Giới trẻ đang định giá thế nào về bản thân?

Bạn có bao nhiêu mối quan hệ? Mức lương của bạn khi ra trường dự kiến sẽ là bao nhiêu? Theo bạn 10 năm nữa tài sản lớn nhất của bạn là gì?... Hãy kiểm tra giá trị của chính bản thân mình!

Những câu hỏi này nhằm khảo sát về giới trẻ xung quanh vấn đề: Giới trẻ đang định giá thế nào về bản thân? Trên 300 SV năm cuối của 10 trường ĐH tham gia cuộc khảo sát này.

Khảo sát 3 chiều về sự tự tin của giới trẻ

Chúng tôi gọi vui nhưng rất thật rằng đây là một khảo sát 3D về sự tự tin của người trẻ. Đó là sự tự tin vào hình thức của mình, sự tự tin vào kiến thức của mình và sự tự tin vào những kỹ năng cá nhân (khả năng vượt trội những khác biệt khiến giới trẻ tự tin hơn).

Chúng tôi chọn 3 khía cạnh này sau khi đã lựa chọn từ rất nhiều những "đề cử" về điều khiến người trẻ tự tin khác như: Khả năng kinh tế, vi trí xã hội hay gia đình, các mối quan hệ...

Một năm trước, chúng tôi cũng đã làm một cuộc khảo sát về mức độ tự tin của giới trẻ cũng trên 3 khía cạnh trên. Kết quả, chỉ có 18% tự tin vào hình thức, 40% tự tin về kiến thức, 35% về những khả năng cá nhân. Năm nay, con số đó lần lượt là:

* Tự tin về hình thức: 23%.

* Tự tin về kiến thức: 49%.

* Tự tin vào các kỹ năng cá nhân: 47%.

Có thể thấy sự tự tin của giới trẻ đã tăng dần trên cả 3 chiều khía cạnh. Đáng kể nhất là sự tự tin tăng vượt trội ở khía cạnh kỹ năng cá nhân, sự khác biệt làm nên sự tự tin. Các kỹ năng cá nhân khá đa dạng, bao gồm khả năng: hài hước, nghệ thuật giao tiếp, làm việc nhóm... đây là những kỹ năng từ trước tới nay luôn là điểm yếu của giới trẻ khi hội nhập với bạn bè thế giới.

Khả năng liên kết cao

Khả năng liên kết của giới trẻ bây giờ như thế nào? Đó là câu hỏi được đặt ra với những người đi thực hiện khảo sát này. Liệu giới trẻ hôm nay có co cụm trong khu vực riêng của mình như những thế hệ đi trước?

Chúng tôi đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ bạn bè, khả năng gắn kết và cả những tình huống đòi hỏi sự liên kết cao trong bảng khảo sát của mình. Kết quả thật đáng mừng: Giới trẻ hôm nay có khả năng liên kết rất cao. Xóa bỏ tâm lý vùng miền, lĩnh vực theo chuyên môn hoặc sở thích, giới trẻ đã có những liên kết cực mạnh, cực rộng với xung quanh.

Có thể đó là do hệ quả từ những giá trị mới trong cuộc sống hiện đại như toàn cầu hóa, khả năng ngoại ngữ, sự phổ cập của viễn thông như ĐTDĐ, Internet... Những điều kiện thuận lợi về truyền thông, kỹ năng, tư duy... này đã xóa bỏ những rào cản về mặt địa lý, góp phần tăng khả năng liên kết cho người trẻ.

Có đến 53% số SV được hỏi cho biết số người quen của mình là hơn 100, trải dài khắp các vùng miền cũng như ra khỏi phạm vi đất nước. 32% thì không thể nhớ hết số người mình quen nhưng chắc chắn con số đó rất đông và chỉ có 15% nói rằng mình chỉ biết khoảng 50 người trở lại.

Người ta cũng đặc biệt quan tâm đến "thương hiệu" của mình trong mắt bạn bè khi có 42% khẳng định rằng hơn 100 người biết mình là ai, chỉ có 8% cho rằng cùng lắm là có 50 người biết đến mình. Đặc biệt, trong một câu hỏi: Bạn có bao nhiêu người bạn quốc tịch khác?

* 52% trả lời có ít nhất 1 người bạn.

* 26% có từ 5 người bạn trở lên.

Những người bạn nước ngoài đa phần là quen trên mạng hoặc qua những chuyến dịch chuyển ngày càng nhiều của giới trẻ đến các đất nước khác. Một tình huống giả định được đặt ra: Nếu bạn cần vay tiền, sẽ có bao nhiêu người bạn tin chắc họ sẽ giúp bạn? Tất nhiên, giả định như họ có đủ tiền để cho bạn vay. 100% SV khẳng định rằng có ít nhất một người bạn để vay tiền khi cần kíp, trong đó có 49% nói rằng mình có thể vay tiền của bất cứ ai quen biết.

Sống thực tế và đặt kế hoạch ngắn hạn

* Đặt kế hoạch theo tuần: 41%.

* Đặt kế hoạch theo tháng: 33%.

* Đặt kế hoạch theo năm: 26%.

* 41% số SV đặt kế hoạch ngắn từng tuần một. Ý kiến chung cho rằng việc này không những giải quyết nhanh gọn công việc mà còn làm giảm bớt áp lực. Phần lớn những bạn tham gia đều đặt một mục đích cho cả năm và đặt kế hoạch theo tuần hoặc tháng để thực hiện mục tiêu đó.

Có lẽ nhờ vậy mà số người luôn "bể kế hoạch" (thành công dưới 10%) là rất thấp, chỉ có 1,5%. 48% SV luôn có mức hoàn thành được chỉ tiêu từ 50-70%, đặc biệt, có tới 22,5% luôn hoàn thành kế hoạch của mình.

Về nguyện vọng làm việc, cơ quan nhà nước vẫn là điểm đến được SV mong muốn nhất:

* Vào làm tại cơ quan nhà nước: 47%.

* Làm tại công ty ngoài quốc doanh: 31%.

* Tự mở công ty kinh doanh: 15%.

* Chưa có dự định: 7%.

Khả năng nâng cấp cải thiện đáng kể

Hơn 90% SV quan tâm đến tin tức thời sự hàng ngày chủ yếu qua các kênh: bạn bè, TV, sách báo và Internet . Sách báo và Internet là sự lựa chọn hàng đầu với 78,8% SV sử dụng, tuy nhiên chỉ có 56% số người thường xuyên dùng Internet có e-mail. Khả năng "lan truyền thông tin" qua bạn bè cũng rất lớn với 73,3%, đứng sau đó mới là TV với 49,6%.

Tần suất cập nhật cũng rất cao khi 36,5% SV cho biết thường xuyên theo dõi tin tức trong ngày.

* Thường xuyên: 36,5%.

* Thỉnh thoảng: 25,5%.

* Tiện thì xem: 2,4%.

* Không xem: 2%.

3 triệu đồng/tháng là mức lương sàn

Riêng nguyện vọng về mức lương, chúng tôi cố ý chia rõ thành các nhóm: kỹ thuật - nghệ thuật, xã hội và kinh tế để xem các ngành học có ảnh hưởng như thế nào đến nguyện vọng tài chính của họ. Mức đánh giá trung bình sau cùng cho thấy 3 triệu đồng tháng là mức lương mong muốn của cả các nhóm đối tượng trên. Trong đó, người có nguyện vọng thấp nhất là 500 ngàn đồng/tháng, còn người cao nhất có nguyện vọng tới... 3.000 USD/tháng.

10% số SV cho rằng mới ra trường thì không nên nặng về chuyện lương bổng, quan trọng là phải làm công việc có thể mang lại cho mình nhiều kinh nghiệm. Nguyện vọng lương trung bình:

* Dưới 3 triệu/tháng: 27,7%.

* Từ 3-5 triệu: 52,4%.

* Từ 5-10 triệu: 10%.

*  Trên 10 liệu 5% (hầu hết đều thuộc về khối kinh tế).

* Chưa xác định: 4%.

Tài sản trong tương lai nhiều khác biệt

Khi được hỏi "tài sản giá trị nhất của bạn sau 10 năm nữa có trị giá bao nhiêu?", rất nhiều bạn trả lời rằng: "Đó là gia đình, con cái", số này chiếm khoảng 24%, chủ yếu thuộc về khối xã hội và nghệ thuật.

Tuy rằng có nguyện vọng giống nhau về mức lương, nhưng có vẻ khối kinh tế là tham vọng hơn cả khi số tài sản dự kiến của họ nhiều hơn hẳn 2 khối còn lại:

Tài sản dự kiến sau 10 năm nữa:

* Khối Xã hội: 200 triệu đồng.

* Khối Kỹ thuật- nghệ thuật: 400 triệu đồng.

* Khối Kinh tế: 800 triệu đồng.

Người tự tin nhất vào tài sản tương lai thuộc về khối kinh tế với... 2 tỷ USD. Trong khi đó, người khiêm tốn nhất thuộc về khối xã hội với chỉ 15 triệu đồng. 

Trên 300 SV năm cuối tham gia cuộc khảo sát này chưa thể cho ra một kết quả đúng nhất, chuẩn xác nhất song chắc chắn, những kết quả trên cũng đã phần nào đủ để phác thảo ra một thế hệ chuẩn bị bước vào cuộc đời với những giá trị rất tích cực về bản thân.

Theo Sinh Viên Việt Nam