Rộ lên trào lưu “học ngôn ngữ kí hiệu”

(Dân trí) - Trước kia, ngoại trừ người câm, điếc phải sử dụng ngôn ngữ kí hiệu thì chỉ có một bộ phận nhỏ những người tình nguyện viên quan tâm đến phương tiện giao tiếp này. Nhưng gần đây, các bạn trẻ rất bình thường lại đến với lớp học ngôn ngữ đặc biệt này một đông.

Phần đông đó là các sinh viên ở các trường như KHXH&NV, Ngoại thương, Giao thông, Cao đẳng đường sắt…

 

Tò mò , thích, đam mê…

 

Đó là những nguyên nhân khiến các bạn đến với môn học đặc biệt này. Tại lớp dạy ngôn ngữ kí hiệu do thầy Đỗ Hoàng Thái Anh, thành viên chi hội người câm điếc Hà Nội giảng dạy khi mở lớp mới tại 76 Giảng Võ đông nghẹt người đến đăng kí. Vì theo quy định của trung tâm, mỗi lớp chỉ nhận số lượng học viên nhất định cho nên rất nhiều người phải năm lần bảy lượt đăng kí mới có tên trong danh sách.

 

Cầm tờ danh sách học viên có tên mình trên tay, Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SV Đại học KHXH&NV) phấn khởi khoe: “Đây là lần thứ 4 mình đăng kí học lớp này đấy. Ba lần trước đăng kí qua mạng nhưng đều đến chậm, người ta chốt danh sách rồi, lần này mình “đánh” quả ăn chắc, đến tận nơi đăng kí mới được”.

 

Không ít thành viên ban đầu tham gia câu lạc bộ chỉ vì tò mò, muốn tìm hiểu về ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính. Thế rồi nhiều bạn thấy gắn bó trực tiếp với thứ ngôn ngữ này từ bao giờ không biết .

 

Bạn Nguyễn Thúy Hằng, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Ban đầu khi tìm đến với lớp học  vì ý thích muốn biết thêm ngôn ngữ của người câm điếc giống như một “ngoại ngữ”. Nhưng sau khi tham gia các hoạt động tình nguyện, mình mới hiểu được những khó khăn của những người khiếm thính khi họ phải giao tiếp với người bên ngoài. Vì vậy, mình đã tham gia học một cách bài bản, góp phần giúp đỡ họ”.

 

Cùng với lớp cơ bản, hiện 3 lớp chuyên sâu về ngôn ngữ ký hiệu, với khoảng 50 bạn trẻ theo học, vẫn tiến hành đều đặn (một tuần 3 buổi) trên đường Nguyễn An Ninh. Vào các buổi chiều thứ 2, thứ 4, thứ 6 bạn Nguyễn Hải Hà (sinh viên Ngoại Thương) vẫn vượt hơn 10 cây số để đến với lớp học. “Mặc dù đoạn đường đến lớp học cũng khá xa, hôm nào đi qua đoạn Trường Chinh cũng bị tắc đường nhưng cứ nghĩ đến việc các thầy giáo ở trung tâm câm điếc say mê giảng bài rồi không khí cởi mở vui vẻ của các bạn cùng lớp khiến mình không thể bỏ buổi học được”, Hà chia sẻ.

 

Ở một số trường như Đại học KHXH&NV hay Cao đẳng đường sắt đã thành lập câu lạc bộ “Nhóm ngôn ngữ ký hiệu” và thu hút được đông đảo các bạn sinh viên tham gian. Từ đó khiến các bạn hiểu hơn về thứ ngôn ngữ “lạ” này

 

Rộ lên trào lưu “học ngôn ngữ kí hiệu” - 1
 Một lớp học ngôn ngữ ký hiệu

 

Học ngôn ngữ kí hiệu khó hơn học ngoại ngữ

 

Không ít bạn khi học ngôn ngữ ký hiệu đã nhận xét như vậy. Đặc trưng của loại ngôn ngữ này là dùng những động tác kí hiệu của bàn tay để truyền đạt ý của mình đến người khác. Tuy nhiên, rất nhiều động tác khi thực hiện lại có nhiều nét tương đồng, thậm chí rất giống nhau. Vì thế chỉ cần làm sai đi một chút là thông điệp truyền tới người nghe đã bị lệch hoàn toàn. Đấy chính là lí do mà một số sinh viên ban đầu rất hào hứng nhưng chỉ sau một thời gian theo học, thấy khó khăn quá nên bỏ giữa chừng.

 

Tuấn Anh, sinh viên trường Giao thông cho biết: “Thật sự học ngôn ngữ ký hiệu không dễ một chút nào. Có rất nhiều từ na ná giống nhau khiến mình làm toàn bị sai. Sau này nếu có thời gian mình sẽ học lại chứ bây giờ thực sự mình đầu hàng”.

 

Một lí do khác khiến cho việc học ngôn ngữ kí hiệu trở nên thật sự khó khăn là sự chưa thống nhất về quy ước giữa các vùng, thậm chí là trong một khu vực. Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Thanh Sơn , người đang giảng dạy tại lớp học ngôn ngữ ký hiệu cho biết: “Tôi đã từng đi dạy và làm việc với chi hội người câm điếc ở nhiều địa phương và thấy hầu như ở địa phương nào cũng tồn tại nhiều cách dùng riêng của mình. Cách nói chuyện của người câm điếc ở Hà Nội khác với ở Hải Phòng, ở TPHCM khác với ở Đồng Nai…”.

 

Nhưng đối với những bạn trẻ thật sự đam mê ngôn ngữ ký hiệu thì các bạn luôn vạch ra những phương pháp để học tốt nhất. Bạn Phương Thảo chia sẻ: “Muốn thành thục và thuộc ký hiệu, mình chỉ còn cách chăm chỉ, tập trung ngay trên lớp. Vào chủ nhật mình thường đến trường Hoa Sữa cùng câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu. Giao tiếp nhiều với các bạn khiếm thính ở đó khiến việc học của mình đạt hiệu quả tốt hơn”.

 

Mặc dù học ngôn ngữ ký hiệu không phải là dễ nhưng nhiều bạn trẻ nhận thấy được rằng học ngôn ngữ ký hiệu khiến các bạn tư duy tốt hơn, giao tiếp tự tin hơn và đặc biệt học ngôn ngữ kí hiệu vì một tấm lòng nhân ái, các bạn có thể giúp đỡ rất nhiều khiếm thính hòa nhập với cộng đồng.

 

 Lưu Hạnh