Những người “thích” trở thành nạn nhân

“Mình là nạn nhân”, “Cả thế giới đang chống lại mình”, nhiều teen luôn cài đặt sẵn ý nghĩ như thế trong đầu và tách mình ra khỏi nguyên nhân của rắc rối.

Vì, do, tại, bởi…

 

Chỉ đơn giản như việc đến trễ hẹn, teen cũng đã có hàng loạt lí do để biện minh. Thành Đạt (lớp 10A10, THPT BTX) chọn cách: “Lần trễ hẹn gần đây nhất, mình quên đặt đồng hồ báo thức. Thế nhưng mình lại nói là bị quẹt xe cho bạn bè khỏi giận”. Sỹ Phước (12A13, THPT Phú Nhuận) cũng có cùng cách nghĩ với Đạt: “Viện một lí do cho những sai sót nhỏ là chuyện bình thường thôi”.

 

Tháng 11 vừa qua, tại trường THPT Phan Đăng Lưu đã xảy ra vụ đánh nhau giữa các nam sinh của hai lớp 10 và 11. Xuất phát từ việc các bạn nữ hai lớp đang có chút xích mích nhỏ về lời nói, Huy (tên nhân vật được thay đổi), lớp 11B12, liền ra uy nói lời cảnh cáo đàn em. Vài nam sinh lớp 10 đã kéo đến đáp lại bằng trận đấu tay đôi.

 

Trước mặt thầy cô, Huy đã thanh minh bằng danh phận “trai lớp chuyên khối D” luôn ngoan, và hai bên đều cho rằng lỗi là do đối phương gây sự trước, không ai chịu thừa nhận là mình sai.

 

Cả lớp 11A3 trường THPT Phú Nhuận, ai cũng bất bình trước hành động của K. Cứ đến giờ Hóa là anh chàng lại lấy tập môn khác ra học bài với rất nhiều lí do “lấy nhầm tập”, “tối qua ngủ quên, chút kiểm tra nên phải học”. Mỗi lần bị phát hiện và nhắc nhỏ là K. lại thở dài sườn sượt: “Chẳng hiểu sao cô lại ghét mình, khó khăn với mình?”.

 
Những người “thích” trở thành nạn nhân

Hãy chủ động tìm giải pháp cho khó khăn thay vì đổ thừa hoàn cảnh, bạn nhé (ảnh minh họa)
 

Chán, giận, mệt mỏi, thất bại…

 

Hai anh chàng giỏi tìm lí do Đạt và Phước, khi trở thành nạn nhân của hội chứng đổ thừa lại nhăn mặt nhíu mày. Đạt cho biết: “Khi nhóm mình làm bài thuyết trình môn Sinh vật, một thành viên được giao nhiệm vụ in màu các hình ảnh. Nhưng bạn ấy lại lấy lí do là máy in ở nhà hết mực, hôm sau lại là: chưa kịp mua mực, trong khi bạn có thể ra tiệm in. Bọn mình đã “cạch” mặt bạn đến mấy tuần”.

 

Phước thì mệt mỏi với những dòng status buồn: “Mình thấy sự việc chưa có gì là lớn lao nhưng một vài bạn đã bắt đầu than vãn, đổ lỗi cho người này người kia và chùn bước, chán thật!”.

 

Anh bạn K. của câu chuyện nêu trên vẫn đang hát điệp khúc oan ức nhưng không hề để ý nét mặt đầy mệt mỏi của các thành viên trong lớp. Bạn bè ngoài lớp nghe xong nỗi buồn “bị đì, bị thầy cô ghét” của K. thì cũng im lặng, làm lơ.

 

Khi nhắc đến hội chứng đổ thừa, bạn Nguyễn Minh Kha (SV năm I, Viện công nghệ giáo dục ASEAN) đã bày tỏ sự hụt hẫng trong đợt trại xuân năm trước với vài thành viên lớp 12 mà mình học cùng.

 

“Gần hết giờ mà trại vẫn chưa dựng xong, các bạn bắt đầu đổ lỗi cho nhau, vì người này không mang cọc đúng kích thước, vì người kia không mang dây… Đến khi cô chủ nhiệm can ngăn các bạn mới ngưng cãi nhau và bắt đầu cứu vãn tình thế. Đêm trại đó rất buồn, tình cảm bạn bè 3 năm trời đã bị hao hụt vì một chốc cãi vã”.

 

Bạn Mỹ Lan (SV ĐH KT-CN, TP.HCM) chia sẻ về việc để đánh mất một cơ hội thành công vì không dám thẳng thắn đối mặt với vấn đề: “Mình từng muốn mở cửa hàng thức ăn nhanh, mọi người đều ủng hộ và tạo điều kiện. Nhưng mình nhát và còn lười.

 

Tuy nhiên, ai lại nói thẳng ra vậy, nên với gia đình, mình nói là bạn bè không rảnh để hợp tác, với bạn bè mình bảo rằng thiếu vốn, nên thôi. Bây giờ nghĩ lại thấy tiếc quá, nếu mình thẳng thắn bày tỏ, thì đã tháo được nút thắt rồi”.

 

Trùng hợp, Thanh Truyền (ĐH Tôn Đức Thắng) thổ lộ bạn đang trong cảnh bị “tra tấn” vì hội chứng đổ thừa: “ Bạn cùng phòng mình đang trách gia đình và mọi người đã không tư vấn giúp, để bạn thi vào ngành ngân hàng, bây giờ không thấy thích nữa... Mình nghĩ mỗi người phải tự làm chủ và có trách nhiệm với bản thân mình chứ!”.

 

Trách nhiệm để thành công

 

Anh Tạ Minh Tuấn, một diễn giả phân tích: “Người hay đổ thừa cho hoàn cảnh thường là do hệ thống tư duy của họ đã cài đặt một chương trình “Tôi là nạn nhân” và họ thường tách chính mình ra khỏi nguyên nhân của vấn đề.

 

Việc đó có thể làm họ thấy dễ chịu, thỏa mãn với bản thân và lảng tránh trách nhiệm trong thời gian hiện tại. Nhưng dần dần, hành vi này trở thành thói quen xấu, khó bỏ được và ảnh hưởng nhất định đến tương lai của chính họ. Trong mắt nhà tuyển dụng, hành vi ấy đồng nghĩa với việc vô trách nhiệm và thiếu trung thực, họ không bao giờ đề cao và chấp nhận một nhân viên hay đổ thừa”.

 

Đồng thời anh Minh Tuấn đã gợi ý cho teen bí quyết tập tính thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm:

 

Trước tiên cần nhận thức được tác hại của việc hay đổ lỗi: Mất niềm tin từ mọi người, dễ ỷ lại, không dám đối mặt với nguyên nhân thất bại sẽ vĩnh viễn không giải quyết được khó khăn,…

 

Sau đó hãy cài đặt lại Chương trình sống thật. Chia sẻ dự án sống thật với một ai đó và cùng nhau làm bạn đồng hành, quy định: “Khi tớ đổ thừa hoàn cảnh, hãy phạt tớ nhé!”

 

Việc bỏ đi một thói quen xấu sẽ dễ dàng hơn nếu đồng thời tạo ra một thói quen tốt. Hãy chia đều lời khen khi thành công và luôn nhận trách nhiệm khi thất bại!

 

Trở thành một người thực sự biết chịu trách nhiệm với mọi thứ mình làm ra, dù đúng, dù sai và từng bước sửa đổi, đó cũng là một cách để mình trưởng thành hơn, “người lớn” hơn đó bạn!

 

Theo Trương Tuấn – Bảo Châu

Mực Tím