Những người trẻ “trở về” như thế…

Về nước sau 10 năm sống ở Đức, Phạm Đỗ An định sẽ ở lại vài tháng, nhưng đến nay đã ba năm, quê hương vẫn níu chân chàng thanh niên 25 tuổi này.

Trở về với những lý do khác nhau nhưng nhiều kiều bào trẻ có chung khát khao được sống và lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.
 
Những người trẻ “trở về” như thế… - 1

Phạm Đỗ An (hàng trước, thứ hai từ trái qua) với các bạn cùng trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam.

 

Về rồi muốn ở lại luôn

 

Phạm Đỗ An, 25 tuổi, chàng trai sinh ra ở Hà Nội, sang Đức định cư với người thân từ năm 14 tuổi. Sau 10 năm xa Tổ quốc, anh cho rằng đã đến lúc phải trở về thăm lại quê hương. Vậy là năm 2007, trong khi chờ nhập học vào một trường đại học, An thu xếp hành lý về nước. Anh nói với người bác ruột: “Cháu chỉ thăm quê vài tháng rồi sẽ quay lại”. Thế mà đã ba năm trôi qua, quê hương níu chân anh ở lại.

 

An tâm sự: “Ngay khi bước xuống sân bay, tôi đã bắt gặp một cảm giác thân thương và vô cùng ấm áp. Tôi chợt hiểu, chỉ Việt Nam mới là Tổ quốc, là ngôi nhà của mình”. Có một lý do nữa giữ chân An, đó chính là đứa em nhỏ. Bố mẹ bận công tác ở nước ngoài, An đảm nhận nhiệm vụ của một “phụ huynh”, chăm sóc và dìu dắt cậu em học hành chăm chỉ.

 

Hiện, An là chủ tịch câu lạc bộ chuyên tổ chức sự kiện của ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam. Trên cương vị này, anh đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, quyên góp tiền giúp đỡ các em nhỏ ở làng trẻ SOS, làng Hữu Nghị ở Vân Canh (Hà Nội) và trẻ em mổ côi ở một số huyện thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang, Hải Phòng. Vì số hội viên chưa nhiều và các thành viên còn đang học nên câu lạc bộ mới dừng lại ở những hoạt động mang tính kêu gọi và quyên góp. An dự định khi ra trường sẽ thành lập công ty bất động sản và sử dụng một phần lợi nhuận làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em lâu dài hơn. An nói: “Tôi muốn tự gây dựng một mạng lưới riêng để mở rộng đối tượng được giúp đỡ”.

 

Còn đối với Phạm Thanh Thế, hiện học tại ĐH Thương Mại (Hà Nội), tình cảm của bạn bè người Pháp đối với Việt Nam đã khiến anh quyết định trở về. Thế kể, hằng ngày đến trường, đi dã ngoại, nhiều bạn bè Pháp hỏi anh về Việt Nam. Họ rất háo hức tìm hiểu về cuộc sống và phong tục ở một nước ở châu Á xa xôi mà bình yên. Mỗi lần như vậy, Thế phải tìm kiếm thêm tài liệu, sách vở, thậm chí nhờ ba mẹ “bổ túc” để thỏa mãn trí tò mò của các bạn. Câu hỏi “Tại sao người nước ngoài lại yêu Việt Nam đến thế” luôn thôi thúc anh phải giải đáp trên chuyến hành trình trở về.

 

Những trải nghiệm quý giá

 

Thế tâm sự, từ khi về nước, anh cũng phải thay đổi để thích ứng khá nhiều. Điều kiện trong nước còn khó khăn so với quốc gia mà anh từng ở, tài liệu, sách vở ở trường còn thiếu, chưa cập nhật. “Tôi phải mất rất lâu mới có thể sang đường ở Hà Nội”, Thế cười thú nhận. Tuy nhiên, Thế khẳng định rằng quyết định trở về của mình là đúng đắn.

 

Để sớm hòa đồng, Thế tham gia một số hoạt động thi đua, ngoại khóa và giao lưu với các trường khác. Gần đây nhất, anh tham gia cuộc thi hát tiếng Pháp do Hội Những người hát tiếng Pháp tổ chức. Thế tâm sự: “Tôi rất muốn tham gia các hoạt động phong phú và có ý nghĩa, không chỉ đóng góp cho cộng đồng mà còn giúp bản thân học hỏi được nhiều điều. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa biết cách để tìm những nhóm như vậy”.

 

Võ Hồng Hạnh, cô sinh viên 25 tuổi, đã quen với cuộc sống ở CH Czech từ khi mới lên 5. Vì vậy, khi theo gia đình về nước, Hạnh phải mất một khoảng thời gian khá dài để thích nghi với môi trường và cách sinh hoạt. Ban đầu chưa quen với thức ăn, Hạnh thấy vô cùng khổ sở. Những tuần đầu, cô phát ốm vì lạ bụng. Thế nhưng giờ đây, Hạnh đã biết rất nhiều món ăn ngon ở Hà Nội sau những buổi trưa lang thang cùng bạn bè khám phá ẩm thực Hà thành.

 

“Về nước và học cách thích nghi là những trải nghiệm thú vị. Điều này rất cần nếu mình muốn trưởng thành hơn”, Hạnh hứng thú nói. Theo kế hoạch, Hạnh sẽ cùng bạn bè và người thân khám phá từng vùng đất của Việt Nam. Giống như Thanh và Thế, Hạnh muốn tham gia các hoạt động đoàn thể để hòa nhập nhiều hơn vào chính quê hương mình.

 

Theo Đất Việt