"Lên núi" với tình nguyện viên Singapore

(Dân trí) - Những bạn sinh viên đến từ trường Đại học quản lý Singapore tới giúp đỡ các em học sinh nghèo miền núi xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tiếp cận tin học và tiếng Anh. Thời gian các bạn ở đây tuy không nhiều nhưng thật ý nghĩa.

Đây là lần thứ hai các bạn trẻ đến từ đại học Quản lý Singapore trở lại Hòa Liên. Một năm trước dự án “Ươm mầm” mà họ triển khai ở trường THCS Hòa Liên (nay là trường THCS Nguyễn Bá Phát) đã thành công tốt đẹp.

Họ đã trang bị cho nhà trường một phòng máy gồm 15 máy vi tính, tài liệu cho học sinh và các thiết bị giáo dục khác. Các em học sinh miền núi bước đầu đã làm quen với máy vi tính, biết những từ tiếng Anh đơn giản nhưng điều quan trọng là tình cảm của họ và các em ngày một gắn bó. Có lẽ chính từ sự ham học của các em, những ngày tháng gắn bó và cả những giọt nước mắt khi chia tay đã “níu” những bạn trẻ này quay trở lại mảnh đất này.

“Xuất quân” trở lại đây lần này gồm 21 bạn sinh viên, trong đó có 3 bạn người Việt Nam. Đồng hành cùng họ là 5 chiếc máy vi tính, 15 USB, 1 máy chiếu cùng nhiều tài liệu, sách vở cho các em. Và trên tất cả là tấm lòng nhiệt huyết của các bạn sinh viên này.

Để chuyến tình nguyện được thành công, các bạn đã chuẩn bị rất kỹ: “Cách đây 5 tháng bọn mình đã tới Hòa Liên để khảo sát tình hình, sau đó lên kế hoạch cụ thể để thực hiện” - Nguyễn Thị Quỳnh Nga (phó đoàn tình nguyện) cho biết. 18 ngày tại trường THCS Nguyễn Bá Phát là những ngày thật có ý nghĩa đối với các bạn trẻ tình nguyện Singapore cũng như các em học sinh miền núi nơi đây. Sáng, chiều, tối những bạn sinh viên lên lớp như những giáo viên thực thụ giảng bài về tin học và tiếng Anh.

Nếu như năm ngoái chỉ 20 em học sinh tham gia vào dự án “Ươm mầm” thì năm nay số lượng học sinh tăng lên 80 em. Các em được chia làm 3 lớp trong đó có 2 lớp tiếng Anh và 1 lớp tin học. “Các em tham gia vào dự án này phải là những em thực sự say mê học tập, bên cạnh đó có khả năng hướng dẫn các bạn khác để khi chúng mình đi rồi các em có thể hỗ trợ các bạn khác, duy trì CLB tiếng Anh của trường” - Quỳnh Nga chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên nhiều em học sinh được học cách thiết kế trang web, truy cập thông tin trên mạng, đọc và nghe tiếng Anh thông qua những câu chuyện cổ tích, những tranh ảnh, hình vẽ hoặc bài hát. Vì thế những kiến thức thô cứng, khó hiểu bổng trở nên gần gũi và dễ dàng tiếp thu hơn với các em.

Nhìn các em tự tin trong mỗi buổi lên lớp mới thấy hết được những nổ lực và lòng nhiệt tình của các bạn sinh viên. “Mình không ngờ các em học sinh ở đây chăm học và tiếp thu nhanh như thế” - Koh Juet Ming phấn khởi.

Còn Tan Yan Ting khẳng định: “Nếu được đầu tư cơ sở vật chất và có thời gian thì mình tin các em sẽ tiến bộ nhanh hơn nhiều”.

Ngày đầu triển khai dự án, Nga nhớ lại: “Sở dĩ bọn em chọn xã Hòa Liên để thực hiện vì trong cơn bão số 6 năm 2006, sách vở, đồ dùng học tập của các em học sinh bị ướt hết, hầu như không sử dụng được nữa. Thèm học mà không có sách vở, trông các em thật tội”.

“Các bạn sinh viên làm việc rất có kế hoạch và điều quan trọng là các em rất yêu trẻ. Khóa học chỉ có 18 ngày nhưng các em học sinh ở đây đã học được nhiều các bổ ích” - thầy Trần Văn Hiếu, phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bá Phát cho biết.

"Lên núi" với tình nguyện viên Singapore - 1

Thầy cô và học sinh gần gũi hơn qua các trò chơi và hoạt động tập thể. (Ảnh: Khánh Hồng) 

Không chỉ truyền dạy kiến thức, các bạn trẻ Singapore còn tổ chức nhiều trò chơi cho các em như cắm trại đêm, đi đến gia đình khó khăn để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của các bạn. Khoảng cách giữa các bạn sinh viên và các em học sinh dường như không còn nữa, thay vào đó là những nụ cười, những sợi dây nối liến tình cảm của những con người khác nhau về quốc tịch, về ngôn ngữ.

“Trong chuyến tình nguyện này tôi rất vui vì mỗi ngày trên đường đến trường, đều có các em học sinh vẫy tay chào và gọi tên tôi” - Koh Juet Ming hạnh phúc nói. 18 ngày là quảng thời gian bổ ích cho các em học sinh miền núi nghèo nơi đây cũng như những người bạn Singapore. Hy vọng rằng trong tương lai sẽ còn có nhiều chuyến “lên núi” của các bạn.

Khánh Hồng