Ra oai vì mặc áo… phản cảm

(Dân trí) - Xuất hiện từ lâu nhưng mốt áo phông in slogan vẫn đang thịnh hành và rất thu hút các bạn trẻ. Nhưng hiện nay, nội dung slogan đang ngày càng bị biến tướng và nhiều bạn tỏ ra thích thú với mặt hàng này.

Tại các chợ  ở TP.HCM như chợ Bến Thành, An Đông, Hạnh Thông Tây… cho đến các cửa hàng thời trang trên khắp các đường, áo thun in câu hiệu vẫn là mặt hàng rất hút các bạn teen. Các nội dung dễ thương, hướng đến cộng đồng… giờ đang bị lấn át bằng các khẩu hiệu phản cảm đọc lên thấy “lạnh xương sống” nhưng nhiều người vẫn tỏ ra thích thú. 

Trên đường phố, người đi đường dễ bị giật mình bởi những câu hiệu "di động" trên đường kiểu này. Nội dung các khẩu hiệu về tình yêu lạ đời, về cách hành xử, cách sống khác người hay sự cái chết chóc… đang lấn át các câu có nội dung về cách ứng xử, cách sống đẹp.

Ra oai vì mặc áo… phản cảm - 1

Nhiều bạn trẻ đang “đeo” sự phản cảm trên người

Có thể liệt kê ra hàng loạt slogan kiểu này được in trên áo thun của teen như: “Đời chán như con gián”, “Muốn được xơi thì phải ham chơi”,… Hay kinh dị hơn nữa là những câu hiệu nói về giới tính: “Tớ là gay, tớ chỉ nghiện… giai”, hay những câu yêu đương vớ vẩn như “Cam sành lột vỏ còn chua, thương em còn nhỏ anh cua để dành”…

Người mặc tỏ ra vô cùng sảng khoái bất chấp cảm nhận của những người xung quanh. Nhiều bạn còn cho rằng, slogan càng quái dị thì càng sành điệu, càng có sức hút.

Chìa chiếc áo thun có câu hiệu “Cam sành lột vỏ còn chua, thương em còn nhỏ em cua để dành” được tô vẽ phản cảm, Nguyễn Thị Mai, 19 tuổi, nhà ở Nguyễn Oanh (Q. Gò Vấp), cười sảng khoái khoe mình có đến cả chục áo thun in slogan, câu này chẳng nhằm nhò gì.

“Mặc vào được chú ý ngay nên giờ mặc áo không có slogan gây "choáng" là thấy thiếu thiếu cái gì đó. Mấy câu lành lành chỉ trước đây thôi, giờ mặc có xi - nhê gì. Phải thật sốc thì mới là sành điệu”, Mai tuyên bố.

Cô nữ sinh này cho hay ngoài việc mua sẵn áo thun bán ở shop thì còn có thể đặt in slogan theo ý của mình nhưng phải chịu giá mắc hơn nhưng "độc" hơn, không đụng hàng. "Nhóm bọn em còn thường “đọ” với nhau xem ai “săn” được những chiếc áo có slogan gây sốc hơn", Mai nói thêm.

Các bạn biết rõ nội dung những câu slogan chẳng đẹp đẽ gì nhưng họ lại tỏ ra vô cùng đắc ý khi “đính mác” nó trên mình như để thể hiện mình đây "chất" cũng như lôi kéo sự tò mò của người khác. Bất chấp sự phản cảm, người mặc tỉnh bơ, luôn cố tình "phô" ra để nhiều người phải chú ý. Hơn nữa, việc mặc những chiếc áo này mọi lúc mọi nơi lại càng khó chấp nhận, nếu không muốn nói là “gây ô nhiễm”.

Trước đây, thấy con gái đang học lớp 12 mặc những chiếc áo có in chữ với những khấu hiệu vui vui tai như “Xin đừng xả rác” cô Văn Thị Thỏa, nhà ở P. Cô Giang (Q.1) không có ý kiến gì. Thế nhưng mới đây, khi cùng con đến nhà một người bạn, cô choáng váng khi cô con gái cởi áo khoác ngoài để lộ chiếc áo thun có dòng chữ: “Mình là ô môi thích xài đồ hôi”.

“Tôi xấu hổ vô cùng phải dắt cháu nó về ngay. Hóa ra lâu ngay cháu nó đua theo bạn bè mua rất nhiều chiếc áo kiểu vậy. Thật không thể tưởng tượng được. Cái đẹp không thích cứ thích khoác cái xấu, cái bệnh lên người”, cô than thở.

Không chỉ gây khó chịu với những người xung quanh, theo các chuyên gia tâm lý giới trẻ rất thích gây sự chú ý. Họ thường "ra oai" với những thứ lạ đời, khác người miễn là nổi bật, thu hút được sự tò mò của những người xung quanh tập trung đến mình. Thế nhưng họ không biết tác hại lâu dài của việc khoác những chiếc áo có slogan phản cảm. Việc tiếp xúc thường xuyên với những khẩu hiệu tiêu cực sẽ dễ dẫn đến lối suy nghĩ, cách ăn nói, hành xử tương ứng.

Bởi thế, thay vì những slogan tiêu cực các bạn trẻ nên hướng đến những nội dung tích cực như kêu gọi bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, văn hóa ứng xử, chấp hành luật lệ an toàn giao thông… không chỉ tạo thiện cảm với mọi người, mà còn có những tác động tích cực cho bản thân cũng như cộng đồng.

Hoài Nam