Mê cá độ, sinh viên nợ tiền tỷ

Một sinh viên lao vào cá độ, sau đó lâm vào cảnh nợ nần, nhắn tin về cho phụ huynh: "Bố mẹ ơi, con chơi cá độ nợ 2,7 tỷ đồng, không có tiền trả, bố mẹ cho con ra đi".

Giấc mộng "làm giàu không khó"

 

Tít.. tít... tiếng chuông tin nhắn reo, Th. cầm điện thoại và nhanh chóng gửi tỉ số kèo (cá cược) cho khách chơi. Chàng sinh viên năm cuối một trường đại học trên địa bàn Hà Nội tên Th., mới học đại học được 4 năm nhưng đã có "thâm niên" nhiều năm trong nghề "bắt bóng", vừa làm cả người chơi, vừa làm cả trung gian. Mỗi khi đến mùa bóng đá, Th. lại ngày ngày ăn ngủ bên máy tính, đêm thức xem bóng, nhận kèo, ngày ngủ đến giữa trưa rồi dậy đi đòi nợ.

 

Cá độ online là một nghề có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng có thể ra đường như chơi, đó là xét về khía cạnh những người chơi và người chủ - "nhà cái". Còn đối với người ít vốn, làm trung gian như Th. thì vừa kiếm được ít tiền lại còn bị áp lực nặng nề từ hai phía.

 

Th. chia sẻ: "Trong trường đại học sinh viên nam chơi "bắt bóng" rất nhiều, phần do bạn bè rủ rê, phần do tâm lý ham vui, xem đá bóng mà có tí cá cược là vui hơn hẳn. Cái chính là ai chẳng thích có nhiều tiền tiêu, nghe bạn bè rủ "bắt bóng" dễ lắm, nhiều tiền lắm là trở thành con nghiện lúc nào không biết".

 

Những người trung gian vốn mỏng thì nhiệm vụ chính là lôi kéo được nhiều khách chơi và đi thu nợ, đổi lại là khách thắng mỗi trận thì được "hoa hồng", còn khách thua thì coi như làm không công.

 

Th. cho biết thêm, "Nhà cái" thường mua bảng cá độ từ các trang nước ngoài. Các trang cá độ hầu hết xuất phát từ Trung Quốc, Anh, Hồng Kông... Từ một trang lớn, "nhà cái" chia bảng ra thành nhiều bảng nhỏ hơn, tăng giá trị từ mỗi bảng nhỏ và ăn chênh lệch...

 
Nhiều sinh viên lao vào cá độ bóng đá nên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Nhiều sinh viên lao vào cá độ bóng đá nên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
 

Với tư cách là sinh viên, Th. chủ yếu lôi kéo những khách chơi là học sinh, sinh viên. Th. kể: "Mình vốn ít nên chỉ lấy bảng có giá trị nhỏ thôi, mỗi bảng đến tay mình đã được chia rất nhiều lần từ các bảng lớn ở trên rồi. Mình lấy bảng từ ai thì chỉ biết được danh tính người đó, rất khó để tiếp cận với "nhà tổng" lớn nhất".

 

Mỗi "nhà cái", người trung gian, khách chơi đều được cung cấp mật khẩu và tài khoản riêng để tham gia vào trang bóng. Chính vì thế, cá độ online giảm thiếu được tối đa "tai nạn nghề nghiệp" cho các "nhà cái" lớn, dẫn đến việc rất khó kiểm soát hình thức đánh bạc này.

 

Mỗi tối, tiếng điện thoai và tin nhắn lại kêu lên với nội dung quen thuộc: "Tối nay có trận nào không?", "Gửi cho tao kèo trận Man U với Chelsea đi"... Cá độ bóng đá tồn tại muôn hình vạn trạng. Ngoài cá cược tỉ số hòa, thắng, thua với các tỉ lệ khác nhau, người chơi còn tham gia cá cược tài, sửu tỉ số (trên dưới tỉ số), tài sửu phạt góc, quyền bắt giao bóng, 15 phút đầu trận hoặc hiệp 1, hiệp 2... , Th. cho biết.

 

Khách chơi của Th. con nhà khá giả cũng có, còn nhà công chức cũng có. Người chơi đều có tâm lý "ăn được thì chơi tiếp để kiếm, thua thì chơi để gỡ", dần dần trở thành con nghiện của cá độ online. Cũng như bao trò đỏ đen khác, cá độ online chỉ "làm to" túi tiền của "nhà cái" chứ hiếm khi làm cho các con bạc khát tiền trở nên giàu có.

 

Mộng vỡ, nợ tiền tỉ và giọt nước mắt của cha mẹ

 

Con cái đánh bạc, nợ nần, người khổ tâm nhất vẫn là cha mẹ. P., người Hải Phòng, cũng là sinh viên đại học ở Hà Nội chơi cá độ online lần đầu thua 100 triệu đồng, P. đã gọi về cho gia đình, xin bố mẹ trả cho món nợ. "Ngựa quen đường cũ", sau một thời gian ngừng chơi, P. lại chứng nào tật nấy, quyết đánh to hơn, dẫn đến khoản nợ lên tới hơn 2,7 tỉ đồng.

 

Không có khả năng chi trả, gia đình không thể lo liệu nổi tiền cho P., chàng trai trẻ chỉ nhắn vỏn vẹn một cái tin cho bố mẹ: "Bố mẹ ơi, con chơi cá độ nợ 2,7 tỉ, con không có tiền trả, bố mẹ cho con ra đi". Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể kiếm đâu ra tiền cho con, bố mẹ P. đành nuốt nước mắt vào trong, chấp nhận mất đứa con này.

 

Thời gian làm nghề chưa lâu nhưng Th. đã chứng kiến khá nhiều cảnh nợ nần chồng chất của bạn bè, đồng hương. Với một trung gian nhỏ như Th., tiền khách chơi nợ có lúc cao nhất lên khoảng 10 triệu đồng, thông thường khách nợ khoảng vài triệu.

 

Do người chơi của Th. hầu hết là bạn bè, người quen nên có nhiều phen đòi nợ để lại kỉ niệm khó quên cho chàng trai trẻ. "Con nợ" đến trả không đi một mình mà đi cùng cha mẹ. Các bậc phụ huynh, người thì khóc lóc, người thì dọa dẫm Th. :"Sao cháu lại rủ rê bạn vào con đường cờ bạc, cháu là con cái nhà ai, bác sẽ về nói chuyện với bố mẹ cháu".

 

Th. chia sẻ: "Lần đầu đi đòi nợ mà gặp cha mẹ của mấy đứa bạn làm mình có cảm giác bối rối lắm, thấy sợ như lần đầu ra mắt bố mẹ người yêu, nhưng nhiều lần rồi cũng quen". Cha mẹ Th. sống ở quê không hề biết mình đi theo con đường này.

 

Những bậc phụ huynh không biết con mình đánh bạc đã đành, đằng này còn có những người cha người mẹ biết rõ mười mươi con mình chơi cá độ nhưng do thương con, "tặc lưỡi" vì không bảo được thằng con bất trị nên đành trở thành "ngân hàng" cho con rút tiền đánh bạc. Đó là trường hợp của H., quê Nam Định.

 

Ban đầu, H. chỉ chơi nhỏ nhỏ, cò con. Lúc đầu nợ mấy triệu, H. lấy xe máy bố mẹ mua cho đi "cắm", dần dà nợ nhiều hơn, H. mượn xe của bạn bè thân thiết đi "cắm" luôn, đến lúc khoản nợ lên đến cả trăm triệu, không có tiền, H. mới về quê, ngon ngọt xin bố mẹ cho tiền trả. Cha mẹ H. nghe tin con đánh bạc nợ đầm đìa liền bán mảnh đất của gia đình được hơn 1 tỉ. Ông bà tuyên bố tiền này để trong két, trả nợ dần cho H. đánh bạc.

 

Cờ bạc là tệ nạn xã hội nguy hiểm đáng báo động ở Việt Nam, hơn hết hiện nay tệ nạn này còn len lỏi vào một bộ phận học sinh, sinh viên. Đánh bạc giờ đây dễ dàng hơn bao giờ hết với hình thức cá độ qua mạng. Internet là thế giới ảo, các con bạc đánh bạc thật, nợ tiền thật nhưng hoạt động trong một môi trường ảo nên rất khó kiểm soát.

 

Cá độ online cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan chức năng, không những để ngăn chặn triệt để vấn nạn này, mà còn để chặn đứng những mầm mống cờ bạc trực tuyến đang ngày càng phát triển một cách thiếu kiểm soát.

 

Theo Minh Châu

Pháp luật Việt Nam