Mắc “bẫy” khi tìm bạn trọ qua mạng

(Dân trí) - Sau hôm chuyển đồ, Hà chính thức đến ở nhà mới thì tá hoả thấy phòng trống không. Gọi cho “chủ phòng” thì máy không liên lạc được. Giờ Hà mới nghĩ để chủ nhà mới hay “cô bạn trường Kinh tế” hóa ra là cô cắt tóc gội đầu...

Xu hướng tìm bạn trọ qua mạng

Gia đình khá giả nhưng khi giá phòng tăng từ từ 800 nghìn đồng tăng lên 1,2 triệu, Hòa, ĐH KHXH&NV Hà Nội cũng không thể kham nổi một mình. Những người bạn của Hòa đều đang ở yên ổn không ai muốn chuyển chỗ nên Hòa chỉ còn cách lên mạng tìm bạn trọ để “chia đôi” tiền nhà. Chỉ vài tiếng sau khi gửi thông tin, số điện thoại, yêu cầu của Hòa đã được đăng tải trên trang web V. Một tuần sau, qua trang web này, Hòa chọn được cô bạn cùng trường đến ở chung.
 
Mắc “bẫy” khi tìm bạn trọ qua mạng - 1
Tìm bạn trọ qua mạng, cần phải tìm hiểu kỹ “đối tượng” trước khi về ở chung. (Ảnh minh họa).

Gần 3 năm toàn chung phòng với người quen, Xuân, ĐH Thương mại muốn thử “cảm giác” khi sống với một người hoàn toàn xa lạ. Thế nên, khi chị cùng phòng học Sư phạm lên đường về quê, Xuân lập tức lên mạng tìm bạn trọ. “Ở với một người xa lạ chẳng biết sẽ thế nào nhưng chắc sẽ có nhiều thú vị. Dù sao mình cũng thử một lần cho biết”.

Đang yên đang lành thuê trọ ở Thành Công thì chủ nhà lấy lại phòng. Thế là Hà, ĐH Luật và hai cô bạn đang ở cùng phải tự xoay xở tìm chỗ ở. Trong lúc ở nhờ nhà người quen, cũng có mấy người bạn rủ về ở cùng nhưng Hà lại chọn cách lên mạng tìm… người đang cần người đến ở ghép.

Hà thật thà: “Thật ra đến ở phòng người quen cũng được nhưng nói thật như thế nếu không hợp cũng khó mà đuổi nhau đi. Sống cùng nhau sợ nhất kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng”. Còn với người lạ mình có thể thống nhất từ trước theo kiểu “ở thử”, một hai tháng nếu không hợp thì “ai đi đường nấy”.

Chỉ một buổi lò dò trước máy tính, Hà đọc được thông tin: “Cần một bạn gái tính tình vui vẻ, đến ở cùng để “chia” tiền căn phòng 30m2, độc lập, thoáng mát, giá 1,6 triệu”. Thấy phù hợp với mình Hà liên lạc ngay với người đăng tin đang học năm ba trường Kinh tế. Đến phòng, Hà ưng ý ngay…

Nhan nhản những cái bẫy

Tìm bạn trọ cùng qua mạng đang là xu hướng của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản tìm được người rồi đến ở, còn rất nhiều rắc rối quanh đó, thậm chí  không ít người gặp phải “bài học nhớ đời” từ những phi vụ “tìm bạn” này.

Hòa cho biết, để tìm được người bạn qua mạng đến ở cùng cô đã gặp không ít phiền phức. Từ ngày số điện thoại của Hòa được đăng tải, ngày nào Hòa cũng nhận được hàng chục cú điện thoại “hỏi thăm”. Mấy ngày đầu, là những người cần phòng gọi còn sau đó toàn cuộc gọi của những kẻ quấy rối với những lời tục tĩu, bẩn thủi. Cuối cùng, Hòa đành tạm gác số điện thoại đã dùng gần bốn năm nay, dùng số khác chờ cho qua cơn "hoạn nạn".

Cùng tìm bạn trọ qua mạng, Tuấn, HV Ngân hàng đồng ý cho cậu bạn học trường Bách khoa đến ở cùng. Vậy nhưng, sang ngày thứ hai, Tuấn đi học về thì bao nhiêu đồ đạc có giá trị từ máy tính, quạt điện, bếp ga … đều chẳng còn. Cậu bạn mới đến cũng “lặn” mất tăm. Theo giấy tờ của photo của người bạn mới này để lại, Tuấn đến tận lớp tìm thì được biết cậu này bị đuổi từ lâu. Tuấn chán nản: “Chẳng ai ngu như mình, đi rước trộm vào nhà”. 

Trường hợp bị lừa như Tuấn không phải là ít. Nhưng trường hợp của Hà, bị “chủ phòng” lừa ngược thì chắc hiếm người gặp phải. Thích căn phòng của cô bạn học Kinh tế đang ở, lúc đó Hà được biết tên cô là Mai, chỉ sau vài ba hôm qua lại làm quen, Hà chuyển đồ đến ngay. Đúng hôm Hà chuyển nhà đến, Mai thông báo phải đóng tiền nhà mà cô thì đang bí. Cũng thoáng chút lăn tăn nhưng nghĩ công người ta tìm nhà hộ mình, Hà vay bạn bè đưa cho Mai 1,6 triệu để đóng tiền nhà trước…

Hôm sau, Hà chính thức đến nhà mới để ở thì tá hỏa thấy phòng trống trơn, chỉ sót vài đồ đạc vất lại. Gọi cho Mai thì máy không liên lạc được. Giờ Hà mới nghĩ đến chủ nhà, chạy đến nơi hỏi thì được biết “con Dung nó trả phòng mấy hôm rồi mà, tôi còn chưa kịp sang bên đó”. Hà chẳng những mất khoản tiền nhà, còn mất luôn bao nhiêu đồ đạc vừa chuyển đến. Hóa ra, cô ta không phải tên Mai, cũng không phải sinh viên trường Kinh tế mà là một cô gái người Bắc Giang lên học cắt tóc gội đầu. Trước khi về quê, cô ta “hốt” một mẻ.

 “Tại mình quá cả tin, chỉ nghĩ người ta kiểm tra giấy tờ của mình, còn mình phận đến “ở ghép” mấy ai kiểm tra ngược lại. Giá lúc đó mình tỉnh táo tý, hỏi han thêm những người chung quanh thì đâu đến nỗi” - Hà nức nở.

Xem ra, nhiều kẻ lừa đảo đang lợi dụng việc tìm bạn trọ qua mạng của sinh viên để lừa đảo. Những “cái bẫy” chúng đã giăng sẵn ra thì những sinh viên đang cần người ở cùng, hay cần chỗ trọ rất khó tránh. 

Hoài Nam