Nghi ngờ vì bạn gái quan hệ không rõ ràng

Em và bạn gái quen nhau được khoảng 3 tháng, bọn em rất yêu nhau như càng ngày em càng nghi ngờ cô ấy vì thấy tin nhắn và các mối quan hệ của cô ấy không rõ ràng…

Em thừa nhận mình có ghen, dù biết yêu nhau thì phải cho nhau sự tin tưởng nhưng cô ấy chẳng thay đổi gì. Cô ấy đã thú nhận với em từng làm chuyện ấy với người khác. Em sẵn sàng bỏ qua nhưng cô ấy chẳng biết điều gì cả, nhiều lúc em chán lắm muốn chia tay nhưng lại không làm được. Bây giờ em phải làm sao để cô ấy hiểu và em không còn nghi ngờ cô ấy nữa đây? (Nguyên Phong, Thanh Hóa)

 

Cách bạn nói về bạn gái và tình yêu của mình cho thấy bạn chưa thật sự chấp nhận cô ấy như những gì bản thân cô ấy có cũng như bạn đã quá kỳ vọng vào tình yêu. Để bạn gái thay đổi tâm tính không phải là chuyện đơn giản.

 

Hai bạn thử ngồi lại và đưa ra những quy ước cụ thể mà 2 bạn thấy cần cho tình yêu của mình như: Cần công khai bạn bè, lịch công tác; dành bao nhiêu thời gian cho nhau trong tuần…. Nếu người nào vi phạm sẽ bị phạt và tất nhiên, nếu người nào thường xuyên vi phạm cho thấy họ thiếu nghiêm túc trong mối quan hệ này, người còn lại cần mạnh mẽ dứt khoát.

 

Bạn ghen khi yêu cũng là chuyện thường tình, tuy nhiên, vì ghen mà bạn muốn kiểm soát tất cả các mối quan hệ của cô ấy và đòi hỏi cô ấy phải biết điều thì bạn đang tự làm khổ mình. Có vẻ như bạn cũng không đủ tự tin. Bạn cần tự tin hơn và mạnh mẽ hơn thì cô ấy mới nể bạn, trân trọng tình cảm của bạn. (Cô Nguyễn Thị Ngọc, phó trưởng bộ môn tâm lí - ĐH Sài Gòn tư vấn).

 
Nghi ngờ vì bạn gái quan hệ không rõ ràng
 

Sao em gặp ai đẹp trai em cũng thích hết, làm bây giờ nhiều người ghét em và cho rằng em lăng nhăng và tham lam. Nhưng em không có kiềm chế tình cảm của mình được... (Ngọc Trâm, Cà Mau)

 

“Căn bệnh” ban phát tình yêu hào phóng này có vẻ trầm kha đây! Điều này một phần thuộc về tính cách của cá nhân rồi. Tuy nhiên em vẫn hoàn toàn có thể rèn sửa bằng cách sau:

 

- Một là, nếu đã có người yêu, em nên hạn chế để ý đến những anh chàng đẹp trai hoặc cuốn hút. Khi “ý tưởng đen tối” xuất hiện là em phải cắt đứt ngay và tìm cách hạn chế tiếp xúc với họ nếu có thể.

 

- Hai là, khi gặp một anh chàng nào đó, em nên công bố trước là em đã có người yêu để em “chặn đứng” cơ hội tiến tới của mình và của cả đối phương.

 

- Ba là, “một người cho chín còn hơn chín người”. Khi yêu một ai, em hãy dồn toàn tâm vào nuôi dưỡng mối quan hệ với họ, quan tâm họ và chỉ nhận lời đi chơi riêng với họ thôi. Sự toàn tâm cho một tình yêu sẽ khiến em cảm nhận được cái hạnh phúc của sự chung thủy và đừng để cho mình có thời gian “ngó nghiêng” ngang dọc.

 

Tuy nhiên, đó là dành cho trường hợp em đã chính thức “yêu”. Còn nếu chỉ “thích” thôi thì em được quyền lựa chọn trong số những người mình thích. Để tìm được một nửa của mình không phải dễ dàng, anh tin rằng khi em đã gặp được một nửa thật sự của mình, em sẽ cảm thấy người đó thật đặc biệt đến nỗi các anh chàng khác khó mà lung lay em được. (Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa tâm lí, ĐH Sư phạm tư vấn)

 

Em quen anh ấy chỉ mới 2 tuần nhưng em và anh đó đã thân mật với nhau, em thương anh thật nhiều. Nhiều lúc em nghĩ anh chỉ giỡn với em, khi em hỏi thì anh nói nếu anh không thương em thì sẽ không cho em biết tường tận về nhà anh.

 

Nhưng bây giờ em lại có cảm giác như anh đang quen thêm một nguời khác nữa, em hỏi thì anh nói anh không có. Bạn bè và ba mẹ em thì không cho em quen anh vì anh là dân quậy. Giờ em phải làm sao? (Su, 16 tuổi)

 

Tim em “nhói đau” thì đích thị là em rất quan tâm và muốn gắn bó với anh ấy, nhưng nghe hết câu chuyện tôi có cảm giác như đây là mối tình của em nhưng lại được “định đoạt” mọi sự bởi một người khác.

 

Em thân mến, rất có thể việc cho biết nhà chứng tỏ anh ấy là người đàng hoàng, nhưng cũng có thể chỉ đơn giản là để cho biết anh ấy có một gia đình đang ở tại một căn nhà cụ thể. Việc “cho biết nhà” này khó có thể là bằng chứng để chứng tỏ rằng anh ấy yêu em thật lòng.

 

Có mấy dữ kiện mà em cần phải lưu ý: 1) Cảm giác như anh ấy quen thêm một người khác; 2) Anh ấy là dân quậy. Điều em cần làm lúc này là bình tĩnh để đừng quá dấn sâu vào mối quan hệ theo kiểu người lớn (nhất là nếu có việc đòi hỏi quan hệ tình dục từ anh ấy, tôi nói điều này vì nghĩ đến chữ “đã thân mật” em vừa nói ở trên) để còn có cơ hội “rút quân” khi thấy không ổn.

 

Việc em chia sẻ thông tin này với ba mẹ là rất tốt, vì ít ra em cũng có thể tìm kiếm được sự nâng đỡ và cố vấn của ba mẹ khi cần. Nếu có cơ hội, hãy tìm hiểu thêm về anh ấy, về những mối quan hệ bạn bè, về việc học hành, về những sở thích, và về những hoạt động... “vui chơi giải trí” của anh ấy để em có thể có được quyết định đúng đắn và có lợi nhất. (Chuyên gia tâm lí Ngô Minh Uy tư vấn)

 

Em "có" từ năm lớp 6 mà bây giờ em đã 18 tuổi rồi nhưng vẫn không đều. Đỉnh điểm là giữa năm ngoái tới giờ 5-6 tháng em mới có một lần mà mỗi lần kéo dài gần nửa tháng. Mẹ nói con gái thì không sao đâu nhưng em không còn là "con gái" nữa. Em bị bệnh gì vậy thưa bác sĩ? Cháu bị mất kinh được 2 tháng rồi. Cháu rất là bối rối không biết phải khám bệnh ở đâu và không biết mình bị bệnh gì? Đây là lần đầu tiên cháu bị vậy (Xin giấu tên, Hóc Môn)

 

Đúng là con gái mới dậy thì kinh nguyệt chúa hay “lộn xộn”, nhưng vấn đề là mức “lộn xộn” vừa phải và phải dần vào khuôn phép theo thời gian. Ngược lại, nếu tình hình trồi sụt quá thể, đặc biệt chẳng chịu “khôn lớn”, thì nên đi khám, có thể đây không phải là những va vấp “lọng cọng” của bình thường của tuổi mới lớn rồi.

 

Em có nói em không còn là “con gái” nữa, không biết ý em nói đã qua tuổi dậy thì hay là đã từng quan hệ. Nếu nghiêng về phần đã từng quan hệ thì em phải nghĩ đến khả năng kinh nguyệt tắt là vì có thai để sớm thử thai hoặc đi khám. Trừ khả năng liên quan đến “thai kỳ”, tự dưng mất kinh không thể coi là bình thường.

 

Tuy thủ phạm có thể nhẹ hều, nhưng dù sao em nên đến bệnh viện (khoa phụ sản) để thăm khám, làm xét nghiệm nếu cần. Lưu ý, đây là việc phải làm để chỉ ra kẻ gây rối, chứ không phải đi khám là …bệnh nặng! (Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn)

 

Em bị đau vùng mông, cứ ngồi xuống hay nhúch nhích mạnh là đau,từ đó đến nay đã 3 tuần rồi mà chưa hết. Xin bs giải thích giùm em đã bị gì, có nghiêm trọng không, cần làm gì và cách chữa trị ạ. (Mỹ Vy, 13 tuổi, Bình Thuận)

 

“Bàn tọa” là nơi cư trú của nhiều đơn vị : cơ, xương, thần kinh, mạch máu…Như vậy khi nó bị đau thì nghi can có thể là bất kỳ kẻ nào có mặt . Nhiều khả năng em chỉ bị đau cơ (gọi chung là đau phần mềm) do chấn thương, giãn cơ do chơi thể thao, đạp xe …Đợi một thời gian, hạn chế vận động, tránh bức ép do ngồi nhiều, nếu khỏi thì đích thị là “lỗi phần mềm”. (Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn)

 

Theo Mực Tím