Những biến dạng của “yểu điệu thục nữ”

(Dân trí) - “Trông bạn ấy thật nữ tính” là lời khen mà bạn gái nào cũng mong có được từ những người xung quanh. Nhưng có không ít bạn áp dụng “sai phương pháp” nên đã tự biến mình thành những “cô nàng chảy nước”.

Nữ tính = điệu 

Con gái ai chẳng “điệu”, muốn mình xinh xắn, nổi bật trong mắt mọi người. Tuy nhiên, “điệu” thế nào là đúng liều lượng để mọi người thấy mình dễ thương, muốn bắt chuyện thì không dễ chút nào.  

Linh, sinh viên ĐH KTQD được các bạn trong lớp đặt cho biệt danh là “dớt”, đi đâu cô cũng khiến mọi người phát hoảng về độ nhún nhẩy cũng như những câu nói kéo dài giọng hàng cây số của mình.  

Lan bạn cùng lớp với Linh nói: “Ngày trước nó cũng bình thường thôi nhưng sau thời gian nghỉ hè không hiểu nó học được cái thói kéo dài giọng kiểu “thánh thót” giả tạo, chốc chốc lại ứ với ái ở đâu làm bạn bè, kể cả thân như mình cũng thấy mệt phờ. Mình nhiều lần góp ý, Linh bảo: thế mới dễ thương, mới đúng là con gái. Mình chịu hẳn.”  

Còn cô bạn Mai (sinh viên SP) quan niệm “con gái là phải điệu, không điệu không phải là con gái, mà con gái “điệu” tức là phải mặc áo dây dợ chằng chịt, trên thắt dưới thắt, màu sắc càng rực càng tốt, còn đi đứng phải uyển chuyển, không được cứng đờ như khúc gỗ”.   

Lý luận trên của Mai đã nhiều lần làm bạn bè một phen lao đao vì không nhịn được cười.  Có lần cô mặc một chiếc áo đỏ chót chia làm ba khúc bó chít lấy người, cộng với dáng đi “người mẫu cũng phải chào thua” lên bảng phát biểu làm cả hội trường học cười nghiêng ngả.  

Vẫn biết “điệu” là một đặc tính của con gái và cũng chính vì điểm này mà con gái trở nên đáng yêu hơn trong mắt mọi người. Tuy nhiên, “điệu” giống như gia vị cho cuộc sống, nếu nhiều quá sẽ khiến những người xung quanh bội thực và “điệu” cũng cần đúng cách để không tự biến mình thành trò cười.  

Nữ tính = yếu ớt  

Nhiều bạn hiểu nhầm “nữ tính” đồng nghĩa “yếu đuối” và “yếu đuối” lại bằng với “yếu ớt”. Cuối cùng thay bằng việc thể hiện nữ tính trong cử chỉ, lời nói dịu dàng dễ nghe, một số cô gái giả vờ mình “yếu ớt”, làm gì cũng sợ mệt, sợ đau.   

Tuyết, đại học Hà Nội, bạn Hồng kể với giọng điệu bức xúc: “Hôm ấy cả lớp đi thăm quan ở thác Đa, mới đi bộ được một đoạn, lúc đầu Hồng kêu ba lô nặng đeo đau vai, thấy thế một bạn trai trong lớp xung phong xách hộ. Được một đoạn nữa nó lại kêu đau với mỏi chân tùm lum, mặt mày phụng phịu bí xị …  Nữ tính đâu chẳng thấy, chỉ thấy buổi đi chơi hôm đó đã bị Hồng phá hỏng”.

Phương (SV ĐH Văn Hóa) thì kiên quyết đứng ngoài, mỗi lần lớp có công việc gì phải dọn dẹp, mang vác... Hôm ấy, lớp chuẩn bị họp chi đoàn, sát giờ rồi mà bàn ghế vẫn chưa kê. Một cô bạn nhờ Phương kê bàn cùng, Phương ngúng ngẩy, dậm chân đôm đốp xuống sàn: “Nặng thế làm sao tớ bê được” rồi quay đi, mặc bạn mình tự xoay sở.

Nay ốm, mai ốm. Lúc nhức đầu, lúc lại choáng váng xây xẩm mặt mày. Hình như với những cô bạn “yếu ớt” này, cứ phải để bạn bè xúm vào hỏi han, xuýt xoa này nọ, họ mới thấy mình đúng là con gái. 

Thủy (Học viên Báo chí & tuyên truyền) từng làm bạn bè khốn khổ suốt bao nhiêu lâu vì cái chứng bệnh tim của cô. Một tháng thì cũng phải vài ba lần lên cơn đau tim.  

Bạn bè cuống cuồng, hết cõng Thủy xuống phòng y tế, lại đưa về Ký túc xá để cô nghỉ. Có hôm, Thủy còn “đau” đến nỗi, cậu bạn cùng lớp tá hỏa gọi cả xe cấp cứu. Xe đến nơi thì Thủy hết “đau”. 

Đợt ấy, cả lớp phải đặc biệt quan tâm đến Thủy, hỏi han cô liên tục, ái ngại cho căn bệnh của cô. Mấy cậu con trai thì tuyệt nhiên phải đối xử với Thủy như “trứng mỏng” vì sợ cô lên cơn đau bất thần.  

Sau vài tháng làm mình làm mẩy ấy thì tuyệt nhiên không thấy Thủy đau ốm gì nữa, cô chạy nhảy huỳnh huỵch, khỏe mạnh bình thường. Cô tiết lộ với cô bạn thân: “Con trai hay thích con gái trông yếu đuối một chút để che chở, mới vào năm thứ nhất, gây ấn tượng đó để nhiều người quan tâm đến mình hơn.” 

Đến đây, thì phát hoảng với cái chữ “yểu điệu thục nữ”. 

Lương Ngọc