Giới trẻ đang “khó tính” hơn?

Dạo quanh Facebook, các trang web, diễn đàn…, không khó để bắt gặp những bình luận khá gay gắt, tỏ ý chê bai, phán xét hoặc phản bác một ý kiến, vấn đề gì đó nổi bật.

Gì cũng chê

 

Dạo quanh diễn đàn W – một diễn đàn khá lớn và được nhiều người biết đến, vào mục điểm báo, sẽ không khó để thấy rằng, bất kì bài viết nào, nguồn ở đâu, nói về vấn đề gì, cũng bị mọi người phân tích, tìm chỗ không tốt để chê bai cho bằng được.

 

Các thành viên trong diễn đàn không hề chú ý đến nội dung bài viết mà chỉ cố tìm khuyết điểm trên trang phục của “sao”, bày tỏ ý kiến chủ quan, kể lại rằng họ đã “nghe đồn” diễn viên X đã từng thế này, nam ca sĩ kia đã từng thế nọ.

 

Khi một bài báo tỏ ý kiến khen ngợi, họ sẽ chê cho bằng được. Khi bài báo ấy phê phán, thì các thành viên trong diễn đàn lại bắt đầu chê…người viết bài ấy.

 

“Đó là thói quen phổ biến thường thấy trên mạng. Mình đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp. Đôi khi họ chê bai chỉ vì…hùa theo người khác, thấy ai chê thì cũng chê theo, còn ai khen thì họ khen cho bằng bạn bằng bè”, mouse_chocolate_xxx (19 tuổi) bày tỏ.

 

“Hôm nọ, có một bài viết chụp lại những bức ảnh của một “sao” đang đón Tết tại nhà. Bình thường, khi sao” này ăn mặc lộng lẫy thì rất nhiều người bày tỏ thái độ không thích. Nhưng trong bài biết này, cô ấy ăn mặc vô cùng giản dị.

 

Ấy vậy mà mọi người lại có nhiều bình luận khá gay gắt, điển hình như: “Nhìn trên MV thì “ảo diệu” lắm, hóa ra ngoài đời cũng chỉ đến thế”, “Ăn mặc nhìn xuề xòa quá, chẳng bù với những lần trước kia”, “Khác một trời một vực, không trang điểm là nhìn thấy khác liền”…, Lam Anh (sinh viên năm 1 ĐH Sài Gòn) kể lại

 

“Thử đặt trường hợp mình là “sao” ấy, chắc mình sẽ áp lực đến phát khóc", Lam Anh chia sẻ 

 
Giới trẻ đang “khó tính” hơn?  - 1

Thế giới ảo - Tình cảm thật?
 

Cãi nhau cũng chỉ vì…khó tính

 

Tại các hội nhóm trên Facebook, khi admin ghi vài dòng, sẽ có khá nhiều thành viên bình luận. Và nếu không hợp ý nhau, họ sẵn sàng bày tỏ thái độ gay gắt với nhau.

 

“Mình đã từng “gây thù chuốc oán” với một bạn trên mạng. Bạn này cũng thường xuyên ra vào trên một hội mà mình thích. Khi thấy bạn này hay bình luận một cách chủ quan, tiêu cực, khó nghe, mình đã nói chuyện nhẹ nhàng với người bạn này nhưng về sau cảm nhận được rằng nói dễ chịu thì bạn ấy không tiếp thu.

 

Thế là mình nổi nóng, cãi trên Facebook chưa đủ, bọn mình tiếp tục cãi ngoài YM, sau đó còn tìm mọi cách có được số điện thoại nhau để nhắn tin cãi tiếp, mặc dù mình chưa hề gặp bạn ấy ngoài đời!”, Doll_xinhxxx kể lại.

 

“Có thể chỉ cần bất đồng ý kiến với nhau khi nhận xét, bình luận, ta cũng có thể dễ dàng làm mất lòng nhau và chuốc bực mình vào người. Thế giới ảo, nhưng cảm xúc là thật”, Bích Loan (17 tuổi) bày tỏ.

 

Người dễ tính chỉ biết “lắc đầu”

 

Khi thấy một topic không có gì ấn tượng nhưng lại đạt đến con số vài chục trang, thì bạn hãy hiểu có thể các thành viên trong diễn đàn đang tranh cãi nảy lửa ngay trong topic đó. Và tất nhiên, vẫn sẽ có những thành viên “trung lập”.

 

Biểu hiện của những thành viên này là các bình luận để “xoa dịu” hai bên đang cãi nhau: “Sao mọi người khó tính thế, cá nhân mình nghĩ thế này…”, “Bài báo chỉ để xem cho vui, không nên làm mất hòa khí như vậy…”

 

“Ai cũng có lí lẽ riêng của mình, chẳng ai sai cả. Vấn đề là mọi người hãy…bớt khó tính một chút, mình thấy các bạn có vẻ như làm trầm trọng hóa vấn đề lên dù chẳng có gì phức tạp”, Nguyên Đào (18 tuổi) nói.

 

Ở thế giới ảo, mọi người được sống thật hơn với tính cách của mình. Nhưng cũng chính vì vậy mà cảm xúc mạnh hơn, lấn át cả lí trí, khiến đôi lúc ta hành động chưa khôn ngoan, trong khi ở ngoài đời, ta vô cùng dễ thương, dễ mến.

 

Bạn ạ, hãy xem thế giới ảo cũng như cuộc sống thu nhỏ. Đó cũng là cách để bạn tự rèn luyện mình và trau dồi những phẩm chất tốt. Đừng dễ dàng bị tác động, ảnh hưởng, chỉ vì những câu chữ vu vơ, bạn nhé!

 

Theo Mực Tím