Để thời SV luôn bùng cháy: Những kinh nghiệm "xương máu" (Kỳ 3)

(Dân trí) - Với những định hướng, kế hoạch và sự nỗ lực hết mình trong quãng thời gian sinh viên, họ đã nhận được các giá trị, bài học đáng quý.

Vũ Phương Thảo - Đại biểu SSEAYP 2013

 
Để thời SV luôn bùng cháy: Những kinh nghiệm xương máu (Kỳ 3)
 

Mặc dù tham gia nhiều hoạt động nhưng kết quả học tập của Thảo không hề bị ảnh hưởng – luôn nhận được danh hiệu SV xuất sắc của trường – do có sự chuẩn bị khá tốt.

 

Trước khi lựa chọn tham gia mỗi chương trình, Thảo thường lên kế hoạch, sắp xếp thời gian hợp lý. Có thời gian rỗi, cô bạn cũng tranh thủ đăng ký thêm các môn học.

 

Thảo chia sẻ: “Điều đáng quý các hoạt động mang đến cho em chính là kinh nghiệm sống và những người bạn. Mỗi hoạt động đặt em vào những tình huống khác nhau, có cơ hội tiếp xúc, làm quen các bạn mới. Từ đó, em học được rất nhiều kỹ năng, cách ứng xử, tác phong làm việc”.

 

Thảo cho rằng để thời sinh viên đẹp đẽ và đáng nhớ, điều cần thiết nhất là “hiểu được bản thân” – biết mình muốn, yêu thích điều gì. Theo Thảo, để làm được điều đó, mỗi người cần có ý thức tự lập trước.

 

“Tự lập đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự mình đưa ra các quyết định (học gì, làm gì, …) mà không có sự giúp đỡ hoặc làm hộ của một ai khác. Khi đó, ta sẽ thực sự hiểu bản thân mình thích và muốn gì”.

 

Thanh Tình – Top 7 Siêu thủ lĩnh 2013

 
Để thời SV luôn bùng cháy: Những kinh nghiệm xương máu (Kỳ 3)
 

Việc dấn thân vào nhiều hoạt động khiến cho Tình từng rơi vào tình trạng kiệt sức. “Khi ấy, mình vẫn trẻ, nhiều nhiệt huyết và sự ngông, luôn muốn cháy hết mình với tuổi trẻ, làm điều gì đó để tạo dấu ấn trong cuộc đời. Và nhiều khi mình đã quên sức khỏe bản thân, quên đi sự quan tâm đến gia đình”.

 

Nhưng qua lần trải nghiệm đó, không chỉ biết quý trọng sức khỏe – “giữ sức để chạy đường dài”, khái niệm về cuộc sống của Tình đã có nhiều thay đổi. “Thông qua những trải nghiệm, mình dần tìm ra cho mình khái niệm về sự thành công, thành công là trên con đường đi chứ không phải là đích đến! Cuộc đời một con người cũng vậy.

 

Tại sao phải chờ đến ngày đi đến đích vinh quang rồi ta mới cảm thấy hạnh phúc? Cuộc sống là ngay đây, giây phút này, ở hiện tại, bạn đang sống. Hãy sống vui ngay ở hiện tại. Vì bạn đang sống đó!”.

 

Tình chia sẻ, 4 năm vừa học tập vừa nỗ lực tham gia các hoạt động cộng đồng đã giúp bản thân trở nên vững vàng và trưởng thành hơn về tư tưởng và nhân cách.

 

“Đó là sự trưởng thành về việc tự ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Mình nghĩ: chúng ta có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta đang làm, mơ nhiều hơn những gì chúng ta đang mơ, chúng ta có thể có nhiều hơn là một công ăn việc làm ổn định và một cuộc sống ổn định; khả năng của con người là vô hạn, nên hãy mơ nhiều, nghĩ nhiều và làm nhiều hơn. Đừng giới hạn và tự thỏa mãn bản thân mình”.

 

Ngoài ra, đó còn là sự ý thức sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. “Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm của cá nhân trong gia đình, trong tổ chức – nơi mà mình hiện hữu; là việc trả ơn những người có công với mình hoặc báo đáp lại những người tạo cho mình cơ hội, cho lời khuyên, chỉ bảo”.

 

Nguyễn Thị Huyền - HV Ngoại giao

 
Để thời SV luôn bùng cháy: Những kinh nghiệm xương máu (Kỳ 3)
 

Do chưa biết cách sắp xếp, nên mặc dù tham gia hoạt động không chiếm dụng quá nhiều thời gian, Huyền vẫn khá bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, “lợi nhiều hơn hại” khi hành trình trải nghiệm ấy đã giúp cô SV thụ động và khép kín ban đầu trở nên năng động, tự tin, thậm chí biết cách để bản thân xinh đẹp hơn.

 

Huyền chia sẻ: “Sự thay đổi ở bản thân em đã khiến rất nhiều người phải ngạc nhiên, đặc biệt là các thầy cô, bạn bè cũ. Em đã làm cho mọi người đều phải công nhận rằng mình đã chọn lựa một môi trường đúng đắn để phát triển bản thân”.

 

Nhờ mối quan hệ thông qua việc tham gia chương trình, Huyền có cơ hội góp sức dự án của Bộ Du lịch tại sân bay Nội Bài. Cô bạn cho biết trong quãng thời gian còn lại của thời sinh viên sẽ tiếp tục tích cực tham gia các chương trình, nhưng có sự chọn lọc sự kiện ở quy mô lớn hơn.

 

Vũ Đức Trung: Top 5 Siêu thủ lĩnh 2014

 
Để thời SV luôn bùng cháy: Những kinh nghiệm xương máu (Kỳ 3)
 

Trong năm đầu ĐH, Trung luôn có những nỗi sợ vô hình: sợ bị người khác đánh giá, sợ làm sai, và hơn hết là nỗi sợ thất bại. Lúc đầu tham gia Bizlink, tiếp xúc với nhiều anh chị giỏi giang, Trung cảm thấy khá tự ti.

 

“Nhưng cũng từ đó, mình bắt đầu nung nấu ý định phải dấn thân và khẳng định bản thân hơn nữa. Gạt bỏ hết những nỗi sợ, Trung xung phong đảm nhận khá nhiều việc để học, trải nghiệm và tìm ra thế mạnh của bản thân ”, Trung chia sẻ.

 

Trung cho biết, qua mỗi lần tham gia, cậu lại tích lũy được thêm nhiều bài học quý giá. “Thái độ làm được (can – do - attitude) ngày càng lớn và mình trở nên xông xáo, chủ động hơn trong cuộc sống. Không tránh khỏi thất bại nhưng càng nhiều cú “ngã”, mình càng “lì” hơn và quyết tâm chứng minh bản thân càng cao”.

 

Do đó, Trung cho rằng đừng bao giờ đặt giới hạn cho bản thân. “Khi còn trẻ, không có quá nhiều thứ để mất, để đánh đổi, nếu tự đặt giới hạn và e ngại trước những thử thách thì tầm nhìn của ta sẽ cực kỳ hạn chế và mãi mãi chỉ có thể dậm chân tại chỗ trong khi bạn đồng trang lứa đã tiến rất xa.

 

Liệu ta có muốn trở thành một người bị bỏ lại phía sau? Cuộc sống luôn tồn tại quy luật đào thải cho những ai không có ý chí vươn lên và cố gắng, mình luôn giữ suy nghĩ đó làm động lực”.

 

Để có thể làm tốt được việc học và tham gia hoạt động, theo Trung, tùy từng thời điểm, tùy trường hợp sẽ có cách giải quyết và sắp xếp công việc khác nhau. “Mình nghĩ, không nên tạo rào cản cho bản thân, quan trọng là chính mình có muốn theo đuổi hay không”.

 

Trung chia sẻ, hoạt động trong 4 năm đã giúp cậu bạn tìm ra đam mê của bản thân trong việc quản lý nhân sự và phát triển con người, đồng thời tích lũy những kỹ năng, thái độ sống đúng đắn. “Trong đó, Trung tâm đắc nhất là kỹ năng lãnh đạo. Lãnh đạo cuộc sống bản thân thật vững mới có thể lãnh đạo được người khác”.

 

Hoài Thư