Giới trẻ nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội

"Vùng đất của cơ hội", Théo Falcoz (22 tuổi, người Pháp, Viện Telecom & Management Sud Paris), đã thốt lên như thế khi nói về VN sau ba tháng thực tập ở một tập đoàn Pháp có trụ sở tại TP.HCM.

Ðó cũng là hiện tượng đang diễn ra phổ biến: ngày càng có nhiều lao động nước ngoài đến VN làm việc và lực lượng này góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động cũng như sự phát triển xã hội nói chung ở VN.

 

Miền đất mới hấp dẫn

 

"Môi trường làm việc ở VN thân thiện, ít áp lực so với phương Tây. Hầu hết công ty Việt đều hỗ trợ hết mình cho người trẻ, tôi được giao những nhiệm vụ mà ở Pháp chẳng bao giờ có thể mơ đến", Théo nói.

 

Ðến TP.HCM thực tập theo chương trình hợp tác giữa trường Harvard Business School (Mỹ) và một tập đoàn VN vào tháng 1/2012, Jonah Wagner (sinh viên cao học) không giấu được sự bất ngờ:

 

"Khác với suy nghĩ của chúng tôi trước đó, môi trường làm việc ở đây, một công ty 100% của người Việt, rất thoải mái và năng động". Còn Theodore Chestnut (thực tập sinh cùng chương trình) nhìn nhận: "Tôi cảm nhận VN đã có những bước tiến rất nhanh trong thời gian gần đây, các bạn trẻ rất giỏi ngoại ngữ".

 
Giới trẻ nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội
Nhân viên Việt và Pháp làm việc cùng nhau tại Công ty gia công, xử lý dữ liệu Officience, TP.HCM. Ngày càng nhiều lao động nước ngoài đến VN làm việc.
 

Theo Công ty Tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao HRI Việt Nam, số lượng sinh viên Nhật có nhu cầu đến thực tập, tìm hiểu môi trường làm việc tại VN ngày một tăng.

 

Tomohiro Nakayama (Học viện Kyoto, Nhật Bản) cho biết: "VN là một thị trường đang lên và thu hút nhiều sự quan tâm từ giới lao động trẻ Nhật. Tuy đã quyết định làm việc cho công ty ở Nhật nhưng tôi vẫn muốn đến VN thực tập để quan sát tình hình".

 

Ishida Tatsuya (ÐH Meiji, Nhật Bản) khẳng định chuyến thực tập tại VN cho anh nhiều cơ hội học hỏi. "Tôi có dịp làm việc cùng nhiều người Việt. Họ rất chăm chỉ, có khát vọng lớn và yêu quê hương". Ishida quyết tâm sẽ trở lại VN để làm việc.

 

Quay về quê hương lập nghiệp từ năm 2005, ông Vincent Hà Dương (giám đốc điều hành Công ty Pháp Officience) khẳng định VN hiện có nhiều thế mạnh để thu hút nguồn lao động nước ngoài chất lượng cao: là một quốc gia đang phát triển, nằm trong khu vực đang gây nhiều chú ý trên thế giới là châu Á, có dân số trẻ và tinh thần lạc quan cao...

 

Nhưng sự hợp tác chưa cao
 

Tuy có nguyện vọng quay lại VN làm việc nhưng Théo Falcoz cho rằng vẫn còn đó nhiều vấn đề trong văn hóa làm việc của người Việt dễ khiến người nước ngoài nản lòng khi tiếp xúc. "Người Việt thường im lặng trong mọi tình huống, điều đó khiến chúng tôi rất khó xử", Théo băn khoăn.

 

Ðồng quan điểm, Sylvain Pierre (quản lý Công ty Officience) trăn trở sau sáu năm làm việc tại VN: "Tôi quản lý nhóm 50 lao động - phần lớn là người Việt, hầu hết họ đều rất giỏi và siêng năng. Tuy nhiên tôi mong họ sẽ cùng sếp tìm hướng giải quyết khi có vấn đề phát sinh chứ không âm thầm chịu đựng rồi đột ngột nộp đơn xin nghỉ việc".

 

Dưới góc nhìn của một lãnh đạo, chị Maria N. (người Mỹ, quản lý ở một tập đoàn mỹ phẩm tại VN) lại bức xúc về việc lao động Việt thường làm việc theo kiểu "nước đến chân mới nhảy" và thường xuyên ăn gian giờ công.

 

"Tôi để ý và thấy nhiều nhân viên miền Nam hay ra ngoài uống cà phê, nhân viên miền Bắc đi nhậu trong giờ làm việc. Nhiều người giải thích đó là văn hóa văn phòng "đặc trưng" của người Việt nên khuyên tôi phải chấp nhận. Tôi chỉ biết lắc đầu", chị kể.

 

Ishida Tatsuya không giấu được sự ngạc nhiên khi thấy nhiều đồng nghiệp Việt nói chuyện lớn tiếng trong văn phòng và sử dụng điện thoại di động thoải mái trong lúc làm việc. "Ở Nhật, tôi chưa từng thấy điều này xảy ra, bởi khi làm việc mọi người đều tập trung và rất ngại làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp", anh chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, lao động nước ngoài còn gặp nhiều trở ngại về mặt giấy phép, thông tin hướng dẫn khi đến VN làm việc. Kỹ sư Donald Deasy (người Anh, có 12 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực IT tại Scotland) cho biết bản thân cũng mong muốn đến VN làm việc, tuy nhiên anh cho rằng ở thời điểm hiện tại việc xin giấy phép làm việc quá nhiêu khê.

 

"Chúng tôi chẳng biết tìm đâu nơi chia sẻ thông tin về mức sống, văn hóa ở VN cũng như nhận sự tư vấn về vấn đề thu nhập của lao động trong nước và lao động nước ngoài. Ðây là điều các quốc gia châu Á lân cận VN làm rất tốt", Donald nói.

 

Ông Lê Cao Quốc Hưng (thạc sỹ quản lý thông tin) cho biết: "VN là một thị trường đang được giới lao động chất lượng cao nước ngoài chú ý. Tuy nhiên, việc tìm hiểu và lên kế hoạch hợp tác cùng đối tượng này ở nước ta đang bị bỏ ngỏ".

 

Còn ông Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhận định lượng lao động nước ngoài chất lượng cao đến VN trong thời gian tới có thể sẽ tăng nhanh do tác động của thị trường lao động quốc tế cũng như đặc thù phát triển thị trường lao động VN, cụ thể là trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ hóa, xây dựng và những hoạt động quản lý trong mảng dịch vụ.

 

"Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa có nhiều khảo sát về thực trạng và xu hướng phát triển, nhu cầu về đối tượng lao động trên. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm tổ chức những điều tra, đánh giá để có thể nắm rõ nhu cầu, từ đó đưa ra giải pháp cân đối nguồn lao động, hỗ trợ về đào tạo và sử dụng nhân lực phù hợp", ông nói.

 

Theo Công Nhật

Tuổi trẻ