Giới trẻ kiếm tiền triệu nhờ...lướt web

Từ những trò chơi, thú vui tưởng như vô bổ trên mạng, nhiều bạn trẻ đã kiếm được những khoản tiền không nhỏ.

Được đi du lịch nhờ... Facebook

 

Nhắc đến kiếm tiền online, nhiều phụ huynh cho rằng, đó là cách "chống chế" của giới trẻ khi bị cấm dùng Internet. Hay họ liên tưởng đến những kiểu lừa như bán hàng đa cấp hoặc những chiêu lừa đảo bằng cách ăn cắp mật khẩu hay nick của người khác, rồi nhờ mua thẻ điện thoại. Tuy nhiên, ngoài những điều "phiền toái" kể trên, nhiều bạn trẻ đã nhờ các kỹ năng về công nghệ của mình để kiếm tiền "ngon lành".

 

Hoàng Linh (khu tập thể Dược, Hà Nội) là một người trẻ nên hàng ngày vào Facebook như một thói quen để tán ngẫu, cập nhật thông tin, Linh còn vào để tham gia nhiều trò chơi trên trang xã hội này.

 

Nhiều lần tích điểm từ các trò chơi, Linh đã trúng nhiều giải thưởng như 1.000.000 đồng tiền mặt, voucher (phiếu chứng nhận giảm giá thường được thanh toán trước) mỹ phẩm, hay vé xem phim. Điều đặc biệt là phiếu giảm giá này rất mềm, là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ, vì nhiều khi, nó chỉ bằng 10% giá thật của sản phẩm, nhưng chất lượng cũng rất tốt.

 

Linh hồ hởi chia sẻ: "Cũng là dân nghiền mạng nhưng em lại hay tìm tòi nên cũng gặp may. Nhiều lúc ngồi rảnh rỗi, em hay mò vào chơi các trò chơi online và được giải thưởng, hiện vật cũng có, tiền cũng có, thậm chí cả thẻ học nấu ăn giảm giá trong vòng ba tháng.

 

Tuy các hiện vật ấy có giá trị không lớn lắm nhưng đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho những bạn trẻ "biến những giờ ngồi thiền trên mạng thành tiền như bọn em".

 

Ngoài việc được quà mang về nhà, Hoàng Linh còn được một công ty mua bán online trên mạng mời về làm với vị trí Social media marketing (hình thức marketing trên các mạng xã hội, diễn đàn, blog…).

 

Công việc của Linh là quản lý một page Facebook và trách nhiệm là sẽ làm cho trang này có lượng người bình chọn cao nhất. Kết quả của những cuộc thi trên Facebook là dựa vào lượng vote, ai có lượng vote cao nhất thường là người thắng giải.

 

Mỗi khi Linh tham gia các cuộc thi của công ty nếu không đoạt giải nhất thì cũng nằm trong top 5. Điều đó chứng tỏ, mối quan hệ của Linh rất rộng và có khả năng kêu gọi mọi người rất lớn. Đây là điều quan trọng đối với một người làm trong lĩnh vực social.

 

Ngoài ra, do nhiều lần tham gia các cuộc thi trên Facebook nên Linh nắm được ưu khuyết điểm của những cuộc thi. Đó là kinh nghiệm hữu dụng cho những lúc công ty tổ chức trò chơi cho thành viên của Fanpage.

 

Hoàng Linh tìm được việc làm nhờ những website kiếm tiền trực tuyến
Hoàng Linh tìm được việc làm nhờ mối quan hệ rộng rãi trên mạng XH

 

Hoàng Linh chia sẻ thêm, bạn thân tên Mai của cô còn tham gia trò chơi trực tuyến của một công ty truyền thông ở Sài Gòn và trúng voucher loại A là một cặp vé khứ hồi sang Singapore với giá 4 triệu đồng.

 

Có nhiều người trả lời đúng câu hỏi, nhưng Mai là người may mắn nên đã được cặp vé đi du lịch mà nhiều người mơ ước với giá siêu rẻ. Có lẽ đây là một niềm vui nhỏ với giới trẻ khi tích cực tham gia các hoạt động trên mạng ảo, nhưng lại mang giá trị thật.

 

Do còn trong giai đoạn đi học nên nhiều bạn trẻ có thể làm việc bán thời gian. Ngày nào đi học buổi sáng thì Linh và Mai đi làm buổi chiều và ngược lại. Sau khoảng thời gian hai tháng, Linh đã được nhận vào làm chính thức. "Không ngờ tôi có thể có được công việc dễ dàng như thế, vì ngành học không liên quan đến nghề đang làm!".

 

Bị bạn bè tẩy chay vì... spam

 

Hải Anh (SV ĐH Hòa Bình, Hà Nội) lại có cách kiếm tiền rất lạ. Công việc của cô là vào mạng và spam (gửi thư rác) cho bạn trên các mạng xã hội như Facebook, Yahoo, Multiply bằng nội dung mà công ty yêu cầu. Cứ khi nào có người click vào đường link là khi ấy điểm của Hải Anh được tính.

 

Tất nhiên, tùy hợp đồng và mục đích, số tiền công được hưởng sẽ khác nhau nhưng với việc đơn giản là "copy & paste", Hải Anh đã tận dụng được khá hữu hiệu thời gian dư thừa của mình trên mạng để kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng cô thu về khoảng 3 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với một sinh viên đang ngồi trên ghê nhà trường.

 

Trên một vài diễn đàn online, giới trẻ còn có thêm nghề… "up" đẩy hoặc là chuyển bài viết thuê trên mạng. Lấy ví dụ như các forum bán hàng có lượng thành viên và giao dịch lớn, nếu không muốn hàng tháng phải trả phí cho một "chủ đề dính" với giá trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng, những "chủ shop" online sẽ lập các chủ đề ở phía dưới, hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, vì lượng bài viết lớn, các chủ đề này sẽ trôi rất nhanh xuống trang sau và rất khó để khách hàng tìm thấy.

 

Những người được thuê "up" bài có nhiệm vụ là viết một bài bâng quơ nhưng thật "hot", để nhằm mục đích đẩy chủ đề này lên trang đầu, và trung bình, một phút phải đẩy 6 đến 10 lần thì mới đạt yêu cầu, vì chủ đề mới luôn xuất hiện ở trang nhất.

 

Để trả phí cho dịch vụ này, các "ông chủ online" thường chỉ mất một khoản phí nhỏ, dao động từ 100.000 cho tới 1 triệu đồng/tháng, thay vì mất gần chục triệu cho "chủ đề dính", và càng nhiều "chủ shop" thì các bạn trẻ càng có nhiều cơ hội việc làm.

 

Tuy nhiên, cách kiếm tiền này cũng mang lại cho giới trẻ không ít chuyện cười ra nước mắt. Như Hoàng Linh, do mải mê kiếm tiền nên đã bị bạn trai dọa bỏ, khi suốt ngày gắn chặt với máy tính. Cô phân trần, vì là công việc kiếm ra tiền nên rất ham, khó mà dứt ra được.

 

Nhiều bạn kiếm tiền trên mạng được quy đổi bằng sản phẩm còn bị một lý do rất "trời ơi" là: Do không chọn được sản phẩm nên có bạn mặc áo site L thì được gửi về cho một cái áo site S. Hàng online thường khó đổi, vì số lượng có hạn nên nhiều khi, sản phẩm chỉ để ngắm, chứ không dùng được.

 

Lẽ tất nhiên, mọi hình thức phàn nàn đều vô giá trị và càng khó có thể giải quyết bằng pháp lý, vì nhiều bạn trẻ xác định "đồ chùa" mà, không mất gì, được quà là vui rồi.

 

Còn Hải Anh, mặc dù đã nhận những hợp đồng của đối tác và dùng nhiều công cụ để "online marketing" nhưng vẫn có lúc, các tài khoản của cô trên các mạng xã hội bị ban quản trị "banned" (treo nick) vì lý do bị thành viên khác phàn nàn do "spam" quá nhiều. Thậm chí, nhiều bạn bè của cô đã tẩy chay nickname của Hải Anh, vì ngày nào cũng nhận được thư rác.

 

Bác Minh, mẹ của Hoàng Linh cho biết: "Thấy con cái suốt ngày ngồi trên mạng, tôi đâm lo, sợ nó mắc chứng tự kỷ mà báo đài hay nói. Ai ngờ, nó giải thích là lướt web cũng là cách kiếm tiền. Ban đầu, tôi không tin, nhưng sau thấy về đưa tiền lương gửi mẹ tiết kiệm hộ thì tôi an tâm. Thế nhưng, tôi vẫn dặn cháu là làm vừa phải thôi, việc quan trọng nhất vẫn là học tập để có kiến thức vững chắc sau này lập nghiệp".

 

Theo Lạc Thành

Đời sống & Pháp luật