Khi sinh viên xóm trọ “chung nồi”

(Dân trí) - Ghép phòng, nhiều người cùng “góp gạo” thổi cơm là cách mà nhiều sinh viên xa nhà đang vận dụng trong cơn bão giá. Như thế không những tiết kiệm mà tình cảm sinh viên xóm trọ cũng xích lại gần nhau hơn…

Ăn chung, ở chung

Trong cơn bão giá, mọi thứ đều đắt đỏ, sinh viên phải nghĩ ra mọi cách để có thể tiết kiệm các khoản chi tiêu. Và những thứ có thể “cắt xén” đầu tiên chính là tiền nhà và tiền ăn. Bởi thế nhiều sinh viên sống trọ từ nấu ăn riêng đã chuyển sang cùng “góp gạo”.
 
Không phải là nam nữ “góp gạo thổi cơm chung” mà mọi người vẫn hay gọi là sống thử, đây là các thành viên trong xóm trọ, hoặc một vài phòng cùng nấu nướng.

Từ tháng trước, Ngọc Sương, ĐH Luật Hà Nội, sống trọ ở trên đường Khương Trung (Thanh Xuân) cùng 4 bạn gái hai phòng bên cạnh đã quyết định nấu ăn chung.

Sương nói: “Nấu ăn một, hai người tốn kém lắm, cũng từng đó nồi niêu, lại thêm tiền ga. Nấu ăn chung, bọn tớ chung tiền mua hẳn một bếp than, chỉ cần một viên là nấu cho cả ngày, còn để các bạn khác đun nhờ nước”.

Cách “chung nồi” của xóm trọ này là một người đi chợ, hết bao nhiêu chia theo đầu người thanh toán luôn trong ngày. “Nấu ăn hai người, một bữa cũng phải gần 30.000 nghìn. Nấu ăn chung này, chỉ khoảng 10.000 đồng/người một bữa, ăn uống ra khoai ra ngô hơn chứ không lắt nhắt bìa đậu, miếng trứng”, Sương tính.

Thấy cách “góp gạo” này hiệu quả, nhiều phòng khác trong xóm trọ của Sương cũng đã chuyển sang “chung nồi”.

Nấu ăn tập thể cũng xuất hiện không ít ở nhiều xóm trọ khác. Ghé qua nhiều xóm trọ sinh viên vào giờ nấu ăn, rất dễ bắt gặp cảnh một bếp than được nhóm chung cho cả xóm dùng, nhiều người cùng tập trung bên bếp để chuẩn bị bữa ăn chung.

Nấu ăn tập thể cũng xuất hiện không ít ở nhiều xóm trọ khác. Ghé qua nhiều xóm trọ sinh viên vào giờ nấu ăn, rất dễ bắt gặp cảnh một bếp than được nhóm chung cho cả xóm dùng, nhiều người cùng tập trung bên bếp để chuẩn bị bữa ăn chung.

Không chỉ nhóm nam hoặc nữ mà có ở nhiều xóm trọ, anh em, bạn bè thân thiết, con gái con trai cũng nấu ăn chung.

Mạnh Tuấn, năm cuối ĐH Giao thông Vận tải ở xóm trọ 337 Cầu Giấy, nói: “Phòng mình ba nam, rất thân với hai phòng nữ bên cạnh. Cũng nhiều lần anh em cùng nấu ăn, nhưng từ đợt tăng giá ra Tết thì thống nhất nấu ăn chung. Các em đi chợ, nấu nướng còn bọn mình thì luân phiên rửa bát. Con trai nên mình cũng đóng góp nhiều hơn, thế mà vẫn còn rẻ là tự mày mò vào bếp và tất nhiên là ngon hơn rồi”.

Tính ra mỗi ngày một ít, nấu ăn chung mỗi tháng một sinh viên cũng tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Bên cạnh nấu ăn chung, nhiều sinh viên lại gọi thêm bạn bè đến ở để cùng “chống chọi” với tiền phòng đang tăng giá từng ngày. Chật hơn nhưng đổi lại giá tiền phòng được chia nhỏ cho mỗi người, gánh nặng tiền phòng cũng được giảm hơn.

Thế nên có chuyện, khi xóm trọ nào tăng giá, nhiều cô cậu lại đi trả phòng để chuyển ngay sang… phòng bên cạnh ở ghép với bạn bè. “Mỗi lần giá phòng tăng, bọn tớ lại có thêm người chuyển đến ở. Như tháng trước, chủ nhà tăng tiền thuê nhà từ một triệu lên mức triệu tư, lập tức kéo ngay hai người mới đến. Giờ nhà có 6 người” - Thu Hà, ĐH Thương mại, thuê căn hộ tập thể Bộ đội Biên Phòng ở Mai Dịch (Cầu Giấy) cho biết.

Chật đi nhưng… ấm hơn

“Ăn chung, ở chung”, tình tập thể của sinh viên trong cơn bão giá phát huy tác dụng. Sinh viên không những tiết kiệm được nhiều khoản hơn, mà còn có nhiều điều khi “ăn riêng, ở riêng” không tài nào có được.

Nấu ăn chung, nếu có lỡ người nào đó chưa đến cuối tháng đã hết tiền, thầy u chưa kịp gửi thì vẫn có thể “ăn ký” rồi thanh toán với bạn bè sau. Chẳng ai phải lo… bị bỏ đói. Hơn nữa ăn đông người lúc nào cũng ngon miệng hơn ngồi lép nhép một mình.

“Của không ngon nhà đông con cũng hết, nhiều hôm chỉ có đĩa lạc vùi, tô canh mà cả xóm vẫn “chiến” ngon lành. Ăn một mình chắc nuốt không trôi” - Mạnh Tuấn chia sẻ.

Hay như xóm trọ của Sương, nhờ việc nấu ăn chung mà mọi người thân thiết với nhau hơn: “Có những bạn trước đây rất ít giao lưu với mọi người, đi về là khép cửa. Khi tham gia nấu ăn chung, mọi người thân thiết và hiểu về nhau hơn”.

Thu Thủy, sinh viên ĐH Sư phạm từ lâu vẫn sống một mình một phòng. Nhưng khi tiền nhà tăng giá gần gấp đôi từ 300.000 đồng lên 550.000 đồng/tháng, Thủy đã trả phòng, chuyển sang sống cùng với hai cô bạn phòng bên cạnh.

Tuy giờ sống chật chội hơn một chút, nhưng đổi lại tiền phòng Thủy phải trả giảm đi. Hơn thế, Thủy bộc bạch: “Sinh viên sống xa nhà, bạn bè sống cùng rất quan trọng. Trước đây ốm đau hay có việc gì cứ lủi thủi một mình, giờ luôn người bên cạnh chia sẻ”.

“Tiền phòng đắt, sinh viên dồn phòng là bất đắc dĩ, vì chật chội ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, hoạt tập của mỗi người. Còn việc nấu ăn chung, tính ra rất tiết kiệm nhưng quan trọng nhất là mỗi người ai cũng phải có ý thức, công bằng trong việc đóng góp, phân công việc thì mọi việc rất ổn, nếu không cũng rất dễ động chạm, mâu thuẫn…” - Ngọc Sương nói.

Hoài Nam