Những lớp học của trái tim

Dù ở nơi ba bề sóng nước, trong trại mồ côi hay một trai phòng cửa chùa..., những lớp học ấy cứ lặng lẽ bài học sống động của những trái tim tình nguyện trẻ - biết san sẻ, biết yêu thương...

Không và có 

Mỗi sáng thứ hai, Duy Vương (Học viện Ngân hàng) và Phương Thảo (K49 môi trường, ĐH KHTN Hà Nội) đạp xe gần 7km từ Hai Bà Trưng và Láng Hạ xuống chân cầu Long Biên. Từ chân cầu lại lội bộ cả cây số chỉ để đến được với những em nhỏ Bãi Giữa sông Hồng.  

Và lần nào cũng thế, từ căn nhà nổi của em Bắc, chỉ nhác thấy bóng anh Vương, chị Thảo từ xa, gần chục đứa ùa cả ra đón và reo hò. Và đó chỉ là hai trong nhiều bạn trẻ Hà Nội đã hẹn nhau, chia nhau tìm xuống đây mỗi ngày dạy chữ và phát thuốc cho bọn trẻ.

 

Tay xách mấy lọ thuốc, tay vuốt mái đầu cháy nắng của từng em, Thảo biết rõ em nào bị nóng gan, khó thở và ngứa, em nào viêm họng, đau đầu, hen suyễn... Còn cuốn sổ tay của Vương ghi đầy đủ tình hình bệnh tật của từng em để vừa theo dõi, vừa tìm thuốc cho các em. Và hai lần một tuần, các sinh viên tình nguyện của đội tình nguyện ĐH Y cũng tìm đến, như những y, bác sĩ hiền lành và rất vui nhộn.

 

Còn ở trai phòng chùa Bồ Đề (Hà Nội), cứ 17 giờ chiều hằng ngày lại rộn rịp hẳn lên bởi tiếng cười nói, tiếng trao đổi bài của lớp học tình thương do các bạn học sinh, sinh viên tổ chức. 28 em trong chùa, mỗi em là một cảnh đời bất hạnh: em nhà quá nghèo, bố mẹ phải gửi vào chùa; em là trẻ lang thang; em lại được nhà chùa đón về từ bệnh viện khi bố mẹ bỏ rơi...

 

Thu Trang và Nguyễn Trọng Định (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhớ như in hoàn cảnh của từng em ở đây. Gắn bó với lớp học này từ những ngày đầu tiên, Trang, Định và các thành viên trong nhóm (thuộc Câu lạc bộ tình nguyện Tháng Năm) từ lâu đã như người nhà của các em và các ni cô, sư thầy trong chùa.

 

Chúng tôi gặp Phương Anh (K38A10, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội), nhóm trưởng nhóm dạy học của “Đội tình nguyện giúp đỡ người mù” (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) tại Trung tâm phục hồi chức năng Trung Kính (Hà Nội) khi đang dạy học cho con em của gia đình những người khiếm thị nơi đây. Hơn 60 thành viên chia làm ba nhóm, đội tình nguyện của Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội có mặt thường xuyên tại các địa điểm như Hội Người mù quận Cầu Giấy, Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, làng trẻ em Hữu Nghị Hòa Bình, Thanh Xuân... để dạy học, thu băng, đọc sách, giao lưu giúp đỡ những người khiếm thị và con em của họ.

 

Hà Nội hiện có rất nhiều đội tình nguyện như thế, tất cả hoạt động lặng lẽ, âm thầm, không giấy khen, không thù lao... Nhưng dường như họ đã có rất nhiều: ở đâu có trẻ em lang thang, cơ nhỡ, khó khăn, ở đó có họ.

 

Hạnh phúc tình nguyện trẻ

 

Thu Trang tâm sự: “Có ngồi bên các em mới biết mỗi em là cả một bươn chải tuổi thơ. Nhiều em không cha mẹ, lủi thủi ngoài đường trông rất thương. Một tuần mấy buổi dạy so với những thiếu thốn của các em thì chưa bù đắp được bao nhiêu”.

 

Có lẽ từ tấm lòng rất trẻ như thế đã phần nào đỡ dậy những cuộc đời bất hạnh, xóa đi mặc cảm trong những mảnh đời, số phận tuổi thơ. Như em P.V.T. (Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội), một tai nạn giao thông đã cướp đi đôi chân của người bạn nhỏ này. Gia đình vốn đã nghèo, tiền thuốc thang cho T. làm tăng thêm cơ cực.

 

Sư bà Thích Đàm Lan ở chùa Bồ Đề biết hoàn cảnh đã mời gọi gia đình đưa T. vào chùa nuôi ăn học. Ban đầu do mặc cảm và sức học yếu, lại bỏ học một năm vì tai nạn nên lực học của T. ngày càng giảm sút. Vào lớp Thu Trang phụ trách, chỉ sau vài tháng T. đã theo kịp bài giảng trên lớp.

 

Nhóm của Nguyễn Huyền Nga (K9 tài chính kế toán ĐH Quản lý kinh doanh, nhóm trưởng nhóm dạy học Bãi Giữa) thì hè này đang ráo riết với kế hoạch lập ra một thư viện nhỏ cho các em lớp học Bãi Giữa - Đồng Xuân - Long Biên. Tháng sáu vừa rồi, đội còn liên hệ một nhóm sinh viên tình nguyện Mỹ để cùng nhóm mình thăm, tặng quà cho học trò mình.

 

Huyền Nga tâm sự: “Có lúc cả chục em vây quanh nào hỏi bài, nào tập viết, tập đọc, giải toán... mệt không tả nổi. Nhưng thấy các em thay đổi tính tình, lễ phép, ngoan ngoãn hơn thì đứa nào cũng hiểu rằng công sức bỏ ra đã được đền bù và trả công xứng đáng, hạnh phúc lắm”.

 

Theo Phan Kiền
Tuổi Trẻ