Những bạn trẻ “siêu tiết kiệm” ở Trung Quốc

(Dân trí) - Ngay khi vừa vào đại học, Thành Tự đã gia nhập nhóm sinh viên “siêu tiết kiệm”. Cô sinh viên năm cuối ở tỉnh Thành Đô (Trung Quốc) nhận ra rằng, quả là sai lầm nếu sinh viên không “chăm lo” đến tài chính bởi vì họ chưa đi làm.

Thành Tự lý giải rằng không phải là những sinh viên sống tiết kiệm như cô chi tiêu hà tiện, mà là duy trì một mức sống cao với chi phí rẻ nhất.

 

Ví dụ, Tự chỉ mua quần áo mới khi đã bán được một số bộ quần áo cũ. Cô cũng chỉ mua sắm hàng trên mạng vì ở đó quần áo rẻ hơn nhiều, các cửa hàng online lại luôn “chào mời” mức giảm giá mà cũng không mất phí vận chuyển. Tự thường xuyên ăn tại căng tin của trường và hiếm khi ăn ngoài những nhà hàng sang trọng.

 

Những bạn trẻ “siêu tiết kiệm” (hay nói vui cách khác là “kẹo kéo”) khác thì đi xe buýt, tải sách và nhạc miễn phí thay vì mua hàng chồng sách và CD, dùng thẻ tín dụng ít hơn, mang cơm từ nhà để ăn tại trường. Họ còn bày cho nhau cách tiết kiệm tiền điện và tiền nước bằng cách giặt những đồ nhỏ như tất, đồ lót bằng tay; rút phích điện khi rời phòng; dùng nước đã sử dụng để dội toilet...

 

Tất nhiên, sinh viên không chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính như những người đi làm. Song điều khiến Tự và những sinh viên khác lo lắng là ảnh hưởng của suy thoái tài chính toàn cầu đến triển vọng nghề nghiệp. Những sinh viên này sống tằn tiện để có thể chuẩn bị cho những ngày khó khăn sau này khi phải sống độc lập và không còn được bố mẹ chu cấp nữa.

 

Những bạn trẻ “kẹo kéo” như Thành Tự đi ngược lại quan điểm rằng thế hệ 8X của Trung Quốc toàn là những thanh niên được nuông chiều, tiêu tiền vô tội vạ.

 

Cộng đồng mạng Trung Quốc còn trưng khẩu hiệu: “Chúng tôi không thích taxi, chúng tôi không đi shopping, cũng không ăn tiệm, chúng tôi tự mình làm việc nhà”.

 

Trước đây, bố mẹ Thành Tự cho con gái 700-1.000 nhân dân tệ (1,5-2 triệu đồng) mỗi tháng và cô thường tiêu hết sạch khoản “trợ cấp” này trước khi nhận ra mình đã cạn tiền và cô cũng không nhớ mình đã tiêu những món tiền này ở đâu, khi nào. Bây giờ, Tự giới hạn khoản chi tiêu hàng tháng trong khoảng 300 NDT. Khi học năm cuối, Tự đã mở một cửa hàng trực tuyến bán quần áo và phụ kiện thời trang.

 

Mỗi tháng, cửa hàng mang lại cho Tự khoảng 600-1.000 NDT và cô có thể sống tự lập. Tự cho biết: “Hiện nay tôi có vài ngàn NDT trong ngân hàng, 80% số tiền này là lợi nhuận từ cửa hàng trực tuyến. Đôi khi tôi còn mua quà cho bố mẹ. Tôi rất tự hào về bản thân”.

 

Xuân Vũ

Theo CRI