Linhzo và công việc định hướng “gu”

Biệt danh Linhzo có lẽ không mấy xa lạ với dân teen Việt. Sinh năm 1982, Nguyễn Thùy Linh là tên “cúng cơm” của Linhzo - hiện đang làm stylist cho báo Sinh viên Việt Nam và Tiếp thị Gia đình. Công việc của Linh là định hướng những xu hướng nóng có ảnh hưởng đến phong cách ăn mặc của giới trẻ.

Nếu để miêu tả về công việc stylist của mình...

 

Stylist là định hướng về phong cách và gu ăn mặc bằng cách phối hợp quần áo với phụ kiện theo một xu hướng nhất định. Sâu hơn, stylist cũng có nghĩa là tạo dựng phong cách đi đứng, cá tính, góp phần tạo dựng hình ảnh, xây dựng hình tượng. Nhưng hiện tại ở Việt Nam, stylist mới dừng lại ở việc Việt hoá một xu hướng thời trang và dựng nó thành hình ảnh trên báo chí để các bạn có thể nắm bắt và... làm theo.

 

Để miêu tả công việc mà tôi vẫn làm, thì bước đầu tiên là phải tìm ra ý tưởng cho một chủ đề hay một xu hướng mới. Thường thì ý tưởng nảy ra trong lúc tôi tham khảo các tạp chí, các chương trình thời trang quốc tế, các thông tin trên internet... nhưng hầu hết là ra đời trong lúc tôi... xem phim, đặc biệt những phim bộ dài tập của Hàn Quốc, Trung Quốc. Sau khi đã có ý tưởng rồi thì tôi tìm đến các cửa hàng để lựa chọn quần áo, phụ kiện có thể , set up chọn người mẫu, chụp hình... và lên khuôn báo.

 

Những khó khăn nhất khi làm stylist ở thị trường Việt Nam?

 

Sự hạn chế về trang phục và bối cảnh chụp hình. Đôi khi tôi nghĩ ra chủ đề nhưng những cửa hàng thời trang ở thị trường Việt Nam chưa hề có mẫu trang phục đó. Thế nên nếu muốn phải đặt may ở những nhà may giống như trường hợp về xu hướng quần áo có trang trí tôi thực hiện mùa đông năm ngoái.

 

Mặt khác, muốn bài thời trang đẹp thì bối cảnh chụp hình cũng đòi hỏi phải độc đáo và thích hợp. Một lần để chụp đồ Bohemien, đáng lẽ ra phải tìm được một trang trại với loại rơm cuộn tròn đặc trưng nhưng không có, nên chúng tôi đành... ghép tạm vào một bức ảnh có sẵn.

 

Thông tin về nghề stylist

 

Hiện tại ở Việt Nam chưa hề có bất kỳ trường lớp đào tạo chính thức nào về nghề stylist.

 

Trên thế giới, ở những nơi được coi là kinh đô của điện ảnh và thời trang thì thường không thể thiếu những trường đào tạo trở thành một stylist ví dụ như AIU- Atlanta, AIU- London...

 

Thu nhập của stylist ở Việt Nam từ 7 - 10 triệu đồng/tháng tuỳ thuộc vào số lượng và tính chất công việc.

 

Công việc stylist thường rất liên quan đến các cửa hàng thời trang, studio chụp hình, cộng tác thường xuyên với người mẫu, chuyên viên make up và nhiếp ảnh gia.

Theo Linh thì stylist có đang và sẽ sớm trở thành một nghề ăn khách ở Việt Nam? Cần những điều kiện gì để trở thành một stylist?

 

Tôi đã làm stylist được 2 năm và chắc chắn rằng nó sẽ còn phát triển rất mạnh ở Việt Nam vì stylist là những nhân tố nòng cốt cho chuyên trang thời trang tại các tạp chí. Thêm vào đó, trong các clip quảng cáo, mỗi diễn viên, ca sĩ cũng đều sẽ cần đến stylist riêng để giúp họ đẹp theo một cách chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa với xu hướng ăn mặc ngày một tăng lên của giới trẻ, sự xuất hiện của những người định hướng gu thời trang là cực kỳ cần thiết.

 

Để trở thành một stylist giỏi thì gu thời trang là điều bắt buộc. Chịu khó tham khảo và nhanh nhạy với thị trường là những yêu cầu tiếp theo. Tôi đã học thiết kế thời trang nên những kiến thức về lịch sử thời trang giúp tôi nghiên cứu xu thế một cách bài bản và kiến thức về tỷ lệ thiết kế rất hữu dụng trong nghề stylist khi bạn cần kết hợp. Và điều đáng tự hào nhất là bạn có thể sáng tạo ra những xu hướng mới khiến mọi người nhận ra.

 

Ví dụ như tôi, mọi người luôn có thể biết tôi là... Linhzo khi nhìn thấy những trang thời trang luôn đi kèm phụ kiện kết hợp lạ mắt như thắt lưng thay cho dây chuyền còn dây chuyền ở vị trí... thắt lưng.

 

Linh đánh giá gì về gu ăn mặc của giới trẻ Việt Nam? Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới trong việc bắt kịp xu hướng thời trang?

 

Khi một xu hướng nóng xuất hiện thì người có gu và không có gu rất dễ phân biệt, hoặc là cừu Dolly - bê y nguyên xu hướng, hoặc sáng tạo biến xu hướng nóng thành của mình.

 

Hiện tại khoảng cách về sự bắt kịp xu hướng giữa Việt Nam và giới trẻ châu Âu là khoảng một mùa, còn với châu Á thì tôi nghĩ chúng ta đang song hành với họ. Tuy nhiên, cũng có những xu hướng rất hot ở nước ngoài nhưng không hề được phổ biến ở Việt Nam là trào lưu golden, silver - những đồ thời trang lấp lánh có ánh vàng hoặc bạc.

 

Nhìn chung ở Việt Nam giới trẻ còn khá đơn giản trong cách ăn mặc, số đông vẫn “diện” quần jeans và áo phông. Rất hiếm khi bắt gặp những gu lạ và riêng trên đường phố trong khi giới trẻ thế giới thì liên tục thể hiện cá tính của họ bằng gu ăn mặc khác biệt. Vì thế nghề stylist ở Việt Nam càng cần phát triển nhiều hơn để giúp định hướng thời trang giúp giới trẻ ngày càng có gu hơn.  

Theo Khám Phá