Hành trình vì sự sống của một cô giáo trẻ

Nguyễn Thị Hòa đang đứng trên bục giảng nhưng cô đã mang trong mình "án tử hình" hơn 4 năm nay. Cô phát hiện bị nhiễm HIV khi đang mang thai đứa con đầu lòng và có một cuộc sống tràn trề hạnh phúc.

Khi người chồng chết vì HIV, cuộc đời cô tưởng như đã chấm hết, nhưng chính niềm tin và nghị lực sống kỳ lạ đã giúp cô vượt lên...

Bi kịch của một cô giáo trẻ

24 tuổi, Hòa lấy chồng. Đó cũng là bước ngoặt khởi đầu cho những chuỗi ngày nghiệt ngã của đời cô. Hòa quen anh khi cô đang là giáo viên hợp đồng dạy ở xã ven biển Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Hòa kể: "Anh ấy rất điển trai, lành tính, quê trên thị xã, tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng xuống mở hàng ăn tại bãi tắm Thạch Hải. Chúng em thương nhau lắm. Quen nhau được một năm thì bọn em làm đám cưới và có một cuộc sống rất hạnh phúc. Rồi em phát hiện ra anh ấy tiêu tiền rất nhiều. Anh ấy đã nghiện ma túy rất nặng.

Khi em nhận ra sự thật này thì anh ấy khóc, hứa rằng sẽ cai nghiện. Nhưng vài tháng sau, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh về xét nghiệm HIV cho người dân ở xã Thạch Hải thì cả anh ấy và em kết quả đều dương tính! Nhận tin này, em như kẻ bị sụp xuống hố, tinh thần suy sụp hoàn toàn. Khi đó, em đã có thai được hai tháng".

Tin Hòa và chồng bị nhiễm HIV cũng không giấu được lâu. Tháng sau người ta đã xì xào bàn tán và tìm cách xa lánh vợ chồng cô. Hòa kể: "Ngày sinh con, em đến bệnh viện tỉnh. Khi em trở dạ thì người ta bỏ chạy tán loạn vì biết em đã nhiễm HIV. May còn một bác sĩ ở lại, động viên em. Em sinh được cháu trai, cháu rất kháu khỉnh, nhưng em xót xa lắm. Một tháng sau thì anh ấy đi cai nghiện.

Em không dám cho cháu bú mà phải để bố mẹ chồng cho cháu ăn sữa ngoài. Cháu được gần một tuổi thì em thi đậu công chức, được phân về dạy ở Trường tiểu học Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh), cách nhà bố mẹ đẻ em gần hai chục cây số. Chồng em cai nghiện xong cũng ra ngoài thị xã Hồng Lĩnh làm ăn.

Ngày em đến dạy ở trường mới, ở đây chưa ai biết em bị HIV cả, nhưng vài tuần sau thì đã nghe người ta xì xào. Em lên báo cáo với ban giám hiệu về bệnh tật của mình và mong nhà trường hiểu, cho em được ở lại dạy học. Trường đồng ý, nhưng sau đó em lại phải đối mặt với những dị nghị, xa lánh của nhiều người, có cả đồng nghiệp.

Nhiều phụ huynh cũng làm đơn, đề nghị nhà trường thay giáo viên, không đồng ý cho em đứng lớp dạy con cái họ. Đôi lần, em đi trước thì nhóm học sinh đi sau, chúng thì thào, chỉ trỏ với nhau: Cô Hòa bị SIDA đó! Em phải nhắm mắt, nghiến răng mà chịu".

Hòa tìm được chút sẻ chia nỗi bất hạnh bằng công việc thì chồng cô ở ngoài thị xã Hồng Lĩnh lại tái nghiện, căn bệnh AIDS đã chuyển sang giai đoạn cuối. Hòa phải xin nghỉ dạy để về chăm sóc chồng. Cô một mình lặn lội đưa chồng đi chữa trị ở khắp các bệnh viện, nhưng tháng sau, chồng cô qua đời. Từ cô gái cân nặng 46kg, đến ngày chồng mất, Hòa chỉ còn da bọc xương. Cô rệu rã hẳn, tưởng như không thể vượt qua được bi kịch này.

Phép màu

Gia đình nhà chồng rất thương cô, đó cũng là chỗ để Hòa bấu víu, nhưng khi nghĩ đến tương lai của đứa con, cô lại buồn. Trong cơn tuyệt vọng, Hòa bồng con đón xe ra cầu Bến Thủy (cây cầu nối hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An). Cô muốn giải thoát mình khỏi nỗi đau.

Đứng bên thành cầu, nước mắt cô đầm đìa, chợt đứa con nhìn cô cười, nụ cười hồn nhiên vô tội... Và Hòa đã không thể chết. Giọt máu còn lại của mối tình đẹp nhưng đầy cay đắng này đã níu cô trở lại với cuộc sống.

"Em bồng con về, quyết tâm phải sống. Thượng đế bao giờ cũng công bằng mà. Nhưng nhiều lúc em không thể trụ lại được với chính mình. Em tìm đến rượu. Say rồi tỉnh. Tỉnh lại buồn. Một hôm, em đọc được bài báo viết về một trường hợp như em, nhưng người vợ vẫn vượt qua hoàn cảnh để sống và sống có ích. Người ta làm được, sao mình lại không? Từ đó, em cố vùi nỗi đau để sống, sống vui vẻ".

Khi đứa con lên 2 tuổi, Hòa mang con ra TP Vinh xét nghiệm, hy vọng biết đâu... Kết quả xét nghiệm đã làm cô như chết đi sống lại: con của cô không bị nhiễm virus HIV. Hòa đưa con trở về, cả hai gia đình bên chồng và nhà cô vô cùng sung sướng khi đón nhận tin vui này. Hòa có thêm nghị lực và niềm tin để sống, cô gửi con cho bố mẹ chồng rồi quay trở lại trường. Lần này, những đồng nghiệp của cô đã thấu hiểu được nỗi đau của Hòa, đều gần gũi chia sẻ và động viên. Hòa lại lên lớp.

Cô trở lại trường, những lá đơn của phụ huynh lại gửi lên ban giám hiệu, yêu cầu thay giáo viên. Cô buồn bã, nhưng rồi tự nhủ "không thể trách họ được, chỉ còn cách phải chứng tỏ mình lạc quan, khỏe mạnh và hết mình với học trò thì may ra họ mới thông cảm cho mình". Và cô bám lớp, bám trường với cả tâm huyết của một cô giáo yêu nghề dạy học.

Mỗi sáng, Hòa dậy rất sớm tập thể dục chạy bộ dọc con đường men lên sườn đồi dài cỡ dăm cây số rồi chạy về. Người bạn giáo viên cùng trường xa nhà ở trọ cùng cô thấy vậy cũng chạy theo với bạn cho vui. Niềm vui và nghị lực sống đã giúp Hòa đẩy lùi căn bệnh chết người. Hòa lên cân, da thịt tươi tắn trở lại khiến người ta khó có thể nhận ra cô là nạn nhân của căn bệnh thế kỷ đã hơn 4 năm nay.

Rồi Hòa nhận lời tham gia làm tuyên truyền viên trong nhóm đồng đẳng ở thị xã Hà Tĩnh. "Điều mà em muốn làm là chia sẻ bất hạnh, cùng tìm niềm vui với những người chung số phận. Cái chết không trừ một ai, nhưng cái chết đã được báo trước thì ai cũng sợ. Quan trọng là phải bình tĩnh để vượt qua được chính mình. Khi nhận ra được giá trị của sự sống thì mình mới tôn trọng sự sống và sống có ích hơn" - Hòa nói.

Theo Khánh Hoan
Thanh Niên