“Đóng băng” vì… sống chung nhà với chủ

(Dân trí) - Sống chung trong nhà cùng chủ, sinh viên phải gạt đi nhiều thứ thuộc về cuộc sống riêng của mình. Xem ra, đó là môi trường cực kỳ thuận lợi để nuôi dưỡng sức ỳ cho sinh viên.



Sinh viên “kham” luật… gia chủ

 

Hầu hết nhà trọ của sinh viên thuê trên đia bàn TP HCM là ở chung trong tòa nhà với chủ. Thường là một căn phòng ở lầu trên trong căn nhà đó. Đã đi chung, ở chung cùng một hộ gia đình sinh viên cũng bị ràng buộc bởi những quy định chung của gia chủ.

 

“Hơn nửa năm nay em không ra ngoài vào buổi tối”, đó là lời khẳng định của Nguyệt, sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Sài Gòn. Con gái không đi đêm nghe rất ổn thế nhưng kiểu… ở nhà của Nguyệt nghe cũng đủ ớn. Chơi bời chưa nói, ngay đến muốn đi làm thêm, học thêm ngoại ngữ, hay bất kỳ các hoạt động nào của trường lớp tổ chức vào buổi tối, Nguyệt đều… miễn dịch. Lý do bà chủ nhà rất không thích người thuê trọ của mình đi quá 9 giờ tối. 


“Đóng băng” vì… sống chung nhà với chủ - 1

Ngoài giờ học, người bạn của Th chính là chiếc máy tính. (Ảnh: HN).


Quy định của chỗ trọ là 23 giờ mới đóng cửa nhưng buổi tối ai đi ra ngoài thì y như rằng sẽ được thấy bộ mặt nặng như chì của bà chủ nhà. Điệp khúc bác bị bệnh tim, tối cứ nghe tiếng lục cục là mất ngủ, rồi ở chung với chủ phải chịu khó… sinh hoạt cho hợp giờ giấc.

“Chính thái độ đó của chủ nhà làm mọi người ngại dần việc đi lại vào buổi tối. Mình ra vào phải qua phòng khách, lịch đi về đều bị họ nắm trong tay. Lại được nghe ca thán sức nào chịu cho nổi, tốt nhất việc gì cũng tranh thủ ban ngày, tối ở nhà cho lành”, Nguyệt nói.

 

Còn chị Hảo, chủ nhà nơi Thuận, ĐH Kinh tế TPHCM thuê còn áp dụng nhiều quy định khá ngặt đối với sinh viên thuê trọ. Nhà bốn tầng, ba tầng trên 6 phòng cho 12 sinh viên thuê. Sinh viên có lối sinh hoạt riêng với gia đình thế nhưng ở nhà chị tất cả đều được “quy về một mối”.

 

Từ giờ nấu ăn, giặt giũ, giờ ngủ nghỉ chị Hảo đều… ra quy định cho sinh viên tương ứng với giờ giấc của. Cứ 5 giờ 30 chiều, là cả xóm rậm rịch nấu ăn, tối 8 giờ giặt quần áo rồi cùng… nhau lên sân thượng phơi. Tối tầm 10 giờ bắt cả xóm tắt điện đi ngủ giữ sức khỏe.

 

“Ai làm trái giờ là chị ta khó chịu nói này nói nọ không tiếc lời. Gia đình họ ngủ sớm nên ép bọn mình giặt quần áo buổi tối để bọn mình không đi ra ngoài. Đến việc sử dụng máy tính trong phòng còn được chị ấy nhắc… ngồi máy tính ảnh hưởng đến mặt, lên mạng thì dễ hư”, Thuận nói.

 

Cuộc sống “đóng băng”

 

 

“Đóng băng” vì… sống chung nhà với chủ - 2

Nhiều bạn chọn thuê nhà cùng chủ vì có sự lo lắng, giúp đỡ của họ. Tuy nhiên, với một số chủ nhà lại tỏ ra quá khe khắt với các bạn trẻ, ép cuộc sống sinh hoạt theo nếp của những người lớn tuổi đã khiến một bộ phận sinh viên bị hạn chế sự giao lưu, cởi mở. (Ảnh minh họa: HN).


Chỗ trọ của Thuận, trước đây có nhiều bạn đi làm thêm vào buổi tối, sau 22 giờ mới về vì quy định trên giấy là 23 giờ mới đóng cửa. Chị ta ấm ức lắm, thế rồi chị ta nghĩ ra cách cứ giờ mọi người gần về là xách ghế ra trước cửa ngồi chờ. Cô cậu nào về đến nơi lập tức chị ta than ngắn thở dài: “Khiếp trời luôn, chị chờ em như mẹ chờ con. Tối nào cũng thế này chắc rồi chị đi vì hạ đường huyết. Em mà thương chị…”.

 

Cô cậu nào mà chẳng khiếp, cứ thế lần lượt từng người từng người xin nghỉ việc để tránh không “đụng” mặt hàng đêm với chị chủ. Tuyết, ĐH KHXH&NV vừa phải bỏ việc gia sư của mình cho hay: “Cả xóm toàn là sinh viên ưu tú mà tối nào cũng ru rú trong nhà, bọn em thành lù khù hết. Nhưng chỗ trọ này sạch sẽ, giá vừa phải lại gần trường nên vẫn chấp nhận thôi, được cái này mất cái kia mà”.

 

Sống chung với nhà chủ ở đường Bạch Đằng, quận Bình Tân, ngoài giờ đến trường, Th, ĐH Văn Hiến gần như giam mình trong phòng. Tính lười “xê dịch”, đi nhiều lại ngại chủ nhà nên càng ngày Thương càng ỳ ạch. Đến mức, giao lưu bạn bè cô cũng… ngại nốt.

 

Th nói: “Quy định là bạn bè được đến chơi nhưng thực tế đố ai dám đưa. Bạn đến chơi, chào thì nói nhiễu, làm ồn, còn im lặng đi thì kêu là hỗn. Thành ra em cũng ít bạn lắm. Người bạn thân nhất của em chính là chiếc máy vi tính đó. Đi về, vào phòng ôm máy tính là… khỏe người nhất”.

 

Th có máy tính còn đỡ, không ít cô cậu sinh viên khác tại, cũng vì chủ nhà khó tính nên cũng hạn chế tối đa, việc đi lại, giao lưu. “Ngoài giờ học chúng em về nhà nằm ngủ, thích đọc sách thì đọc, không thì thôi. Sinh viên vốn ỳ ạch đã đành, lại thêm ở với chủ không ỳ nặng mới lạ”, Liên, một nữ sinh ở khu trọ này cho hay.

 

Chính vì thế mà ở chỗ trọ này có những cô cậu đã là sinh năm hai, năm ba vẫn chẳng hề biết nổi con đường nào trong thành phố, ngoài đường từ nhà đến trường. “Hôm trước có bạn đi sinh nhật bạn về muộn, chủ nhà khóa cửa không cho vào phải ngủ ngoài hiên. Nói thiệt, thế ai còn dám đi đâu…”.
 
***

Khi chọn cuộc sống chung với chủ nhà nghĩa là bạn cũng đã phải tự chấp nhận những quy định riêng của gia đình họ. Với sự khe khắt như việc không cho sinh viên về sau 9h tối cũng sẽ tránh cho các bạn trẻ, nhất là các bạn gái khỏi những rắc rối xảy ra bên ngoài. Tuy nhiên, bạn vẫn có nhiều cách để tự mình thoát khỏi sức ỳ, bạn có thể gặp gỡ và trao đổi với chủ nhà để họ hiểu hơn nhu cầu của tuổi trẻ là cần được giao lưu, nếu buổi tối đó thực sự có ý nghĩa (hội trại của trường, giao lưu với các bạn sinh viên...) và cố gắng đảm bảo về đúng giờ, không ồn ào gây ảnh hưởng xung quanh.

 

 

Hoài Nam