Muôn cách “chống chọi” trong cơn bão giá của SV Huế

(Dân trí) - Sau tết khi các mặt hàng đều đồng loạt tăng giá. Đó cũng là lúc SV Huế phải đối mặt khó khăn về tiền trọ, tiền ăn học, thức ăn... Nhiều cách đối phó đã được các SV cụ thể hoá thành hành động để vượt qua cơn bão giá.

Choáng vì giá cả tăng vùn vụt

So với các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…thì mức sống ở Huế xếp vào hàng “dễ thở”. Trước đây đi đâu SV Huế đều tự hào “học ở Huế sướng lắm, mức sống vừa phải thậm trí là rẻ nhất là ăn uống thì khỏi nói”. Nhưng sau tết giá cả leo thang đời sống sinh viên trở nên khó khăn hơn.

Đa phần SV Huế đều thuộc tầng lớp nhà nông các tỉnh của miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… nên hoàn cảnh hầu hết còn nhiều khó khăn. Hàng tháng nhà nào khá giả thì gửi được 1 triệu đồng, còn không thì 700.000- 800.000đ cho toàn bộ việc ăn, ở. Do vậy, chi tiêu hết sức dè chừng nhưng vẫn không đủ sống.

Sau tết nhiều SV ngỡ ngàng khi giá cả ngày một tăng vọt nhiều mặt hàng tăng gấp đôi. Ở các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bên Ngự giá các loại thực phẩm đều tăng. Nếu như trước tết chỉ 3.000-4.000đ là có bó rau tươi nhưng nay tăng lên gấp đôi. Hàng thịt, cá thì giá ở “trên trời”. Rất nhiều SV đã từ lâu không ăn được thịt bò vì giá quá mắc: 1kg tăng từ 120.000 lên 170.000đ.

Muôn cách “chống chọi” trong cơn bão giá của SV Huế - 1

Một nam SV mua dưa giá về làm thức ăn chính cho buổi cơm trưa

Bạn Lê Văn Tiến quê ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đang học nghiệp vụ công an trên thành phố cho hay: “Sau tết em thấy cái gì cũng đắt đỏ tiền ăn, tiền ở, điện, nước... món nào cũng tăng lên vùn vụt. Trước đây với 20.000 đi chợ là 2 người ăn cả ngày là vừa nhưng giờ có ít cũng 30.000 thế mà vẫn còn thấy thiếu thiếu”.

Trong khi đó giá nhà trọ cũng bắt đầu rục rịch tăng. Trước đây giá phòng chỉ tầm 300.000đ đến 350.00đ là cao nhưng nay đã lên hơn 500.000đ, có nơi lên đến 600.000đ chưa cộng tiền điện nước.

Em Nguyễn Thị Thanh Trang, SV năm 3 khoa Ngữ Văn (ĐH Sư phạm Huế) đi một vòng chợ nhưng chẳng mua được gì cho vừa túi tiền. Cuối cùng Trang chọn mua bữa ăn thật đơn giản gồm vài miếng đậu, ít rau cải và vài con cá nục nhỏ. “Bây giờ được ăn một bữa rau ngon còn hiếm huống chi là ăn thịt, ăn cá hả anh. Đây cũng là món ăn thường ngày của mấy bạn lớp em trong cơn bão giá ”, Trang cười vui vẻ chia sẻ.

Muôn cách “chống chọi” trong cơn bão giá của SV Huế - 2

Phần lớn sinh viên ra chợ đều ngập ngừng mãi mới mua được bữa ăn.

Nhiều cách chống bão giá "đặc" chất SV

Để đối phó, sinh viên Huế đã đưa ra nhiều giải pháp như góp gạo thổi cơm chung, làm thêm, dạy kèm… nhằm tiết kiệm và tăng thêm thu nhập.

Nhóm bạn Nguyễn Đan, Nguyễn Trang, Lê Phải, Phạm Tân… là những sinh viên thuộc các trường của khối ĐH Huế, từ sau khi vào tết đã cùng nhau góp gạo nấu cơm chung.

Muôn cách “chống chọi” trong cơn bão giá của SV Huế - 3

Nhóm bạn Đan, Trang, Khải, Tân góp gạo thổi cơm chung

“Nếu như 2 người đi chợ mà nấu ăn thì mua được ít lắm nên bảo hai đứa em cạnh phòng cùng bọn em góp vào đi chợ nấu ăn chung cho đỡ tốn. Góp lại thì mình mua dễ mua hơn mà mua cũng được nhiều món hơn” Đan - đầu bếp chính cho nhóm nói.

Nguyễn Thị Hạnh, SV năm 1 ngành Sư phạm văn cho hay, ban ngày đi học còn buổi chiều từ 5h đến 10h giờ tối đi làm ở quán café, mỗi  tháng cũng được 400.000-500.000đ trang trải thêm vào việc học tập.

Muôn cách “chống chọi” trong cơn bão giá của SV Huế - 4

Để có tiền học thêm Đông phải đi trông xe, mỗi tháng được 500 ngàn đồng
Bố mẹ em là nông dân làm mấy sào ruộng thì tiền đâu mà gửi nhiều. Trong lúc tiền nhà trọ, tiền ăn… bao nhiêu khoản phải lo, em phải đi dạy thêm để đủ tiền học” Vi, SV ĐH Khoa học vừa mới đi dạy thêm môn Văn cho 2 HS lớp 8 chia sẻ.
Còn Nguyễn Thái Đông, SV năm 2 ĐH Y dược ngay từ năm đầu vào Huế học, em đã đi làm giữ xe ở các nhà hàng. “Ngày học chiều 5h em đi làm tới 10h về sửa soạn cơm nước rồi 11h mới học bài tới 1-2 giờ sáng mới nghỉ.
Ban đầu thì mệt nhưng qua 1 năm thấy cũng bình thường. Làm thêm tuy có tiền nhưng nhưng mất thời gian học lắm nhất là những ngành như tụi em rất cần thời gian để xem bài, nghiên cứu sách vở”, Đông nói.

Muôn cách “chống chọi” trong cơn bão giá của SV Huế - 5

Khu phố Tây thu hút không ít sv ngoại ngữ làm thêm trong đó có Trang (áo vàng). Em đang hướng dẫn khách các món ăn, thức uống ở trước quán bar Why Not, đường Phạm Ngũ Lão
Trang, SV năm 3 ĐH Ngoại ngữ thì có suy nghĩ “Em thấy tăng giá mình sống khó khăn hơn. Hiện em đã đi làm thêm tại các quán hay có khách Tây ra vào. Như thế vừa có tiền trang trải trong học tập lại được va chạm rèn nghề”.
Riêng em Mai Long, SV năm 4 Báo Chí trường ĐH Khoa học Huế tăng cường “đào sâu” nghề nghiệp tương lai của mình bằng cách cố gắng đi thật nhiều và viết thật nhiều bài báo gửi cộng tác để lấy nhuận bút nhằm chi tiêu thoải mái hơn.
“Em hay ăn rau, ít khi ăn thịt vì nhà nghèo. Từ Tết đến giờ em có cộng tác với báo cũng được 7 bài, tính ra được khoảng 1 triệu đồng. Cuối tháng có nhuận bút em sẽ cải thiện buổi ăn thêm thịt cá để có sức đi viết báo tiếp”, Long thật tình tâm sự. 

Doãn Công - Đại Dương