Quyền năng được “sến”

(Dân trí) - Không rõ từ bao giờ “sến” đã trở thành tính từ được sử dụng để đánh giá những bài hát và âm nhạc. “Sến” với giới trẻ bây giờ còn có nghĩa “khác người”, những gì quá lãng mạn, uỷ mị, yếu đuối…

Lạm dụng “sến”

Nếu trước đây từ “sến” được dùng khi nhận xét về các bài hát có ca từ, giai điệu quá nỉ non, uỷ mị khiến người nghe cảm thấy chán nản, thiểu não thì nay nó đã trở thành một từ được gắn với đủ các “cung bậc”. Nhận xét về phong cách ăn mặc của bạn bè, về một quyển sách đang bán chạy, cách bạn gái/ bạn trai thể hiện tình cảm với người yêu… tất cả đều có thể dễ dàng bị dán mác “sến”.

Hằng ngày, chúng ta vẫn “mắt thấy tai nghe” những mẩu đối thoại đã trở thành “chuyện bình thường ở huyện”: “Khiếp, mặc cái áo sến thế mày?”, “Nhìn thế này mà nói chuyện với người yêu sến kinh”, “Con bé H.K kia á, sến chảy nước”…

Kết hợp với nhiều hậu tố theo từng cấp độ từ nhẹ thì có “sến kinh”, “sến vật”, “sến vãi” đến nặng hơn chút có “sến vãi hàng”, “sến vãi lúa”, thậm chí “sến vãi chưởng”. Tất cả đều được các bạn sử dụng thoải mái, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi khía cạnh trong cuộc sống. M. Tuấn (1991, P.H.C) mặc dù không hiểu “sến” là gì vẫn vô tư: “Thời nào rồi mà còn  sến thế mày” khi nhìn thấy cậu bạn ngồi đọc một cuốn sách văn học trong giờ giải lao trên lớp.

P.Thảo (19 tuổi, M.T.H.N) bình thường cô bạn có gu ăn mặc khá xì tin theo kiểu “cầu vồng 7 sắc” áo cam, quần xanh lơ, túi carô đỏ trắng. Một hôm đến lớp với cả cây vest đen từ đầu đến chân, “bọn bạn xúm vào chê bai tớ nào là mày bị ấm đầu à, sao lại sến điên đảo thế này làm tớ xấu hổ muốn chết”. Thảo đã bỏ ra gần 8 trăm nghìn để may bộ vest đi dự tiệc mà giờ cất kín trong tủ, không dám mặc lần thứ 2.

Trả lời cho câu hỏi “sến là gì ?” Q.Thắng (1987) giải thích: “Theo mình hiểu thì sến tương đương với ngang và “bựa”. Nó có thể là ám chỉ một bài hát lâm ly bi đát, éo le kiểu chuyện tình ngang trái nhiều giằng xé. Nhưng bây giờ thì chả có giới hạn nào cho “sến” đâu. Có thằng bạn thân chỉ biết vay tiền mua thẻ chơi game, bỗng nhiên chả biết ai xui, kéo mình 5h sáng đi lên chợ hoa Từ Liêm, Tây Hồ mua gần mấy trăm nghìn tiền hoa hồng về ngồi kết thành lẵng tặng sinh nhật đứa ngồi cạnh (đương nhiên là con gái và trong tầm “ngắm” của nó rồi) thì không phải “sến” thì là gì đây?”

Quyền năng được “sến”

Dám chắc là nếu đó không phải là dịp đặc biệt hoặc những dịp “Tâm trạng bỗng nhiên trở nên nhẹ tênh, có gì đó cứ hụt hẫng, mình trở về nhà trong một buổi chiều thứ 4 mưa tầm tã. Thèm được một ngày không phải bị gọi là sếp , một ngày không phải đeo bộ mặt lạnh, đóng bộ đi làm... Bật bản nhạc piano bài hát Kiss The Rain, trong người trống rỗng, chưa bao giờ mình thấy lạc lõng, cần được chiều chuộng, cần săn sóc, nâng đỡ như lúc này” - Lời tâm sự trong blog của một anh chàng giám đốc 24 tuổi trong những giây phút “yếu lòng” đã viết nên một entry “đẫm chất sến”.

Bạn đã từng cười bạn bè hay một ai đó xung quanh khi họ có những hành động quá lãng mạn, uỷ mị, hoặc đơn giản chỉ là không giống như bình thường, “hâm hâm”, “dở dở” một chút nhưng chính bạn cũng không thể dám chắc là mình sẽ chẳng bao giờ rơi vào thứ tâm trạng bị quy kết là “sến” ấy. Sống thật với bản thân, với cảm xúc đang là tiêu chí và lựa chọn nhiều bạn trẻ trong cuộc sống.
 
Quyền năng được “sến” - 1
Một tâm hồn lãng mạn cũng bị quy kết thành "sến"? (Ảnh minh họa)
 
“Vậy tại sao bạn lại phải lo sợ ai đó nói bạn “sến”? Nếu đó là một phần trong bạn, thì đừng cố che giấu nó. Chả ai có quyền cấm bạn “sến” cả, chỉ là tự bản thân bạn quyết định mà thôi”, Hải Phương (1990) luôn đề cao slogan “Just be yourself” (Hãy là chính mình).

Chưa ai có thể định nghĩa rõ ràng “sến” là gì? Những hành vi, cử chỉ hay bất kỳ dạng cảm năng nào tự bản thân nó không thể dùng để đánh giá, mà nó phải gắn với người thể hiện hàng vi, bộc lộ cảm năng đó trong những trường hợp cụ thể.

Đ.L.Mai (1989, P.C.T) có chút gì đó khác biệt so với bạn bè. Mai thường mang đến lớp những quyển sách văn học nước ngoài nổi tíếng, thích nghe nhạc cổ điển Chopin, Beth và tự làm đồ ăn sáng. Có lần bạn bè bắt gặp Mai đang… làm thơ. “Ngay lập tức, mình nhận được những cái nguýt dài từ đám bạn. Mình đã từng nghe thấy họ nói về mình kiểu như “con này bệnh nặng rồi mày ạ, hết thuốc chữa”, “sến thì cũng vừa vừa thôi cho người khác còn sến với chứ, cứ tranh hết phần bựa của mọi người…”.

Mai là một trong số ít người dám “va chạm” và giữ vững quan điểm, chính kiến của mình. Mai đã ra nói chuyện thẳng thắn với những người bạn kia và chỉ cho họ thấy rằng ai cũng có quyền được sống, quyền được “sến” với đúng con người mình. “Mình chẳng thấy gì là buồn khi họ nói vậy. Làm thơ, nghe nhạc hay đọc sách là những gì rất bình thường của cuộc sống tinh thần. Chỉ vì vài lời đánh giá này mình phải “gò” , a dua theo họ thì mới xấu hổ”.

Bên cạnh những tự tin, hài hước, năng động, mạnh mẽ thì vẫn còn những lãng mạn, yếu đuối, uỷ mị… đều là những cảm năng tồn tại bên trong mỗi con người. Những bạn trẻ như Phương, Mai không phải cổ súy cho lối sống thả mình theo cảm xúc, buông thả bản thân với những cường điệu của đau buồn, chán nản, sướt mướt. Không phải một thứ lãng mạn quá mức, viển vông mơ mộng xa rời thực tại, cũng không phải “sến” giả tạo theo kiểu “thuỷ chung, yêu màu tím, mong manh, dễ vỡ” mà các bạn có đủ rung cảm trước những cái đẹp của nghệ thuật và cuộc sống. Dù nhận hay từ chối, “sến” vẫn hiện hữu là một quyền năng với giới hạn tự đặt ra của mỗi người.

Ly Vũ