Giới trẻ buôn chuyện gì bên cốc trà chanh?

Đó là một cuộc đổ bộ của ngôn ngữ đường phố và những kiểu múa tay "chém gió". Đó là một "nồi lẩu thập cẩm" đề tài của những bậc thầy buôn chuyện "thông tấn xã vỉa hè"…

"Nồi lẩu thập cẩm" của ngôn ngữ đường phố

 

Nếu muốn hiểu một phần về giới trẻ, hãy ngồi cùng họ bên quán trà chanh. Chỉ cần ngồi im lặng và lắng nghe rất có thể bạn không cần phải đọc báo hằng ngày mà vẫn cập nhật rất nhanh tin tức thời sự, không cần phải đến hội thảo mới biết giới trẻ đang dùng ngôn ngữ như thế nào và cập nhật tiếng lóng ra sao.

 

Đó là những chuyện lùm xùm của giới showbiz: Bộ váy "trăm triệu" của một người đẹp, trường Phan Đình Phùng có một "chân dài" mới nổi hay chuyện vài phút trước, có cuộc ẩu đả ở cách Nhà thờ Lớn chỉ vài con phố...

 

Trong quán trà chanh bên tay phải Nhà thờ Lớn, họ ngồi cách chúng tôi độ một gang tay. Họ có 8 người. Câu chuyện của họ rôm rả đến mức thi thoảng lại gặt hái được dăm bảy ánh nhìn ghen tị từ những ghế ngồi bên cạnh.

 

Chuyện của họ bắt đầu từ việc một cô nàng trong hội mua một chiếc váy Gucci, rồi lại chuyển sang đề tài về một cô Hoa hậu có đến 6 cái Gucci.

 

"Chiếc Gucci của em Hoa hậu này có giá một trăm lẻ tám củ đấy, lúc trả tiền trăm triệu, em ý có nhớ mỗi lần đi làm từ thiện trao tặng học bổng 500.000 đồng thì rưng rưng nước mắt: Giá mà có thêm nhiều suất học bổng hơn thế!". "Diễn thôi, hôm party của bạn trai nàng Hoa hậu, nàng ý diện một em Elie Saab có giá 315 triệu đồng cơ".
 
Giới trẻ buôn chuyện gì bên cốc trà chanh?

 

Một cô nàng khác, vừa tí tách hạt hướng dương, vừa chen vào: "Không bằng N.T đâu. Bộ sưu tập của nàng ý toàn LV, Chanel, Christan, Louboutin, Hermes... Có lần, em ý khoe nguyên một phòng để trang phục cá nhân có giá nhiều ngàn đô. Tính riêng một đôi giày Christian Louboutin đính đá quý, đế đỏ đã có giá gần 100 củ rồi".

 

Và rồi chuyện lại được kéo dài bất tận sang một nàng Hoa hậu khác với cuộc đua hàng hiệu bằng chiếc váy hiệu Balmain có giá gần 300 triệu đồng. Đề tài các hoa hậu và cuộc đua hàng hiệu chỉ thực sự dừng lại khi một trong 8 thành viên của tiệc "chém gió" bên cốc trà chanh có điện thoại.

 

Sau khi nghe xong cuộc gọi, cậu này quay sang nhớn nhác: "Bọn ngồi trà chanh bên Lương Văn Can bảo rằng bên ấy đang có biến. Chúng mày có muốn sang hóng không?". (Nếu bạn đọc hỏi "có biến" nghĩa là sao, xin thưa rằng nghĩa là đang có một cuộc ẩu đả lớn bên khu trà chanh Lương Văn Can và đã có sự xuất hiện của cảnh sát). Và rồi cả 8 thành viên lại lục tục kéo nhau di chuyển.

 

"Chăn rau", công an dẹp vỉa hè và ước mơ lấp lánh

 

Ở một góc trà chanh khác, có 3 anh chàng đang "chém gió" rất hăng. Họ đang ngồi khoe chiến tích "check rau" và "chăn rau" của mình. (Nếu bạn đọc đang băn khoăn về một vài từ lóng thì "chăn rau" là một từ dùng để nói thay cho việc đưa một cô gái lên giường).

 

Một trong số ba anh chàng có vẻ rụt rè hơn khi nói về đề tài này liền bị hai anh chàng còn lại chê bôi là "đụt", là kém cỏi. Anh chàng này buộc phải phản ứng bằng cách gọi thêm trà chanh, lảng tránh sang đề tài khác và buông một câu van lơn: "Xin các anh, xin cuộc đời đừng xô đẩy em! Em tự biết mình sa ngã".

 
Giới trẻ buôn chuyện gì bên cốc trà chanh?
 

Đề tài mới của họ là: Làm thế nào để giúp một cô bạn, đang bị cô bạn khác à ơi người yêu của mình? Một chàng áo kẻ ca rô trả lời ngay tắp lự: "Đá số và Y!M của em à ơi sang cho anh, anh xử". "Không, anh không chịu nổi nhiệt đâu, nó xấu đừng hỏi và trông cùi bắp lắm!".

 

Một vài sáng kiến lẫn tối kiến khác được tung ra: "Vờn lại bạn trai của nó, nếu không thì tỉa răng nó đi". "Đừng đừng, bạo động không phải mốt bây giờ. Nhẹ nhàng và nhân văn cơ. Các chiến hữu đừng bảo là tung số em nó lên diễn đàn cho dân tình "chăn rau" hay quay clip em nó nhé". Và cuối cùng, anh chàng áo phông trắng kết luận: "Cần gì phải giữ, thằng người yêu mà chấp nhận sự à ơi của em khác thì next thôi, đời còn dài, giai còn nhiều".

 

Nhưng như thế không có nghĩa là trà chanh chém gió không phải không có những câu chuyện… thanh tao, những cô nàng, anh chàng tuổi 20 ngồi thư giãn và lắng đọng. Cũng có những chia sẻ về ước mơ của tuổi 20 lấp lánh.

 

Có anh bạn cứ than phiền về việc lẽ ra, mình phải là ông chủ trà chanh từ lâu rồi vì ý định đó đã có từ cách đây 3 năm. Chỉ ngặt một nỗi hồi ấy vướng việc đi học và nếu khởi nghiệp mà chỉ bằng quán trà chanh bé xíu thì xem chừng không… oai. Bây giờ nhìn các phố trà chanh hốt bạc triệu mỗi ngày thì cậu lại nuối tiếc.

 

Các tiệc trà đang liên hồi bất tận thì bỗng đâu đầu phố có tiếng hô "công an đến". Nhanh như chớp, các ông chủ bà chủ trà chanh nhảy xổ ra thu gom lại toàn bộ ghế. Khách hàng nháo nhác đứng lên. Cả phố bỗng chốc nhốn nháo.

 

Nhưng chỉ rất ít người tỏ ra khó chịu và có ý định dạt sang một phố trà chanh khác. Số còn lại dường như đã quen với điệp khúc "công an đến" của loại hình kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường này.

 

Họ dường như quen với việc uống trà chanh là phải trả tiền trước và sẵn sàng vừa đứng, vừa cầm hạt hướng dương vừa bưng cốc trà vừa chờ cho đợt "truy quét" đi qua. Nhưng rốt cuộc thì tiếng hô "công an đến" vừa rồi là một tiếng báo động giả hoặc xe cảnh sát chỉ đi qua phố chứ không chủ định giải tán. Cả phố lại tiếp tục lao xao những đại tiệc "chém gió" của mình.

 
Giới trẻ buôn chuyện gì bên cốc trà chanh?
 

Liệu bạn có bị tâm lý đám đông lôi kéo?

 

Có một thời, người ta chứng kiến sự bùng nổ của cơn lốc trà sữa và rồi trà sữa cũng hạ nhiệt. Xa xưa hơn nữa thì nem nướng cũng từng  thành trào  lưu không cưỡng nổi song giờ cũng chỉ còn rải rác ở dăm ba tuyến phố.

 

Và có vẻ trà chanh "chém gió" cũng là một thứ trào lưu, một trào lưu mạnh mẽ. Những người chạy theo nó thường là những người nhanh nhạy với các thói quen thời cuộc và liệu bạn có thực sự bị tâm lý đám đông lôi kéo? "Nhập cuộc" là một điều tốt nhưng bạn cuốn theo cơn lốc trà chanh "chém gió" ở liều lượng bao nhiêu thì sẽ là vừa đủ?

 

Trao đổi với PV, TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý học, chia sẻ: "Giới trẻ thường nhạy cảm với những tác động từ phía bên ngoài. Những hình thức giải trí mới lạ, những trò chơi vui nhộn, những phương tiện để thỏa mãn nhu cầu nào đó của giới trẻ thường được ủng hộ nhanh và mạnh.

 

Trà chanh hay trà sữa cũng chỉ là một biểu hiện của diễn biến tâm lý ấy. Đấy là biểu hiện của xu hướng thể hiện mình, xu hướng bị lôi kéo, xu hướng sành điệu, hay ủng hộ cái mới của một số bạn trẻ. Thực chất của hành vi này không phải xấu nhưng thực sự ở từng hoàn cảnh khác nhau sẽ có thể đánh giá khác nhau".

 

Sẽ có những điều nhẹ nhàng, thanh thản trong tâm trí, khi bạn trẻ thưởng thức món trà chanh. Trà chanh để hàn huyên tâm sự. Cũng có thể một số bạn trẻ sử dụng thời gian của mình không hiệu quả. Ở không gian đấy (đặc biệt là với môi trường tương tác mạnh mẽ như thế), rất có thể bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những hành vi tiêu cực, thái độ bi quan và những suy nghĩ thiếu cân nhắc.

 

TS Sơn cho rằng, một người trẻ thông minh, khôn ngoan là người biết định hướng việc sử dụng thời gian rảnh rỗi và lựa chọn phương tiện giải trí và tự làm chủ bản thân mình.

 

"Thậm chí, nếu có ai đó nghĩ đến việc sẽ sử dụng đúng môi trường ấy, chính những không gian trà chanh mà giới trẻ đang "ghiền" để giáo dục một cách khéo léo và thực tiễn thì hiệu ứng sẽ được nâng cao", ông gợi ý.

 

Theo San Hải

SVVN