Giới trẻ và hội chứng “sợ về nhà”

“Tớ sợ về nhà lắm! Thực sự không muốn chút nào cả!”, lời tâm sự của Chi nhận được nhiều sự hưởng ứng của đám bạn xung quanh. Lí do? Có rất nhiều lí do.

Là sinh viên năm thứ nhất của Đại học H.N, có nhà cửa đàng hoàng tại đây nhưng từ hơn 4 tháng nay, Chi đã chuyển về sống cùng cô bạn thân nhà ở gần trường. Lấy lí do với bố mẹ vì nhà xa (nhà Chi cách trường 10km) và trường luôn có nhiều hoạt động nên hay về muộn nhưng thực chất cô nàng tâm sự:

 

“Chẳng hiểu đây có phải là bệnh không nữa, tớ hoàn toàn chẳng có cảm giác về nhà là vui vẻ và yên bình gì. Mỗi khi về nhà tớ lại như một con người khác, thay đổi 180 độ so với con người thật ngoài đời của tớ!”.

 

Như Linh, cô bạn khác trong đám bạn của Chi nói: “Tớ là con cả, ở dưới còn 2 đứa em đang học cấp 2”. Theo lời Linh, mọi việc nhà đều vào tay cô bạn cả, đi học hết buổi ở trường, mệt mỏi rã rời trở về nhưng cô bạn vẫn phải làm rất nhiều việc nhà.

 

Hai đứa em thì ham chơi chẳng chịu mó tay vào còn bố mẹ thì bận rộn, về nhà không thấy nhà cửa sạch sẽ là làm ầm lên. Dần dần, Linh sinh thói hay cáu gắt, luôn mang bộ mặt “nặng như chì” ở nhà. Ngược lại khi đến lớp cô bạn lại là người sôi nổi, vui vẻ và hết sức hoà đồng.

 
Giới trẻ và hội chứng “sợ về nhà”  - 1
 

Còn câu chuyện của Thảo, SV B.K thì lại hoàn toàn khác. Bố mẹ Thảo vốn sống li thân đã lâu, Thảo sống với mẹ. Những lúc ở trường thì không sao, về nhà, 2 mẹ con đụng mặt nhau, nói 10 câu thì có đến 9 câu cãi vã.

 

Không khí trong nhà lúc nào cũng u ám và mệt mỏi. Thảo nói: “Biết là mẹ buồn vì bố rất nhiều nhưng không phải vì thế mà kéo tớ vào những cơn cáu giận của mẹ”. Dù công việc học tập đã nhiều bận rộn, Thảo vẫn đăng kí thêm 2-3 lớp học thêm khác nhau để rút ngắn thời gian phải ở nhà.

 

Thành (lớp 12 V.Đ) tâm sự: “Chẳng còn mấy lúc nữa mà chia tay. 2 đứa bạn thân của tớ lại đi du học cả nên thời gian này chỉ muốn tận dụng nốt để được ở bên nhau thôi!”. Cứ sau mỗi buổi học, Thành cùng 2 “chiến hữu” lại rong ruổi, la cà khắp các con đường, quán xá bất chấp những cuộc điện thoại dồn dập, đầy lo lắng của bố mẹ.

 

Còn Hà Thu (lớp 12 Q.T), lí do để cô bạn không hề muốn về nhà là những áp lực từ lời nói của bố mẹ. Kì thi đang đến rất gần, bài vở trên lớp đã nhiều, về nhà, cô bạn lại phải “chiến đấu” với những buổi nói chuyện lúc ăn cơm của bố mẹ.

 

Từ dặn dò đến doạ nạt rồi cả những câu than thở, Hà Thu cảm thấy như muốn nghẹt thở trong bữa cơm gia đình. “Bố mẹ không hiểu tớ à? Sao cứ luôn tạo gánh nặng và áp lực như thế, có ngày tớ sẽ phát điên lên mất!”, Hà Thu bức xúc.

 

Kết quả là cô bạn chọn cách ở lì ở thư viện trường từ trưa đến tối muộn, ăn cơm cũng chỉ cắm cúi ăn thật nhanh rồi chạy lên phòng đóng kín cửa.

 
Giới trẻ và hội chứng “sợ về nhà”  - 2
 

Vì đâu nên nỗi?

 

Lứa tuổi teens là lứa tuổi có nhiều tâm tư tình cảm cần chia sẻ và cảm thông. Thế nhưng, trong điều kiện xã hội hiện nay, nhiều gia đình quá bận rộn công việc nên không còn thời gian cho những buổi chuyện trò, tâm sự giữa các thành viên.

 

Các bạn trẻ càng ngày càng xa cách với bố mẹ và từ đó sinh ra cảm giác bí bách, bức bối khi về nhà. Lại có nhiều gia đình, bố mẹ cãi cọ, xung đột, là con cái, khi đứng giữa cuộc chiến của 2 người sinh thành ra mình, phần lớn cảm thấy sợ hãi và mệt mỏi.

 

Khi ở bên những người bạn của mình, teens cảm thấy có người để chia sẻ, cười đùa và giải toả những áp lực, chính vì thế teens dần dần không muốn về nhà nữa.

 

Chỉ có một giải pháp

 

Ngồi lại, thẳng thắn nói chuyện với nhau là giải pháp đúng đắn nhất để hiểu về nhau. Với các bạn, nhu cầu được nói được chia sẻ với các thành viên trong gia đình là nhu cầu thiết thực nhất.

 

Như Linh, sau cuộc nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ và đề xuất phân công công việc rõ ràng được bố mẹ đồng ý thì cô bạn đã thấy vui vẻ, phấn chấn hơn rất nhiều.

 

Còn Thành, sau khi cuộc nói chuyện với bố mẹ, cứ cuối tuần, mẹ cậu lại mời 2 “chiến hữu” thân thiết của cậu về nhà mở tiệc ăn uống cùng nhau.

 

Vừa tạo thêm không khí đầm ấm, thân thiết, vừa khiến Thành tự hào vì nhận được những lời khen nức nở của 2 người bạn về sự tâm lí của mẹ, cậu bạn đã không còn sợ về nhà nữa và càng thêm trân trọng gia đình mình.

 

Theo PLXH