Hành trình “tủi nhục” của một cô gái trẻ

Đặt chân xuống sân bay Nội Bài, cô gái trẻ họ Trương đã òa khóc nức nở khi nhìn thấy bố.

Trong suốt chuyến bay, cô thầm cảm ơn số phận đã mỉm cười với mình bởi cô biết ở xứ người vẫn còn rất nhiều cô gái khác có cùng hoàn cảnh như cô nhưng đang phải sống trong tủi nhục mà không biết đến tương lai...

 

Tuổi thơ sóng gió

 

Năm 1981, cô bé Trương Thị Đình cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui của hai bên nội ngoại. Tuy bố mẹ cô chỉ là những lao động bình thường ở thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc nhưng nhờ sự chuyên cần, họ vẫn lo cho con cái được đồng quà, tấm bánh. Cuộc sống hồn nhiên của Đình bị cắt ngang bởi cái chết của người mẹ. Sau khi đưa tang mẹ, Đình trở thành cô bé lì lợm, ít nói chỉ âm thầm khóc một mình khi có chuyện không vui. Từ ngày vợ mất, bố Đình bắt đầu lấy rượu để tiêu sầu, sự quan tâm lo lắng cho đứa con gái bé bỏng cứ giảm dần sau những cơn say. Tuy không nói ra nhưng Đình rất thương bố. Cô bé bắt đầu học làm những công việc nhà. 6 tuổi, Đình đã biết nấu cơm, giặt quần áo. Hàng xóm láng giềng cũng đã quá quen với cảnh cô bé Đình chạy lon ton với chai rượu trên tay trước mỗi bứa ăn.

 

Cuộc sống lặng lẽ của bố con Đình bắt đầu thay đổi từ ngày bố Đình dẫn về một người phụ nữ, bảo sẽ giúp Đình trong công việc nhà cửa (thực ra là vợ hai của bố Đình). Sau đó một thời gian Đình trở nên sống lầm lũi hơn . Đến tận bây giờ Đình cũng không hình dung nổi tại sao mình lại liều lĩnh trốn nhà đi như thế trong khi chưa học hết tiểu học.

 

Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, cái gì Đình cũng thấy lạ, thấy sợ. Cô bé 10 tuổi ngơ ngác giữa cảnh tấp nập người xe,  Đình chỉ dám quanh quẩn ở bến xe. Bụng đói, Đình mon men đến một quán cơm bình dân. Thấy con bé mặt mũi sáng sủa, bà chủ quán cơm thương tình gọi vào cho ăn. Sau khi hỏi thăm hoàn cảnh cô bé, thấy có vẻ nhanh nhẹn, Đình được bà chủ giữ lại phụ việc, trả công bằng cách nuôi ăn.

 

Bước sang tuổi 15, sau khi đã am hiểu một chút về Sài Gòn, Đình quyết định rời quán cơm chuyển sang làm bưng bê cho một quán cà phê với tiền công 500.000 đồng/tháng. Sự nhanh nhẹn hoạt bát của Đình cùng với nét xinh xắn của tuổi mới lớn khiến nhiều khách uống cà phê để ý. Lớn lên một chút, Đình bắt đầu hãnh diện với sắc đẹp của mình. Rồi cũng giống như nhiều gái quê mới lớn, cô luôn bị thôi thúc với ý nghĩ làm thế nào kiếm được nhiều tiền hơn? Lúc đó, Đình không ý thức được rằng ý nghĩ này đã đưa cuộc đời mình sang một trang mới.

 

Giấc mơ đổi đời thành địa ngục

 

Nghe lời thủ thỉ của 2 vị khách quen thường lui tới uống cà phê, cô bé Đình thấy viễn cảnh mà họ đưa ra quá tươi sáng: Sang Malaysia làm ăn, lương tháng 800 USD. Rời Việt Nam bằng đường bộ, sau nhiều ngày lội suối, leo đèo, Đình đặt chân lên đất Campuchia. Vừa bước chân lên đất lạ, Đình đã bị 3 kẻ lạ mặt khống chế, đưa lên ô tô và điểm đến cuối cùng là một đọng mại dâm ở thủ đô Phnomphenh. Tại đây Đình bị bán với giá 500 USD!

 

Tại ổ nhện này, Đình đã gặp hơn 20 cô gái Việt Nam đến từ các tỉnh phía Nam và cũng như Đình, họ bị lừa bán rồi ép làm nghề mại dâm. Ngày đầu tiên bị ép bán dâm, Đình chống cự, nhà chủ liền nhốt Đình vào phòng kín, bỏ đói. Đình tìm cách trốn, nhưng lần nào cũng bị phát hiện và hậu quả là những cơn mưa đòn lại trút lên người cô. Cuối cùng, để giữ lại mạng sống, Đình đã ngoan ngoãn phục tùng theo ý của chủ.

 

Ngày ngủ, đêm tiếp khách, chuỗi ngày tủi nhục cứ tái diễn lặp đi lặp lãi suốt cả năm trời. Để giữ "hàng" được "bền", bọn chủ cho các cô gái ăn uống khá đầy đủ, thậm chí chúng còn ép các cô ăn để "tăng cường sinh lực". Toàn bộ tiền thu được từ việc bán dâm đều do chủ chứa thụ hưởng, không ai được nhận tiền công, kể cả tiền bo cũng phải nộp hết. Nếu ai cố tình giấu thì thế nào cũng bị "hỏi thăm" bằng đòn roi. Với Đình đây là quãng thời gian tủi nhục nhất. Có lúc cô đã định quyên sinh để tự giải thoát nhưng không thành bởi bọn bảo kê luôn canh "hàng" 24/24h!

 

19 tuổi, Đình bị bán sang tay cho một chủ ở Malaysia với giá 300 USD… Theo quy định của chủ, mức khoán mỗi ngày mỗi cô phải tiếp ít nhất một khách. Nếu tiếp nhiều khách, thu được nhiều lợi nhuận và các cô cũng kiếm được nhiều tiền bo hơn. Với khát vọng tự do, Đình liên tục tiếp khách để mong có đủ số tiền chuộc thân. Sau sáu tháng triền miên bán thân, cuối cùng Đình cũng kiếm đủ số tiền 3.000 USD mà ông chủ đã bỏ tiền ra mua cô. Nhưng trước một "món hàng" đang có giá như Đình, nhà chủ không dễ dàng trả tự do cho cô. Chúng dụ dỗ Đình làm thêm 3 tháng, rồi 6 tháng nữa để rồi cuối cùng Đình lại bị lừa bán cho một ông chủ người Singapore. Đau đớn, một lần nữa Đình lại muốn chết.

 

Tại Singapore, Đình cùng với năm cô gái khác được chủ cho ở tại một căn phòng nhỏ. Nơi ở của các cô luôn phủ bạt kín vì sợ cảnh sát phát hiện, cả ngày không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không được nói to. Khoảng 8 tháng sau, do cảnh sát liên tiếp mở các chiến dịch truy quét lầu xanh nên Đình và đám bạn bị bắt giữ. Sau ba ngày bị nhốt trong nhà giam, chịu đói, cuối cùng các cô được một người khách Singapore tốt bụng cứu giúp, đưa ra khỏi nhà giam.

Sau đó Đình cùng mấy người bạn được người này dẫn ra biên giới Thái Lan để tìm cách về Việt Nam. Tuy nhiên, khi đặt chân lên đất Thái, do không có giấy tờ tùy thân, Đình bị cảnh sát bắt giữ, sau đó cô bị tòa án Thái Lan xử phạt hai tháng tù giam về tội nhập cảnh trái phép. Trong 2 tháng đó, Đình phải chuyển trại tới 4 lần. Đến lần chuyển trại thứ 4, Đình may mắn gặp được chị Hà là người Việt lấy chồng Thái làm nghề dạy học tới thăm trại tù. Biết chuyện của Đình, chị Hà đã tìm cách liên lạc với bố Đình và để đưa Đình ra khỏi nhà tù. Thông qua một tổ chức phi chính phủ, Đình được giúp đỡ và đưa về Việt Nam.

 

Sau khi trở về quê hương, để giúp cô tái hòa nhập cộng đồng, Đình được giúp đỡ học nấu nướng và học tiếng Anh ở một Trung tâm giáo dục của Quảng Ninh. Với Đình, tương  lai vẫn còn ở phía trước, mong rằng cô sẽ vượt qua được chính mình để quên đi những năm tháng đoạn trường nơi xa xứ...

 

Theo Người Hà Nội Cuối Tuần/Netlife