Hoa khôi Hà Giang kể chuyện đón Tết của dân tộc Cờ Lao

(Dân trí) - Người đẹp miền cao nguyên đá lần thứ nhất Lưu Thị Hòa đã chia sẻ những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết của dân tộc ít người của mình – Cờ Lao.

“Sinh ra và lớn lên tại miền quê núi đá, Hòa được hòa mình với đồng bào dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một bản sắc rất riêng, độc đáo tạo nên những nét văn hóa truyền thống vô cùng phong phú của mảnh đất Hà Giang tươi đẹp.

 

Và đặc biệt hơn cả, gia đình Hòa là sự hòa trộn giữa bản sắc của hai dân tộc thiểu số đặc biệt ít người là Cờ Lao (nơi sinh của bố) và Pu Péo (quê hương của mẹ). Với đặc điểm số lượng đồng bào thuộc hàng đặc biệt như vậy, gia đình mình luôn luôn cố gắng vừa duy trì, vừa phát huy những truyền thống, phong tục độc đáo từ bao đời nay.

 

Ngày Tết nào cũng không thể thiếu bánh chưng, tuy nhiên đối với đồng bào Cờ Lao, Pu Péo, ngày 29 Tết sẽ gói bánh chưng đen, còn ngày 30 sẽ gói bánh chưng trắng. Bánh chưng đen với gạo đã được trộn đều  và giã nhẹ nhàng đến khi đen nhánh cùng với rơm nếp đã được đốt lấy tro, tượng trưng cho những vận xui của năm cũ, còn bánh chưng trắng biểu tượng của sự khai sáng may mắn trong năm mới.
 
Hoa khôi Hà Giang kể chuyện đón Tết của dân tộc Cờ Lao

 

Mỗi năm Tết đến Xuân về , Hoà cùng mẹ và em gái dọn dẹp trang trí nhà cửa, mua sắm đồ dùng. Trong hai ngày cuối của năm cũ, cả nhà sẽ tập trung gói bánh chưng, tự tay làm bánh nhãn, xúc xích, đậu xị… Đây đều là những đặc sản quê hương mình.

 

Ngày 30 tết ngoài việc thờ cúng tổ tiên, người dân tộc mình còn thờ cúng Sư Nghề, cúng Thổ Địa, cúng Thần Bếp... và có bữa tất niên ấm cúng bên nhau. Điều đặc biệt ở dân tộc Hòa là bữa cơm tất niên sẽ không được dọn dẹp, mang ý nghĩa năm mới sung túc, một năm làm ăn hai năm không hết. Phần lễ cúng Sư Nghề, nhà Hòa sử dụng thủ lợn làm đồ cúng, còn cúng tổ tiên dùng thịt lợn luộc thái miếng và gà luộc.

 

Vào đêm giao thừa, cho đến khi chủ nhà làm lễ mở cửa khai môn năm mới các thành viên trong gia đình mới được bước ra khỏi nhà. Lúc canh gà gáy thứ nhất, người chúng mình mang theo hương tiền giấy bạc đi gánh nước vàng nước bạc nơi đầu nguồn và dùng nước này cho sinh hoạt hàng ngày và để rửa mặt cùng với một đồng bạc được thả sẵn trong thau.

 

Ngày đầu tiên của năm mới, người Cờ Lao sẽ ăn chay. Ngày mồng 2 Tết, họ cúng "Phở quán lau zề" cầu cho năm mới ăn nên làm ra nhà cửa sung túc. Đây là lễ cúng một vị tướng quân, chủ nhà đặt lễ cúng như bình thường, sau đó đọc bài cúng dân tộc và gieo quẻ âm dương được làm từ sừng trâu để cầu sức khoẻ, cầu mùa màng, cầu làm ăn phát đạt...
 
Hoa khôi Hà Giang kể chuyện đón Tết của dân tộc Cờ Lao

 

Người Cờ Lao và Pu Péo sẽ chọn ngày lành trong khoảng từ ngày mồng một cho đến ngày mười lăm làm lễ khai xuân, mang theo một đôi gà, một gánh nước và một bát gạo đi khắp các nhà trong làng. Khi đi vào nhà nào sẽ múc một gáo nước và một bát gạo mang theo ra đồng nấu cơm xuân.

 

Sau bữa cơm khai xuân này người dân mới được ra đồng đi làm. Cũng trong những ngày này, người Pu Péo, Cờ Lao cũng thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như: đánh xoáy, đánh yến, đánh đu, ném còn, chuyền bông...hay những hội hát giao duyên, hát mừng năm mới tại địa phương.

 

Từ khi còn rất nhỏ mình vốn đã rất yêu thích các trò chơi dân gian. Chính bởi vậy Hoà và các bạn nhỏ luôn háo hức mỗi dịp tết đến xuân về. Khi còn nhỏ, Hoà và các bạn thường diện trang phục dân tộc và cùng nhau tham gia các trò chơi, tại các bãi đất trống. Sau này, do điều kiện công việc của bố mẹ thay đổi, Hoà chuyển dần sang tham gia nhiều trò chơi dân gian khác tại sân vận động thị trấn.

 

Trong các trò chơi, Hòa thích nhất là đu quay. Trò này hồi còn nhỏ Hòa thường chơi với các chị. Trò chơi này mang lại cho Hòa sự thoải mái, sảng khoái khi được trải nghiệm cảm giác mạnh.

 

Lễ mở cửa - khai môn năm mới ở dân tộc mình được thực hiện vào đêm giao thừa. Lúc này, chủ nhà phải chuẩn bị một sàng gạo, tiền xu, tiền giấy và gà trống đặt trước cửa, và đọc bài cúng bằng tiếng dân tộc, sau đó nhận lời chúc phúc, chúc lộc từ mọi người.
 
Hoa khôi Hà Giang kể chuyện đón Tết của dân tộc Cờ Lao
 

Là một người con dân tộc Cờ Lao, Hoà luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, trở thành cầu nối đưa hình ảnh dân tộc mình đến với bạn bè trong và ngoài nước nên tham gia.

 

Không chỉ tham gia nhiệt tình, Hòa còn muốn được chia sẻ những nét đẹp văn hóa này đến với các bạn đọc để mọi người biết tới nhiều hơn”.

 

Mời độc giả ngắm Lưu Thị Hòa trong trang phục ngày Tết của người Cờ Lao:

 
Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư


Hoài Thư

Ảnh: Trần Gia