Mì không chiên “made by sinh viên”

Nhận được lời đề nghị phát triển một loại thực phẩm mới, nhóm bạn sinh viên khoa Công nghệ Sinh học, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) đã cho ra đời Pooki, mì ăn liền không chiên, bổ sung bột bí đỏ.

Nhóm sinh viên gồm: Lê Thị Thanh Tiến và Lâm Quang Tuấn. Các bạn chia sẻ: “Ngày nay, nhiều thực phẩm chứa các chất độc hại, chất bảo quản làm cho người dùng lo ngại. Là sinh viên, đối tượng thường xuyên sử dụng mì ăn liền, tụi mình hiểu được tâm lý chung của các bạn sợ ăn mì ăn liền nhiều sẽ bị nóng, sử dụng dầu chiên đi chiên lại. Nhóm quyết định phát triển một loại mì ăn liền không chiên mới, với tiêu chí: Sức khỏe quan trọng nhất”.

Nhóm tác giả sản phẩm: Lê Thị Tâm Hồng, Nguyễn Huỳnh Như Phượng, Trần Thị Minh, Nguyễn Quang Nhật (từ trái sang).
Nhóm tác giả sản phẩm: Lê Thị Tâm Hồng, Nguyễn Huỳnh Như Phượng, Trần Thị Minh, Nguyễn Quang Nhật (từ trái sang).

 

Không chất độc hại

Việc chế biến mì ăn liền bổ sung bột bí đỏ gồm các công đoạn: Làm bột bí đỏ, làm sợi mì, làm gia vị và đóng gói. Bí đỏ đem gọt vỏ, rửa sạch, rồi cắt thành miếng, trước khi đem sấy khô và xay thành bột mịn. Bột bí đỏ trộn với bột mì, nước và muối theo tỷ lệ 5 – 10% bột bí đỏ và 90% bột mì. Hỗn hợp này được nhào trộn, cán mỏng và cắt sợi. Cuối cùng, sợi mì được hấp, sấy khô và đóng gói.

“Giai đoạn tốn nhiều thời gian nhất là làm sợi mì và gia vị. Nhóm mình phải thử nhiều kỹ thuật và thực hiện nhiều tỷ lệ phối trộn khác nhau”, Tâm Hồng chia sẻ.

Điểm nhấn của mì ăn liền Pooki là bột bí đỏ. Do không chiên nên sản phẩm không chứa nhiều trans fats, loại chất béo không tốt cho sức khỏe. Sợi mì có màu vàng cam tự nhiên của bí đỏ mà không sử dụng chất tạo màu tổng hợp.

Bí đỏ còn cung cấp thêm dưỡng chất B-carotene, vitamin A, vitamin E, chất xơ, mang lại giá trị dinh dưỡng cho sản phẩm. Hơn nữa, bí đỏ là nguồn nguyên liệu dễ tìm, dễ chế biến và giá thành rẻ nên sẽ tạo được sự cạnh tranh trên thị trường.

Phản hồi tích cực

Mì ăn liền Pooki đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Young achiever’s safe food ingredient award”, do Hội Khoa học và công nghệ lương thực – thực phẩm Việt Nam (VAFoST) tổ chức. Sau khi nhận được giải thưởng, nhóm mời rất nhiều người dùng thử sản phẩm để lấy ý kiến phản hồi và cải tiến.

Nhóm bạn sinh viên nhìn nhận sản phẩm đang giai đoạn sơ khởi, cần đầu tư thêm thời gian và kỹ thuật. Như Phượng cho biết: “Toàn bộ máy móc để chế biến sản phẩm, tụi mình tận dụng của trường. Những trang thiết bị đó khá thô sơ nên bọn mình gặp không ít khó khăn. Máy cắt sợi mì là máy quay tay nên sợi mì còn dày và to, làm cho mì lâu chín hơn những loại mì không chiên khác trên thị trường”.

Từ những phản hồi của người dùng, nhóm bạn tiếp tục cải thiện chất lượng, đánh giá các chỉ tiêu về lý, hóa, vi sinh, cũng như xác định chính xác thời hạn sử dụng của sản phẩm, sau đó, sẽ tạo thêm các vị mì mới. Nếu thuận lợi, nhóm dự định mở một kiốt trong trường đại học, tiếp tục “nuôi dưỡng đứa con tinh thần” này. Hiện tại, một ly mì không chiên bổ sung bột bí đỏ 65 g có giá 7.000 đồng, nếu sản xuất với số lượng nhiều, giá bán sẽ giảm đáng kể.

Đang là sinh viên năm cuối và đang thực hiện đề tài tốt nghiệp, quỹ thời gian dành cho Pooki của các bạn khá hạn hẹp nhưng niềm vui luôn tràn đầy. Quang Nhật kể: “Có hôm, nhóm mình nấu mì bí đỏ trong một nồi lớn ăn chung thay cho bữa trưa.

Trong quá trình thử nghiệm, một số mẻ bột không thành công, tụi mình tận dụng bằng cách mua xúc xích về, làm há cảo hấp. Cùng nhau chế biến mì không chiên bổ sung bột bí đỏ, mình mới cảm nhận được tình đồng đội, tình bạn bè, học được cách phân bổ công việc, có trách nhiệm với việc được giao”.

Tâm Hồng cho biết, trước mùa thi, những bà mẹ thường bổ sung bí đỏ vào thực đơn mỗi bữa ăn để tăng thêm chất dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên, khi nấu, các bà mẹ thường hầm nhừ bí đỏ ở nhiệt độ cao làm một số dưỡng chất mất đi.

Cô bạn bày tỏ: “Hy vọng, mì không chiên của nhóm mình đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với học sinh, sinh viên, những người bận rộn”.

Theo Lê Ngọc Khanh

Sinh viên Việt Nam