Những lần Đường lên đỉnh Olympia gây tranh cãi “nảy lửa” về đáp án

(Dân trí) - Trong 17 năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, nhiều lần khán giả đã tranh cãi gay gắt về đáp án và cách giải quyết sự cố của chương trình.

Thí sinh trả lời sai vẫn cho điểm

Những lần Đường lên đỉnh Olympia gây tranh cãi “nảy lửa” về đáp án - 1

Đường lên đỉnh Olympia số phát sóng chiều 5/3/2017 (cuộc thi Tuần 2, Tháng 1, Quý 3) đã cho nhầm điểm tới 2 lần cho thí sinh Nhân Thanh Tùng. Đó là khi Thanh Tùng đưa ra câu trả lời chưa chính xác nhưng MC Diệp Chi vẫn công nhận và cho điểm.

Điểm số bất hợp lý này đã góp phần đưa Tùng lên ngôi vị cao nhất trong khi nếu tính toán đúng thì: "Lẽ ra số điểm mà Thanh Tùng có được chỉ là 175 điểm và xếp thứ 3, sau Phú Vinh và Bảo Nhân (Bảo Nhân đã bị lấy 20đ mang qua quỹ điểm của Thanh Tùng)".

Sau khi phát hiện ra sai sót, BTC Đường lên đỉnh Olympia đã xin lỗi thí sinh và hứa sẽ giảm tối đa những sai sót đáng tiếc như thế này. Tuy nhiên, vì BTC vẫn giữ nguyên kết quả thi đấu khiến cho nhiều khán giả chưa hài lòng và cảm thấy thí sinh Phạm Phú Vinh chịu bất công.

Cùng câu hỏi và trả lời nhưng lúc đúng, lúc sai

Những lần Đường lên đỉnh Olympia gây tranh cãi “nảy lửa” về đáp án - 2

Cũng trong cuộc thi Tuần 2, Tháng một, Quý 3, phát sóng chiều 5/3, thí sinh Trần Bảo Nhân (THPT Cam Lộ, Quảng Trị) đưa ra đáp án: Nam Cực và Bắc Cực cho câu hỏi: “Tại những nơi nào trên Trái Đất có thể nói giờ nào cũng đúng?”.

MC Diệp Chi phân tích Bảo Nhân hiểu đúng câu hỏi, song đáp án đúng phải là cực Nam và cực Bắc.

Đáp án gây tranh cãi vì câu hỏi này đã từng được chương trình đưa ra ở phần thi Về đích trong trận chung kết Olympia năm thứ 6 (2005). Khi đó, nhà vô địch Lê Vũ Hoàng (THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình) có câu trả lời giống Bảo Nhân là Nam Cực và Bắc Cực và được cho điểm.

Khán giả theo dõi chương trình cảm thấy khó hiểu vì cùng một câu hỏi, cùng câu trả lời nhưng lúc thì đúng, lúc lại sai.

Tranh cãi về đáp án trong trận chung kết Olympia 14

Những lần Đường lên đỉnh Olympia gây tranh cãi “nảy lửa” về đáp án - 3

Trong trận chung kết Olympia 14, đứng trước câu hỏi "Vì sao dung dịch muối có tính sát trùng", thí sinh Nguyễn Hoàng Bách đã trả lời: Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết.

Vì không giống với câu trả lời của chương trình, MC Tùng Chi mời ban cố vấn nhận xét. PGS.TS Vũ Quốc Trung, cố vấn chương trình, đã không chấp nhận câu trả lời này. MC Tùng Chi đọc đáp án chính thức: Dung dịch nước muối có nồng độ muối lớn hơn nồng độ muối trong tế bào của vi khuẩn. Cho nên do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào làm nồng độ muối trong tế bào tăng lên đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn làm cho quá trình nước trở lại tế bào từ vi khuẩn được đầy ra ngoài. Vi khuẩn vì vậy mất nước và bị tiêu diệt.

Dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định trên của Ban Cố vấn. Tiến sĩ Phạm Văn Lập, chủ biên sách giáo khoa môn Sinh học lớp 10 và 12, cho rằng câu trả lời của Bách hoàn toàn chấp nhận được. Ban Cố vấn chương trình sau đó đã đưa ra lời giải thích chính thức vì sao Bách mất điểm, và bảo lưu kết quả cuộc thi.

Nếu được chấp nhận, Nguyễn Hoàng Bách sẽ bằng điểm với Nguyễn Trọng Nhân và hai thí sinh sẽ tiếp tục cuộc thi để quyết định ngôi Vô địch. Tuy nhiên do mất điểm câu hỏi này, Nguyễn Hoàng Bách kém Nguyễn Trọng Nhân 20 điểm, đoạt giải Nhì cuộc thi.

Nghi vấn đáp án sai trong chung kết Olympia 12

Những lần Đường lên đỉnh Olympia gây tranh cãi “nảy lửa” về đáp án - 4

Tại phần thi tăng tốc, trong câu hỏi IQ "Cần bao nhiêu mặt trời để cân thăng bằng", đáp án chương trình đưa ra là 6 mặt trời, cùng đáp án với Thái Hoàng và Lê Phương. Trong khi Lê Phương trả lời là "Em hi vọng vào sự may mắn của mình", Thái Hoàng tự tin trả lời "Sau một hồi tính toán em đã giải ra đáp án như vậy". Hai thí sinh này được cộng điểm. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc thi kết thúc, khán giả xem đài phát hiện ra đáp án thực sự của câu hỏi này phải là 17/3 mặt trời.

Như vậy, câu hỏi này không thí sinh nào đưa ra đáp án đúng, và Thái Hoàng bị trừ 30 điểm, kém người đạt giải nhì Ngọc Tĩnh 10 điểm và vòng nguyệt quế phải thuộc về Ngọc Tĩnh. Tuy nhiên việc trừ điểm này bị nhiều người chỉ trích rằng không công bằng, vì nếu bị trừ điểm thì Hoàng sẽ chọn gói điểm cao hơn ở phần về đích nên không thể khẳng định rằng Ngọc Tĩnh thắng cuộc.

Hàng loạt các trang Facebook được lập ra để ủng hộ cả Thân Ngọc Tĩnh và Đặng Thái Hoàng, fanpage của chương trình quá tải vì những lời đòi hỏi chương trình phải xử lý vụ việc thỏa đáng cũng như minh oan cho Thái Hoàng.

Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trong đó có quy định của ban tổ chức cuộc thi mà các thí sinh phải cam kết trước khi dự thi là: “Mọi khiếu nại phải do chính thí sinh đưa ra và chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi hình phần thi đó” nên cuộc thi không thể tổ chức lại.

Tranh cãi muối - muối ăn trong chung kết Olympia 11

Trong câu hỏi tăng tốc số 3 của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11, có 5 dữ kiện được đưa ra cho các thí sinh: Đây là hợp chất vô cơ; Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion; ...?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp); Một loại gia vị; Salt.

Đáp án mà 3 thí sinh Ngọc Huy, Bạch Nhật và Bảo Lộc đưa ra là muối được MC chấp nhận là chính xác, còn đáp án của Ngọc Oanh là muối ăn không được điểm. Ngay sau đó, Ban cố vấn, đứng đầu là cố vấn môn hóa thầy Nguyễn Đức Chuy cho rằng, muối ăn là câu trả lời chính xác nhất vì hình ảnh cuối cùng là hình ảnh người nông dân làm muối. Sau cùng, nhờ câu trả lời được Ban cố vấn chấp thuận này mà Ngọc Oanh vô địch.

Ngay sau khi trận chung kết diễn ra, trên khắp các báo mạng và các diễn đàn nổ ra sự tranh cãi kịch liệt đáp án muối và muối ăn cho câu hỏi này Đáp án muối ăn của Ngọc Oanh không thỏa mãn dữ kiện 3 (Tác phẩm "Muối của rừng").

Nhưng câu trả lời muối lại không thỏa mãn gợi ý 2 và 4 (có loại muối là muối hữu cơ cũng như không phải muối nào cũng làm gia vị). Cuối cùng, ban tổ chức giữ nguyên kết quả chung cuộc.

Phát âm sai vẫn vô địch Đường lên đỉnh Olympia 10

Những lần Đường lên đỉnh Olympia gây tranh cãi “nảy lửa” về đáp án - 5

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10, trước câu hỏi cuối cùng của thí sinh Giang Thanh Tùng, người dẫn đầu là Phan Minh Đức đang hơn Đỗ Đức Hiếu (đứng thứ 2) 15 điểm. Câu hỏi của Tùng là câu hỏi tiếng Anh nhưng Tùng trả lời sai và Đức giành quyền trả lời rất tự tin: "Câu trả lời của em là "pờ-lăm-bờ" (plumber)". Sau đó, MC Tùng Chi yêu cầu thí sinh đánh vần lại. Đức đánh vần "p-l-u-m-p-e-r".

Nếu trả lời đúng, Đức sẽ đạt 295 điểm và có vòng nguyệt quế còn nếu sai, thí sinh này sẽ bằng điểm với Đỗ Đức Hiếu (250 điểm). Người dẫn Tùng Chi chấp nhận đáp án của Đức. Tuy nhiên, cách phát âm của Đức có vấn đề (âm /b/ trong từ plumber là âm câm), cùng như cậu đánh vần sai, và nhiều khán giả không đồng ý với kết quả chung cuộc và nghĩ rằng thật thiệt thòi cho Đỗ Đức Hiếu.

Sau cùng, cố vấn tiếng Anh đã khẳng định, câu trả lời của Đức không có vấn đề gì vì "hầu hết người châu Á đều dễ bị nhầm lẫn như vậy, còn phần đánh vần trong câu hỏi không yêu cầu". Cuối cùng, kết quả Đức vẫn giành suất học bổng 35.000 USD.

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 có 5 thí sinh

Theo luật của chương trình, một cuộc thi chỉ có 4 thí sinh được tham dự. Nhưng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 đã có 5 thí sinh. Lý do là vào trận thi quý 3, thí sinh Bạch Đình Thắng đứng trước câu hỏi 30 điểm cuối cùng và đang kém thí sinh dẫn đầu (Hồ Ngọc Hân) 60 điểm và quyết định chọn ngôi sao hi vọng. Câu hỏi dành cho Thắng là nêu 6 hệ cơ quan trong cơ thể người. Thí sinh này trả lời đúng 5 hệ (là hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ hô hấp) còn hệ thứ 6 là nội tiết không được ban cố vấn chấp nhận (phải là hệ vận động).

Do đó, Thắng bị trừ 30 điểm và không được vào trận chung kết. Sau một thời gian, Thắng đã gửi cho chương trình quyển sách giáo khoa sinh học lớp 8 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành có viết "Hệ nội tiết là hệ quan trọng trong cơ thể người". Trước bằng chứng này, Đường lên đỉnh Olympia đã mời ban cố vấn sinh học cũng như người biên soạn sách giáo khoa để tranh luận, phản bác. Cả hai bên đều đưa ra lập luận khoa học riêng, không ai chấp nhận mình sai. Cuối cùng, chương trình quyết định "thí sinh học thế nào thì trả lời thế ấy", chấp nhận câu trả lời này, dẫn đến Thắng không những không bị trừ điểm mà còn được cộng thêm 60 điểm, bằng số điểm của Hồ Ngọc Hân, và cả hai đã cùng được vào trận chung kết.

Huy Khánh