“Không có tiền thì… chia tay”

Nếu người yêu dám nói ra câu này, bạn có ngay lập tức “bái bai” anh ta hay không? Rất nhiều người sẽ không suy nghĩ mà ngay lập tức nói “có”, nhưng người trong cuộc thì lúc nào cũng u mê hơn.

Em có thích một người tên là H, thời gian em và anh ấy quen nhau, nói là yêu chứ thật ra chỉ có mình em cố gắng thôi, tình cảm của anh ấy dành cho em là sự giả tạo. Anh ấy nói từng phát biểu thẳng thừng là "Không có tiền thì chia tay thôi". Em không thể tin được người em yêu lại như vậy. Thời gian này, có người đã quan tâm, chăm sóc, nhắn tin cho em mỗi ngày, anh ấy tên M. Em biết tình cảm anh ấy dành cho em nhưng thật sự em không thể quên được tình cảm em dành cho H quá nhiều. Bạn em nói em không nên để M phải đau khổ, nhưng em không biết làm cách nào để quên được H. Xin chuyên gia hãy cho em lời khuyên. (ZEN, Tây Ninh)

 

Tình bạn và tình yêu khác nhau lắm. Bạn có biết nó khác nhau thế nào không? Nó khác nhau ở chỗ “trách nhiệm” cuộc sống. Tình bạn có trách nhiệm đồng chí, đồng đội… cũng có thể hy sinh cho nhau nhưng không bị ràng buộc bởi tính gia đình. Còn tình yêu đã bắt đầu có sự ràng buộc ở tính gia đình như hoàn cảnh có đồng nhất, có bù trừ cho nhau, có vì một gia đình tương lai không ….?

 

Khi người ta nói “không có tiền thì chia tay thôi” tức là sự vô trách nhiệm kể cả tình bạn và không đáng để yêu. Vậy là bạn đã yêu lầm người. Nhưng cái nguy hiểm là “sự ngu” biết vậy nhưng vẫn bị đam mê níu kéo.

 

Nếu bạn không tự dứt ra thì bạn sẽ tiếp tục “ngu”. Và nếu đọc xong thư này mà bạn vẫn “dành cho H quá nhiều” thì người ta gọi là “ngu lâu không sửa được” và các chuyên gia cũng đầu hàng thôi.

 

Còn đối với M thì từ từ, việc đâu còn đó. Chưa chia tay xong với H đã choàng M vào sẽ bị thiên hạ chê cười đấy.

 

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho liều thuốc để giải phóng khi nhớ H. Khi bạn thấy H lởn vởn trong đầu thì cứ mặc nó, đừng quan tâm chú ý gì cả, để nó đến thì nó tự đi, không cần xua đuổi và cũng đừng “ôm lấy”; nếu khi có cảm xúc về H thì tập thể dục, làm việc tốn nhiều sức lực, hát bài hát mình thích, nắm chặt tay lại, mắt nhìn ngược vào não, hoạt động công tác xã hội, …Chúc bạn bản lĩnh. (GS. TS. Vũ Gia Hiền tư vấn)

 
“Không có tiền thì… chia tay”
 

Em và anh ấy quen nhau được 2 tháng. Anh rất thương em và cực kì ga lăng. nhưng dạo gần đây người đó thường đề cập đến "chuyện ấy". Ảnh nói là bạn bè đều làm nên mình cũng muốn được thử cảm giác. Ban đầu em tưởng ảnh giỡn nên cũng hùa nói theo, chuyện này ngày càng kéo dài khiến em cảm thấy rất ngại. Em không muốn làm anh ấy buồn và không tin tưởng em. Nếu em "cho" thì hậu quả sẽ lớn. Em phải làm thế nào đây? (Nguyễn Hoàng Ái My, 15 tuổi, Long An)

 

“Không cho thì bạn trai sẽ thất vọng, nhắm mắt trao thân thì sẽ giữ được tình yêu”, đó là những suy nghĩ ngốc nghếch nhất trong tình yêu của những cô bé mới lớn đấy em gái 15 tuổi ạ! Việc bạn trai “đòi hỏi” con gái phải cho để “đảm bảo tình yêu” đích thị là lý luận của những anh chàng họ Sở rồi. Để đảm bảo tình yêu đâu phải chỉ cần làm chuyện ấy?

 

Thậm chí anh chàng này lại có lúc bảo muốn quan hệ để “được thử cảm giác”, em thấy anh ta có phải là người nghiêm túc không? Em đừng cả tin và thiếu kiềm chế nhắm mắt trao thân để rồi một mình nhận lãnh hậu quả em nhé.

 

Hãy thẳng thắn nói rằng “Em yêu anh và muốn giữ chuyện đó cho tới khi hôn sự là chắc chắn; nếu em không biết gìn giữ mình thì chính anh và gia đình anh cũng sẽ xem thường em. Nếu thật sự yêu thì anh hãy tôn trọng em, đừng ép em phải làm điều mà em chưa muốn, anh nhé!”.

 

Lúc đó hãy quan sát phản ứng của chàng xem chàng tỏ thái độ tôn trọng, biết lắng nghe hay lại dùng những lý luận của nhà họ Sở để ép em quan hệ. Nếu anh ta cứ ép buộc và nhắc mãi đến chuyện đó, hãy đặt một dấu chấm hỏi: Anh ta yêu em vì cái gì? (Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa tâm lí giáo dục - ĐH Sư Phạm tư vấn)

 

Năm sau, em và ấy sẽ trải qua một bước ngoặt lớn trong cuộc đời đó là kì thi ĐH. Tụi em đã quen nhau được 2 tháng và đang có tình cảm khắng khít với nhau. Cả hai đều học rất tốt và nuôi dưỡng trong mình nhiều ước mơ, hoài bão cho tương lai của mình. Nếu em tỏ ra phớt lờ để tập trung học tập thì em lại càng nhớ ấy hơn nhưng nếu cùng nhau học chắc em sẽ dễ bị phân tâm mất. Giúp em với! (Little Pig, TP.HCM, 17 tuổi)

 

Cô hy vọng những chia sẻ sau đây có thể giúp các em vừa nuôi dưỡng được tình yêu, vừa học tốt để bước vào giảng đường ĐH. Tuổi trẻ là lứa tuổi đẹp nhất, tuyệt vời nhất vì trong độ tuổi này người ta có thể làm được nhiều việc nhất.

 

Em có thể vừa yêu vừa lo học hành vừa lo công danh sự nghiệp. Vấn đề là cả 2 cần học những kỹ năng làm chủ cảm xúc, làm chủ bản thân, làm chủ thời gian, lập kế hoạch học tập, kế hoạch yêu như thế nào để tình yêu không phai nhạt mà chuyện học hành vẫn tiến triển.

 

Mọi thứ cần vạch ra một giới hạn nhất định và cả 2 tự giác tuân theo. Sau một thời gian, qua giai đoạn “mới bước vào yêu”, cảm xúc của các em sẽ “chín chắn” hơn, các em sẽ không còn lo lắng nhiều như vậy nữa. Chúc các em học tốt và nuôi dưỡng được tình yêu đẹp. (Chuyên gia Nguyễn Thị Ngọc, Phó trưởng khoa tâm lí, ĐH Sài Gòn tư vấn)

 

Em có tật cắn móng tay, hai bàn tay của em cụt hết móng ai trông vào cũng ghê. Giờ em không biết làm sao để mấy cái móng tay dài ra nhanh và bỏ được tật cắn móng tay nữa. (Quỳnh Như -12 tuổi, Lâm Đồng)

 

Em cắn móng tay thế nào mà trụi hết móng? Hay trụi theo ý em là mất phần móng nhô ra khỏi mặt móng (tức phần mà ta hay dùng để…cắt móng tay). Nếu đúng là em …trụi lủi (trơ phần thịt móng) thì đầu tiên em nên hạ quyết tâm thư từ bỏ thói quen “ăn vào vốn” này đi (áp dụng cách mà các bà mẹ dùng để chống lại tật cắn, mút ngón tay của em bé là mang bao tay dày).

 

Kế tiếp là đến gặp một bác sĩ để ông ta xem qua và giải quyết vấn đề nhiễm trùng (băng bó, kháng sinh nếu cần). Mất cả chì lẫn chài như thế thì chỉ còn cách kiên nhẫn đợi móng “làm lại từ đầu”, không ăn gì uống gì giúp móng đại nhảy vọt theo ý được đâu em. (Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn)

 

Năm nay em 17 tuổi, khi tự khám tại nhà, em thấy có một khối u trong ngực. Nó cứng, sờ vào không đau. Ngoài ra, hai bên ngực của em không đều, đó có phải là ung thư vú không ạ? (Hồng Ngọc, 17 tuổi, TP. HCM)

 

Lời khuyên “kinh điển” trong trường hợp này của em là tìm câu trả lời của một bác sĩ chuyên khoa, sau đó, mọi chuyện “hạ hồi phân giải”. Nhân thân khó lường của các “khối lạ” nhũ hoa khiến nó luôn nhận được lời khuyên vào thẳng vấn đề tránh đoán già đoán non như vậy.

 

Tất nhiên, trường hợp của em có nhiều yếu tố khả quan: hình thức khối lạ hiền lành, triệu chứng không rầm rộ, và nhất là độ tuổi của em. (Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn)

 

Theo Mực Tím