Mơ một lần được... mặc váy!

Với các nữ VĐV cử tạ, ước mơ đơn giản này vẫn là điều quá... khó đối với họ, bởi chế độ tập luyện quá nặng đã làm cho họ có một thân hình quá khổ.

Tủ áo không bao giờ có... váy

 

Dù vậy, niềm đam mê, sự hi sinh và cả khát vọng được đổi đời nếu đạt thành tích cao đã khiến khá nhiều cô gái chọn cử tạ, môn thể thao được xem là chán nhất bởi suốt ngày chỉ toàn quần nhau với những chiếc tạ nặng nề, câm lặng.  

 

Không chỉ thế, bên cạnh việc rèn luyện kỹ thuật, các nữ VĐV cử tạ còn phải tạo được một “thân hình bề thế” nhằm có được sức mạnh bổ trợ cần thiết.

 

Để biết một bữa ăn của các nữ lực sĩ như thế nào, chúng tôi đã theo chân đoàn VĐV Hà Nội đi ăn cơm trưa vào hôm 20/9. Với tám VĐV, cả đoàn đã gọi hơn 10 món ăn nào là tàu hủ dồn thịt, thịt kho trứng, cá lóc xào, đậu đũa xào... Ghi nhận đầu tiên là tất cả VĐV đều ăn uống ngon lành và... rất khỏe. Chúng tôi còn chưa ăn hết chén cơm đầu tiên thì nhiều VĐV đã xơi đến chén thứ ba.

 

Từ chế độ ăn, tập này, tuyển thủ quốc gia Khuất Thanh Hải cho biết trước khi đến với cử tạ, thân hình cô bé lắm và chỉ nặng có 49kg. Nhưng đến nay Hải đã có trọng lượng gần 67kg. Hay như Nguyễn Thị Phượng Loan, cô gái có thân hình nhỏ nhắn chỉ với 48kg ngày nào, giờ lại đang thi đấu ở hạng cân dưới 80kg. Việc lên cân khá nhiều trong những tháng đầu tiên khiến thân hình to ra đã làm nhiều VĐV tỏ ra sợ hãi, thậm chí có người còn có ý định rút lui. Nhưng dần thành quen, họ chấp nhận hi sinh để có được thành tích cao. 

 

Dù không còn mắc cỡ khi ra đường với thân hình quá khổ nhưng các cô gái cử tạ vẫn không giấu được nỗi thèm muốn mỗi khi thấy các bạn cùng trang lứa mặc áo đầm hay váy.

 

“Thích thì thích thật, nhưng khổ nỗi bọn mình như thế này thì mặc làm sao được. Vì vậy trong tủ áo của bọn em từ lúc tập tạ đến nay chưa bao giờ có sự hiện diện của một cái áo đầm hay váy ngắn nào cả” - một nhóm nữ lực sĩ thú nhận. Dù vậy, chất nữ tính trong mỗi nữ lực sĩ vẫn luôn hiện diện trong họ. Thấy tiệm bán kẹp tóc, cả nhóm đã kéo nhau vào tìm xem có cái kẹp nào ưng ý hay không vì “kẹp tóc cho dễ dàng khi thi đấu”.

 

Mua được rồi, Minh Hải cứ ngắm nghía mãi cái kẹp tóc mới qua chiếc gương nhỏ luôn được đem theo mình mỗi khi đi thi đấu xa, ngay khi về đến khách sạn.

 

Những hi sinh thầm lặng

 

Mơ một lần được... mặc váy! - 1

...dữ dội trên sàn đấu.

Gương mặt co lại, đôi môi cắn chặt, thân hình khá đồ sộ rung lên khi đôi tay nổi đầy gân guốc từ từ nâng chiếc tạ có trọng lượng gần cả trăm ký đưa lên ngang bụng, vai, rồi sau đó giơ thẳng lên không, trong lúc đôi chân cố rướn người đứng thẳng dậy. Những ai một lần chứng kiến các nữ lực sĩ tập và thi đấu chắc không khỏi rùng mình.

 

Nhưng để có được sức mạnh như Hercules thật không phải là điều dễ dàng. Họ đã phải vượt qua nhiều thứ và rào cản đầu tiên để các nữ VĐV đến với cử tạ là gia đình khi không có ông bố bà mẹ nào lại muốn thấy cô con gái mảnh khảnh của mình ngày nào bỗng có thân hình đồ sộ như các võ sĩ sumo Nhật Bản.

 

Nhưng thật ra, khó khăn lớn nhất lại nằm ngay trong chính bản thân mỗi nữ VĐV. Con gái “nhất da nhì dáng”, nhưng nếu đã chọn cử tạ thì xem như vòng hai... đi đứt. Hai bắp đùi cứ dần to ra, hai tay và vai thì săn cứng lại không khác gì một người máy. Chưa kể hai lòng bàn tay đầy những vết chai sần, những vết sẹo chằng chịt lẫn nhau.

 

Chấn thương cũng là nỗi ám ảnh lớn nhất của họ. Một nữ VĐV của đoàn Hà Nội cho biết: “Chúng tôi bị chấn thương như cơm bữa. Tôi nhớ năm 1999 bị chấn thương vai phải tiêm thuốc hơn nửa tháng trời, mà mỗi lần tiêm thuốc là một cực hình bởi đau đớn đến phát khóc và có người bị ngất do đau quá chịu không nổi”.

 

Sự hi sinh của các nữ lực sĩ còn là việc học bị gián đoạn. Như Minh Hải, vì tập luyện và thi đấu liên tục nên cô gái 22 tuổi này chỉ mới vừa hoàn thành chương trình trung học.

 

Theo N.Khôi, Q.Thắng
Tuổi Trẻ