"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc

(Dân trí) - Từ ông chủ xưởng sản xuất “ăn nên làm ra”, bất ngờ Hoàng Chí Hùng bị lao phổi, phải bỏ nghề. Sợ chồng buồn, vợ Hùng mua tặng một chiếc máy ảnh để… chụp chơi. Đến nay, anh sở hữu 2 tập sách và 7 cuộc triển lãm ảnh cá nhân và một “pho” ảnh vô giá về Trường Sa.

“Phải lòng” Trường Sa

Sinh 1961 tại Trà Vinh, Hùng nhập ngũ làm lính bộ binh 3 năm ở biên giới Tây Ninh năm 1978. Khi xuất ngũ, Hùng trở về địa phương lấy vợ rồi xin đi làm công nhân xây dựng. Qua vài năm, thấy vất vả mà không có thu nhập, Hùng xin nghỉ việc để tự mình thành lập công ty TNHH chuyên về cơ khí. Năm 1985 anh bất ngờ phát hiện mình bị bệnh, mất sức lao động.

Khi đang bi quan, chán nản với với bệnh tật, sự yêu thương hết lòng của người vợ cùng món quà là chiếc máy ảnh đã “hồi sinh” cuộc đời Hoàng Chí Hùng một lần nữa.

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 1

Hoàng Chí Hùng tự ví mình say lòng đến “ngả nghiêng” vì mọi cung đường Việt Nam.

Nhắc lại mối duyên nợ với nghề bấm máy, Hùng tâm sự: “Nghề nghiệp đúng là một định mệnh. Ngày còn trẻ, tôi chẳng bao giờ nghĩ mai này sẽ thành phóng viên ảnh, tung tăng đi khắp nơi với chiếc máy ảnh nặng trên vai”.

Năm 2007, khi đang là thành viên CLB Phóng viên Ảnh Hội Nhà Báo TP HCM, Hùng viết đơn đề xuất việc xin đi đến 64 tỉnh thành bằng một xe máy. Lý do anh đưa ra là muốn đi chụp tất cả những khuôn hình đẹp về cuộc sống, thiên nhiên và con người Việt Nam trên mọi cung đường của tổ quốc.

Chuyến đi xuyên Việt đầu tiên của anh kéo dài đúng 162 ngày, băng qua toàn bộ 64 tỉnh thành trên cả nước. “Chúng tôi lên đường đi qua 64 tỉnh thành với mục đích chụp ảnh đời sống 54 dân tộc Việt Nam. Thành quả khi trở về là một triễn lãm ảnh với chủ đề “Xuân – Đất và Người” gồm 430 tác phẩm”, anh kể.

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 2

Hoàng Chí Hùng đang hướng dẫn bộ đội Đảo Trường Sa chụp ảnh dưới nước.

Kết thúc chuyến đi đầu tiên thuận  lợi, anh kí hợp đồng làm nhiếp ảnh cho một công ty tư nhân. Suốt 3 năm, từ 5/2008 đến 5/2010, một mình anh rong ruổi trên chiếc xe máy  “cà tàng” của mình đi khắp cả nước để cho ra đời những bức hình đẹp. Đến giờ, Hùng vẫn cười kể lại: “Lần ấy, tôi đã xin phép vợ vắng nhà hơn 1.000 ngày ròng”.

Nhưng Hoàng Chí Hùng vẫn băn khoăn một lẽ, đặt chân đến nhiều tỉnh thành, thấu hiểu cuộc sống ở nhiều nơi nhưng duy chỉ có Huyện đảo Trường Sa chưa được tới…

“Đầu năm 2010, được sự gợi ý của một người bạn đồng nghiệp, tôi đã làm đơn đăng ký nói rõ nguyện vọng làm sách ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Tôi đã làm như vậy. Thật may mắn tháng 6/2010 tôi được tác nghiệp lần đầu tại cụm phía bắc Trường Sa”, Hoàng Chí Hùng nói.

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 3

Bão cấp 8 trên đảo Song Tử Tây

Ghé thăm Trường Sa một lần vẫn chưa thỏa ước nguyện, tháng 6/2011, Hùng lại tiếp tục thực hiện chuyến đi là Trường Sa tại cụm đảo phía bắc. Năm 2012, anh tiếp tục thực hiện chuyến thứ ba 2012 cũng lại là cụm đảo phía bắc.

Anh tâm sự: “Ba lần ra Trường Sa tôi đều đi cụm đảo phía Bắc. Tôi nghĩ may mắn của mình chắc chỉ được đến đây là hết. Nhưng không ngờ trong một lần tác nghiệp tại Nha Trang, tôi có duyên gặp Đại tá Nguyễn Đức Vượng.

Anh ấy có hỏi tôi rằng “Anh Hùng còn dự định viết sách Trường Sa không?” Tôi không nhớ nổi mình trả lời như thế nào nữa… Chỉ nhớ là tháng 6/2014, tôi được cho phép tác nghiệp tại cụm đảo phía Nam Trường Sa” (cười lớn).

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 4

Ngày hè trên Đảo Sinh Tồn

“Sẽ viết sách về từng vùng miền Việt Nam”

Kể về những ngày tháng lênh đênh trên biển để đến với Trường Sa, Hùng nhớ: “Có những ngày tôi chỉ chuyền một ngày 2 chai nước biển cầm hơi vì ăn vào lại nôn mửa sạch... Việc lên xuống xuồng CQ nhỏ vô cùng nguy hiểm các thuyền viên luôn dặn dò, nhắc nhở chỉ cần một sai phạm nhỏ là đứt tay chân, hoặc rơi xuống biển.

Tôi cũng đã từng tác nghiệp tại nhiều vùng biển đảo mà cũng bị các chiến sĩ Trường Sa nhắc nhở nhiều lần. Việc phải làm là tuyệt đối tuân thủ các mệnh lệnh chỉ huy trên tàu cũng như khi vào đến đảo”, anh kể.

Bên cạnh đó, việc tác nghiệp trên biển nhiều ngày, gió muối cũng như nước biển là kẻ thù với ống kính vì chỉ một tích tắc sóng ập vào là hết đường… tác nghiệp.

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 5

Tuần tra trên biển

Đi nhiều, biết nhiều, phóng viên ảnh Hoàng Chí Hùng càng thêm say sưa với con người và mảnh đất Việt Nam. Anh tâm sự: “Tôi từng đi qua nhiều vùng đất, vùng nào tôi cũng có một cảm tình sâu sắc riêng biệt.

Khi đi đâu, tôi không chỉ lo chụp thật nhiều ảnh đẹp mà còn dành thời gian tìm hiểu cuộc sống, trải lòng mình với người dân địa phương. Thú thật ở nơi nào cũng có cái để mà nhớ. Bây giờ cứ mở từng hình ảnh đã chụp ra là tôi lại hồi tưởng về từng kỉ niệm vô cùng đáng quý, đáng yêu”.

Đến nay, Hoàng Chí Hùng đã sở hữu nhiều bức ảnh đẹp và “độc” về thiên nhiên và con người ở mọi miền tổ quốc, đặc biệt là “pho” ảnh vô giá về Trường Sa. Theo Hùng, điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời anh là việc có một gia đình êm ấm. “Bà xã và các con tôi luôn ủng hộ tôi, bởi vì họ biết đươc mơ ước của tôi. Nếu không chắc tôi cũng không có điều kiện để chạy lăng xăng như vậy”.

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 6

Hoàng Chí Hùng muốn lưu giữ mọi khoảnh khắc đẹp của con người, thiên nhiên Việt Nam

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm sau hành trình phượt xe liên tục 3 năm ròng trước đây, những chuyến đi sau, anh Hùng chỉ “dám” xin vợ chỉ đi mỗi lần 1 tháng. “Nếu bà xã bất ngờ có gọi thì đang ở phương nào tôi cũng “về ngay” (cười)”.

“Hiện tại tôi vẫn hoạt động cộng tác với nhiều báo, tạp chí nếu có sự kiện các tỉnh thì đến chụp ảnh tư liệu cho những cuốn sách sau này. Nguyện vọng lớn của tôi là sẽ viết sách về từng vùng miền Việt Nam. Đó cũng là con đường tôi đã và đang hướng tới”, Hoàng Chí Hùng tâm sự.

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 7

Quà của Biển Khánh Hòa

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 8

Qua Suối Dân Tộc Barna

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 9

Ruộng bậc thang Hà Giang

"Duyên - nghiệp" gắn với những cung đường Tổ quốc - 10

Cuốn sách “Sức sống Trường Sa” ra đời sau nhiều “chắt chiu” của Chí Hùng

 

 

Thu Hường – Lệ Thu

(Ảnh: NVCC)