Mệt… làm thần tượng

Dưới áp lực của người hâm mộ, nhiều khi một ai đó được (hoặc “bị”) coi là thần tượng, có lúc trớ trêu thay bị lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Nhiều khi "thần tượng" phải "gồng mình" mà sống thuận với số đông vì thế mà xa dần với những nóng giận, những cử chỉ thể hiện yêu ghét, những tình cảm thật với muôn ngàn sắc thái đau khổ và hạnh phúc của một đời người.

 

Hãy bắt đầu từ câu chuyện đang nóng hổi nhất của kỳ World Cup vừa đi qua. Đó là Zidane, cầu thủ mang chiếc áo số 10 của Pháp được giới hâm mộ coi là một thần tượng. Phải chăng vì anh là một tài năng lớn, một cầu thủ vĩ đại như lời đánh giá của "Hoàng đế" Beckenbauer? Phải chăng vì đôi chân của anh được ví diệu nghệ như có phép "phù thủy"? Hay phải chăng vì Zidane vừa được FIFA bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất đoạt "Quả bóng vàng" World Cup 2006 khi bước vào tuổi 34?

 

Vâng, nếu quả như vậy thì người ta sẽ giải thích như thế nào về "thần tượng Zidane" khi trong trận chung kết anh bị phát thẻ đỏ vì cú "đánh nguội" đầy tai tiếng húc đầu vào ngực hậu vệ Materazzi của đội tuyển Italia? Hay cũng có thể nhiều người coi Zidane là thần tượng, đơn giản vì có lẽ đấy là một cầu thủ mang trong mình phẩm chất cao quý: cống hiến và dâng hiến cho cái đẹp vĩnh cửu của bóng đá, cho Tổ quốc của anh?

 

Dường như trong bóng đá cũng như trong cuộc đời, khi một ai đó được coi là một thần tượng, người ta thường có tâm lý chung "thần tượng" ấy phải "trong veo", không có "tì vết", không có những hành vi bất thường gây phản cảm với số đông. Người ta coi các thần tượng hay các vĩ nhân, danh nhân, các bậc tài năng siêu việt phải là tổng hòa của những đáng yêu, không có những điều đáng ghét, phải là chỉ có "ưu điểm" mà không có "khuyết điểm", phải là "hiền hòa, điềm đạm", không thể "nôn nóng" hay có hành động khác thường... Càng ngày người ta yêu cầu họ phải là "thế này", không thể là "thế kia" v.v...

 

Triết học biện chứng từng tuyên ngôn: Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Vậy là khi thần tượng trở thành mẫu số chung của tình yêu muôn người, cuộc sống của họ dễ trôi theo một hướng. Và, hoặc là họ sẽ mất dần đi một góc quan trọng của cuộc sống thường nhật như tự do cá nhân, hoặc là họ phải che giấu đi những cảm xúc thật vốn là nét duyên của một người. Khi buộc phải "đóng vai" thần tượng, người ta sẽ mất dần đi sự tự do. Quả là nếu thế, có lẽ chẳng ai muốn trở thành thần tượng, chẳng ai muốn trở thành người của công chúng để bị giám sát 24/24h hành vi của sự tự do cá nhân...

 

Trong bóng đá, xin đặt ra một giả thuyết: Nếu muốn trở thành thần tượng, huyền thoại Maradona (Argentina) biết đâu sẽ không bỏ bóng, đá người cầu thủ Italia trong World Cup 1982, Cantona (CLB Manchester) năm 1995 sẽ không phi người vào một hooligan nước Anh từng xúc phạm anh khi bị thẻ đỏ đang trên đường ra sân. Và nay, nếu muốn mình "trong veo", không "tì vết", có thể Zidane sẽ ghìm lại mà không húc đầu vào ngực hậu vệ Italia trước mắt hàng tỉ người.

 

Vậy thì tại sao, những cầu thủ vĩ đại ấy, những "chiến binh can trường" từng bị bầm dập vết thương, biết mình đang làm một việc rồ dại, biết mình sẽ phạm luật, biết mình sẽ bị thẻ đỏ... mà vẫn không ngăn được sự trào dâng của cảm xúc để nước bị tràn ly? Họ biết sau hành vi bột phát ấy, sự thất bại đang chờ đón họ, chờ đón cả đội tuyển. Nhưng biết làm sao, con người không thể là gỗ đá. Biết làm sao, những siêu sao sân cỏ, những bậc vĩ nhân, tài năng ngoài đời nữa, thường lại có đời sống tinh thần phong phú. Họ vô cùng nhạy cảm với những vi diệu của cuộc sống bụi trần đang bủa vây xung quanh.

 

Hãy nhìn cách các cầu thủ ăn mừng bàn thắng hay rũ rượi xuống khi thất bại... sẽ thấy họ là những người luôn tràn trề cảm xúc, cả sự bồng bột hồn nhiên của tuổi trẻ thanh xuân... Làm sao đá bóng tuyệt mỹ được nếu không có cảm xúc. Làm sao trở thành cầu thủ vĩ đại, cầu thủ huyền thoại nếu thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng cảm xúc thường nhật của con người.

 

Cảm xúc thì làm sao che đậy được dưới ánh sáng của sân cỏ. Nhìn trên truyền hình, người ta thấy hình như Zidane nói gay gắt điều gì đấy với hậu vệ Materazzi. Anh đã bỏ đi, có thể là biết kiềm chế, nhưng bỗng vụt quay lại, dùng cái đầu nóng để húc vào ngực đối phương như một "cuộc tấn công có giới hạn". Đó rõ ràng là một hành vi phạm luật, bị phạt thẻ đỏ là tất yếu. Nhưng đó cũng là một sự phản kháng nhằm bảo vệ danh dự khi bị xúc phạm.

 

Mất danh dự là mất tất cả. Zidane đã từ chối tất cả để bảo vệ danh dự cho mình. Chứng kiến giây phút ấy, có lẽ hàng triệu người hâm mộ trên thế giới này thốt lên: "Trời ơi. Vậy là Zidane không thể được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nữa rồi!". Nhưng quả là "trời có mắt", rốt cuộc FIFA vẫn vinh danh Zidane trao cho anh danh hiệu "Quả bóng vàng" của World Cup lần này, một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng với phẩm cách hy sinh, cống hiến của cầu thủ vĩ đại lắm mồ hôi này.

 

Zidane cũng như những người tài năng ở các lĩnh vực, có thể hữu duyên trở thành thần tượng của công chúng. Nói như người Việt Nam ta: người tài thường lắm tật. Nhưng dẫu "lắm tật", có thể nói sự dâng hiến của nhân tài cho sự phát triển là vô cùng lớn. Xin đừng bắt thần tượng phải "gánh" một thiên chức quá nặng khác. Nên đối xử với nhân tài, với "thần tượng" của mình như FIFA cư xử với Zidane

 

Theo Hồng Thái
Công An Nhân Dân