải lại chịu nỗi mất mát lớn khi người cha qua đời sau cơn bạo bệnh và bị ghẻ lạnh bởi những ánh mắt xói mói của người đời.

Để lấy lại lòng tin từ gia đình và những người xung quanh, Hải đã đi làm thợ cơ khí. Sau 6 tháng làm công, Hải tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng. Sau đó, Hải bàn với mẹ và anh chị em trong nhà mượn thêm vốn để mở cơ sở kinh doanh du lịch.

Để chia sẻ phần nào về kinh tế, Hải đã gọi thêm hai bạn trẻ trong thôn có chung ý chí để góp vốn mở mô hình dịch vụ ăn uống kết hợp với du lịch.

“Lúc đang ở trại, tôi đã đọc được cuốn sách viết về cách làm dịch vụ này. Đó là mô hình hình hay, phù hợp với điều kiện địa phương. Nhưng khi tôi đem ý tưởng trao đổi với gia đình thì bị phản đối vì mọi người trong nhà vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Sau đó, tôi phải thuyết phục nhiều ngày, lập kế hoạch chi tiết rồi “trình” lên thì mọi người mới đồng ý”, Hải nhớ lại.

Một góc không gian “Ồ Ồ Lake Silence” (Ảnh FB nhân vật)
Một góc không gian “Ồ Ồ Lake Silence” (Ảnh FB nhân vật)

Khi đến với quán của Hải, khách đều cảm nhận được sự thú vị đặc biệt bởi một không gian gần gũi với môi trường thiên nhiên, sự tĩnh lặng để tận hưởng những món ăn bản địa rất hấp dẫn.

Với cách làm này, cơ sở du lịch đón trung bình mỗi ngày khoảng 250 khách đến tham quan, ăn uống. Chỉ trong vòng 2 tháng, Hải và hai người bạn cùng làm đã thu lại được vốn ban đầu.

Hiện tại, mỗi tháng mô hình của chàng trai trẻ từng là phạm nhân này thu lãi khoảng 50 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 9 lao động là thanh niên tại địa phương.


Trước nghị lực của Hải, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã đến thăm và tặng quà động viên.

Trước nghị lực của Hải, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã đến thăm và tặng quà động viên.

Trong niềm vui sướng ấy, bà Nguyễn Thị Cần (mẹ Hải) phấn khởi: “Thấy con hoàn lương, lại làm ăn thuận lợi nên tui mừng lắm! Giờ chỉ mong con nó tiếp tục tu chí làm ăn và lập gia đình nữa thôi”.

Ngày Hải đang ở trại, bà Cần thường bị suy nhược tinh thần, mất ngủ và đau ốm. Nhưng từ khi thấy người con trai mình chững chạc, biết tính toán làm ăn nên bà trở nên vui vẻ, khỏe mạnh trở lại.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, Hải cho biết: “Hiện cả ba anh em đang dồn vốn để mở rộng thêm mô hình, đồng thời làm một số phòng nghỉ cho khách du lịch khi đến đây.

Dự kiến năm tới chúng tôi sẽ mở tour du lịch trải nghiệm hệ thống khe, suối, thác ở khu vực Bồng Lai. Đây sẽ là một trải nghiệm hết sức thú vị đối với du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài”.

Đặng Tài – Long Hải