Nam sinh “nâng cao sĩ diện” bằng...thuốc lào

Tưởng rằng hút thuốc lào là “thú vui” của những bác xe ôm, người cao tuổi, người làm nghề tự do nhưng thực tế thì không hẳn vậy...

Hiện nay, số lượng nam sinh hút thuốc lá khá nhiều, tuy nhiên nó không còn là hàng “độc” nữa. Nhiều sinh viên chuyển sang loại hình khác: thuốc lào. Và nó đã trở thành “món” ưa thích của nhiều sinh viên nam mỗi khi lê la ở quán nước vỉa hè.

 
Nam sinh “nâng cao sĩ diện” bằng...thuốc lào  - 1
Mỗi quán nước đều “trang bị” một, hai điếu cày phục vụ “thượng đế sinh viên”. (ảnh minh họa)
 

Bắn điếu thuốc lào, nâng cao sĩ diện

 

Tùng - SV ĐH Xây dựng vê thuốc điệu nghệ, đặt vào nõ điếu, châm lửa, rít một hơi thật sâu rồi thong thả ngửa ngưởi nhả từng làn khói trắng.

 

Tùng chia sẻ : “Bình thường mình hút cả thuốc lá với thuốc lào nhưng hút thuốc lào nhiều hơn vì nó rất “phê”. Đặc biệt là vào những ngày lạnh, bắn một bi thuốc lào vào buổi sáng sớm cảm giác rất khoái, nó làm mình nôn nao, cảm giác rất ấm. Nói chung là rất khó diễn tả, những ai chưa hút thì khó mà cảm nhận được”.

 

Giờ tan học, tại quán nước trước cổng các trường ĐH ở Hà Nội là nơi tụ tập của nhiều nam sinh viên. Mỗi quán nước đều “trang bị” một, hai điếu cày phục vụ “thượng đế sinh viên”.

 

Cứ thế, hàng chục SV truyền tay nhau cái điếu cày. Họ truyền tay nhau cái thú vui mà ở quê nhà, hầu như chỉ dành cho nông dân, những người lao động có tuổi. Điều đáng nói là các bạn sinh viên, bạn nào cùng châm điếu cày và "chơi" thuốc lào một cách rất thuần thục.

 

Một bạn sinh viên lý luận: “Hút thuốc lào nâng cao... sĩ diện! Đang là SV, có cái gì để sĩ diện ngoài cái này! Cứ ngồi quán cóc thỉnh thoảng rít cho kêu vào xem, khối thằng nhìn bằng con mắt thán phục...!”.

 

Tại một quán nước trước cổng trường ĐH Kiến trúc, Hùng (sinh viên trường này) "bắn" xong điếu thuốc, mắt lim dim như vừa ngủ dậy, quay sang bảo mấy "đồng nghiệp" sinh viên ngồi cạnh: “Thuốc này nặng, phê quá”. Cả hội cười vang trước câu nói ngây ngô của Hùng. Cũng theo Hùng, hút thuốc lào bây giờ mới là "mốt", vừa rẻ, lại vừa... phê.

 
Nam sinh “nâng cao sĩ diện” bằng...thuốc lào  - 2
Sinh viên mê món “độc” thuốc lào. 
 

Thuốc lào lên ngôi trong giới sinh viên

 

Tham khảo các blog, các diễn đàn dành cho sinh viên, giới trẻ không khó để bắt gặp những topic về thuốc lào. Những hình ảnh, clip sinh viên phê thuốc lào được được đưa lên rất nhiều. Có những thành viên còn comment rất cụ thể cảm giác khoan khoái của mình khi hút thuốc. Và đương nhiên những comment ấy luôn được thành viên của diễn đàn hưởng ứng nhiệt tình.

 

Thành - ĐH GTVT sau khi “bắn” xong một “bi”. Trông có vẻ khoan khoái, cậu nói vui: “Cũng... may, từ khi có cái món này mà em bỏ hẳn được thuốc lá”. Và theo như Thành, thuốc lào có những ưu điểm vượt trội so với thuốc lá. Thuốc lào vừa rẻ, vừa “phê”, chỉ có cái bất tiện là đi đâu không mang theo được.

 

Đại đa số, những nam sinh đến với thuốc lào là được thừa hưởng thói quen từ chính người thân trong gia đình nhưng cũng không thiếu bạn hút thuốc lào là do phong trào, thể hiện đẳng cấp hoặc do bạn bè xúi giục.

 

Nam vốn quê Thanh Hóa, kể các bạn của Nam, 5 đứa thì có đến 3 đứa nghiện thuốc lào. Sinh viên, không dám chơi thuốc lá đắt tiền nên chơi “em” này vừa rẻ vừa phê. “Thỉnh thoảng, hội thuốc lào vẫn gặp nhau chơi mấy điếu cho vui lại có anh có em đấy”.

 

Theo chị Nga, người đã có thâm niên bán nước nhiều năm ở cổng ĐH GTVT thì: “Sinh viên bây giờ toàn ra đây hút thuốc lào. Thuốc lá cũng không được ưa thích bằng. Mà chẳng biết chúng nó học được ở đâu mà thấy đứa nào cũng rất sành từ cách châm điếu cho đến rít thuốc, nhả khói”.

 

Cũng theo những người bán hàng nước khác thì hàng nước nào mà không có điếu cày là rơi ngay vào tình trạng ế ẩm. Do vậy nên bất kỳ quán trà đá nào cho dù thiếu bánh mì, kẹo lạc… nhưng không thể thiếu một “em điếu”.

 

Thuốc lào đã len lỏi vào đời sống SV và trở thành trào lưu. Sự bao biện về “giá trị” của thuốc lào không thế phủ nhận những ảnh hưởng mà thuốc lào mang lại. Nó vừa làm mất mỹ quan lại ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút cũng như người xung quanh. Một thói quen cần phải bỏ nhưng vẫn được các sinh viên ưa chuộng.

 

Theo Lê Nho Việt

Vietnamnet