Nguyễn Chí Hiếu - Ba lần vinh danh tài học tại Anh quốc

Được hai trường của Anh, ba trường của Mỹ tuyển chọn và cấp học bổng đào tạo tiến sĩ kinh tế, nhưng Nguyễn Chí Hiếu quyết chọn ĐH Stanford với suất học bổng toàn phần 375.000 USD vì theo Hiếu “đó là một trường đại học kinh tế hàng đầu trên thế giới mà tôi ao ước”.

Ba lần được vinh danh ở Anh quốc, nhưng vì sao Hiếu lại chọn đại học Stanford (Mỹ)?

 

Sau khi được hai trường bên Anh là LSE (nơi tôi đang học) và đại học Cambridge, cùng ba trường bên Mỹ là Stanford, Northwestern, Columbia tuyển chọn và cấp học bổng trong năm năm để đào tạo thành tiến sĩ kinh tế, tôi đã chọn đại học Stanford vì đó là một trường đại học kinh tế hàng đầu trên thế giới mà từ lâu tôi ao ước. Họ cấp cho tôi một học bổng khá cao trong suốt năm năm học. Số tiền học bổng này, thật lòng mà nói, cũng vượt ngoài sự mong đợi của tôi.

Hơn nữa, sau năm năm học tại Anh, mặc dù nền giáo dục rất năng động và nhiều khó khăn với tôi, nhưng tôi muốn tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến khác.

 

Cảm giác khi bạn nhận được học bổng của đại học Stanford và lúc được vinh danh ở Anh có khác nhau không, vì sao vậy?

 

Khi được Stanford thông báo kết quả, tôi run và toát lạnh mồ hôi vì quá sung sướng, khác hẳn với sung sướng khi đón nhận danh hiệu sinh viên giỏi nhất nước Anh vì danh hiệu này chỉ là ghi nhận những thành quả mà mình đã cố gắng trong những năm tháng đã qua. Tôi hiểu rằng tương lai sẽ có thêm nhiều thách thức, nhưng tôi chấp nhận.

 

Nguyễn Chí Hiếu sinh năm 1984. Năm năm trước, khi đang học ở TPHCM, một người bạn rủ Hiếu tham gia phỏng vấn du học Anh. Ban đầu chỉ nghĩ đi cho vui, nào ngờ nhờ vốn tiếng Anh lưu loát (từng đoạt giải nhì Anh văn quốc gia), Hiếu đoạt luôn suất học bổng toàn phần sang Anh học dự bị đại học (A-level).

Hiếu đã tốt nghiệp đại học thủ khoa tại học viện Kinh tế và chính trị Luân Đôn (LSE), Anh và đang hoàn thành chương trình tiến sĩ tại đại học Stanford, Mỹ với suất học bổng toàn phần trị giá 375.000 USD.

Năm 2004, Hiếu đứng đầu trong hơn 330.000 sinh viên kỳ thi dự bị đại học ở Anh quốc. Năm 2006, được viện Giáo dục quốc tế bầu chọn 1 trong 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới. Năm 2007, được học viện Kinh tế chính trị Luân Đôn vinh danh sinh viên giỏi nhất nước Anh chuyên ngành kinh tế.

Hiếu còn là một ca sĩ không chuyên xuất sắc, tham gia trong hầu hết những show ca nhạc cho học sinh sinh viên tại Anh như “Điểm hẹn 2004”, đêm nhạc Trịnh Công Sơn 2006, Tết 2004, “Good morning Vietnam”.

 

Trong sự chọn lựa này, bạn làm theo ý muốn cha mẹ hay bạn lượng định được cơ hội hiếm có?

 

Cha mẹ của tôi đều là giáo viên - cha tôi tốt nghiệp đại học sư phạm toán, mẹ tôi tốt nghiệp đại học sự phạm văn và là những giáo viên dạy giỏi tại thành phố Quy Nhơn. Cha mẹ tôi đã đau lòng từ giã nghề sau hơn 15 năm dạy học để bước sang lĩnh vực kinh doanh với mong muốn ba anh em chúng tôi có điều kiện tốt hơn trong học tập... Sự hy sinh của cha mẹ đã in sâu vào tâm thức của cả ba anh em tôi và chúng tôi đều chọn con đường kinh tế tài chính.

Tôi cũng không còn nhớ rõ từ lúc nào nhưng chắc chắn là khi học cấp hai, cha mẹ tôi đã giao ba anh em chúng tôi tự giặt quần và đầu cấp ba thì ba anh em chúng tôi đã có thể tự hoàn thành những bữa cơm đầy đủ…

 

Anh của tôi cũng đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ nhất tại Nhật… Nhờ đó, trong hơn năm năm du học, chúng tôi đã tự túc nấu ăn để có được những bữa cơm vừa ý và rẻ, thậm chí tự hớt tóc để bớt tốn tiền. Nói chung, tính tự lập càng cao thì thành quả mang lại càng lớn và giúp ích rất nhiều cho các du học sinh. Có lẽ đó là tinh thần hướng đạo cha tôi đã truyền cho chúng tôi từ rất lâu mà anh em chúng tôi may mắn được tiếp nhận.

 

Sẽ quá sớm nói về ngày vinh quy, nhưng nếu phải chọn lựa giữa công việc ở nước ngoài và trở về làm việc trong một địa phương nào đó đang đưa ra mức hỗ trợ hàng chục triệu đồng để thu hút người tài, bạn sẽ chọn lựa như thế nào?

 

Xa nhà khá lâu, tôi không được rõ lắm về những chủ trương của các địa phương trong việc chiêu hiền đãi sĩ. Nếu chỉ là mức hỗ trợ bằng tiền, tôi nghĩ đó chỉ là “điều kiện cần” chứ chưa “đủ” để thu hút nhân tài. Muốn có nhiều nhân tài cho đất nước, ngoài các chủ trương hiện nay, nhà nước phải có chủ trương về đào tạo và kế hoạch trọng dụng nhân tài một cách minh bạch và nhất quán.

 

Theo Gia Khiêm

Sài Gòn Tiếp Thị