“Khóc cười” chuyện SV ở kí túc xá:

Đảo lộn thói sinh hoạt, vụng trộm bữa liên hoan (P1)

(Dân trí) - Kí túc xá (KTX) từ lâu đã trở thành lựa chọn của nhiều SV xa nhà. Tuy đã qua tuổi “hồn nhiên học trò” nhưng nhiều bạn vẫn luôn vướng phải những câu chuyện dở khóc, dở cười khi bắt đầu làm quen với cuộc sống mới trong môi trường tập thể.

Bước vào cuộc sống xa nhà, một sinh viên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh phải làm quen với cách học mới tại trường đại học, làm quen với những người bạn từ nhiều vùng miền, bạn còn phải lựa chọn một nơi ở phù hợp với sở thích cũng như điều kiện của bản thân.

Bạn N.T.N.Nga (SV năm cuối một trường Sư phạm tại Hà Nội) cho biết: “Mình lựa chọn ở KTX từ khi là sinh viên năm nhất. Cuộc sống tập thể giúp mình làm quen với cuộc sống xa nhà nhanh hơn, biết được nhiều thông tin hơn, làm quen được nhiều bạn hơn. KTX có nội quy rõ ràng nên mình thấy các sinh hoạt nề nếp hơn và cảm thấy an toàn hơn.”

Đảo lộn thói sinh hoạt, vụng trộm bữa liên hoan (P1) - 1

Các khu KTX khang trang đón đợi SV trở lại nhập trường và cả những tân SV thời gian tới.

Từ thay đổi thói quen sinh hoạt

Mỗi người một tính, thói quen chưa kể phong tục, tập quán khác nhau nên ở môi trường tập thể như KTX,  sự “lệch pha” đó dẫn tới nhiều va chạm không đáng có.

Bạn N.P.Thanh (sinh viên năm 3 ĐH Ngoại thương) cho biết: “Trong phòng KTX của mình có một bạn hơi kỹ tính và sinh hoạt cực kỳ nề nếp. Phần lớn mọi người quen thích thức khuya và dậy muộn, bạn ấy lại ngủ sớm dậy sớm.

Trái ngược về giờ giấc sinh hoạt nên khá là bất tiện, nhiều lúc xích mích nhau chỉ vì mỗi chuyện giờ giấc. Sau dần mọi người cũng phải quen, người thức phải tập làm việc trật tự để không làm phiền người ngủ. Nhiều lúc cứ phải đi lại rón rén buồn cười lắm”.

Sinh viên ở KTX, khi ở với nhau một thời gian dài thường có xu hướng “người thân hóa”. Mọi đồ đạc bắt đầu được sử dụng chung, đây cũng là vấn đề gây ra khá nhiều chuyện đau đầu.

Bạn P.T.L.Anh (trường Ngoại ngữ) chia sẻ: “Mình không thích bị đồ đạc bị đem ra dùng chung nhưng lại luôn ngại nói ra, các bạn trong phòng lại nghĩ mình hẹp hòi ích kỷ. Từ dầu gội đầu tới khăn đều có thể bị người khác mượn tạm. Vậy nên mỗi lúc thấy đồ đạc bị xáo trộn là mình toàn tự ôm bụng tức”.

…đến “lách” nội quy kí túc

Bạn P.T.L.Anh tiết lộ thêm: “Ở KTX khó khăn nhất là chuyện nấu ăn. Vốn dĩ nội quy quy định sinh viên không được nấu ăn trong phòng nhưng bọn mình ăn cơm bụi lâu cũng chán nên đành “phạm quy” một chút.

Lúc đi chợ thì toàn phải đeo balo để tránh bị phát hiện, khi nấu ăn mọi người phải cắt cử một đứa đứng ra hành lang để canh chừng ban quản lý có thể lên kiểm tra. Đứa khác thì phải lo quạt không cho mùi ám vào phòng.

Nhưng có lần đang “hành nghề” thì bị các bác tóm được, thu hết nồi còn bị phạt viết bản kiểm điểm nữa làm cả phòng khóc tiếc mất cả chiều”.

Đảo lộn thói sinh hoạt, vụng trộm bữa liên hoan (P1) - 2

Một bữa liên hoan “vụng trộm” của SV trong KTX.

Giờ “giới nghiêm” là một trong những điều “công dân” KTX luôn dè chừng nhất vì chỉ một chút ham chơi là có thể cả đêm đó sẽ “không có chỗ trú chân”.

Bạn D.T.Thủy (sinh viên năm 2 chuyên ngành tài chính) chia sẻ: “Mỗi lần mình ra ngoài đều phải để ý đồng hồ liên tục vì sợ bị khóa cổng kí túc thì rất phiền. Có lần mình đi sinh nhật về muộn, nhìn đồng hồ thấy sắp đến giờ giới nghiêm, mình phải co cẳng chạy như bay về.

Lúc về đến nơi vừa kịp còn 2 phút là đóng cửa, mình thở không kịp luôn. Lần đấy là may, có lần đi xem phim về muộn, cổng khóa rồi nên mình phải năn nỉ gãy lưỡi, các chú bảo vệ mới mở cửa. Nhưng đấy chỉ là một cửa ải thôi vì mình còn cần vượt qua được cả ải cổng khu nhà nữa.

Sau chỗ đó bọn mình tạo ra một lối đi vào bí mật để phục vụ những lần như thế. Nhiều khi nghĩ lại thấy vui lắm”.

Ngoài “giờ giới nghiêm” thì “luật bất thành văn” là điều không thể thiếu đối với những SV kí túc. Những “đạo luật” như “vào không quà, ra không quần”… đều trở thành điều quá quen thuộc mà sinh viên KTX thường trêu nhau.

Phái nữ thì thường “đòi” người mới ô mai, hoa quả, anh em phái mạnh thì thường lén lút mang rượu ra để đo độ bản lĩnh hay chào đón nhau.

Bạn N.D.T. Cường (sinh viên năm 4) thừa nhận: “Nội quy KTX là không được uống rượu hay tụ tập bạn bè quá đông trong phòng nên bọn mình có uống cũng toàn phải lén lút.

Có lần đang uống ngà ngà thì bị các bác quản lý “đánh úp” thế là mình và một bạn phải ôm hết rượu và đồi nhậu vào nhà vệ sinh để trốn. Các bác quản lí biết hết mánh của sinh viên nhưng tâm lí, đôi lúc cũng cho qua hay chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi”.

Với sự quan tâm của lãnh đạo các trường ĐH, KTX nhiều trường hiện nay đã được cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ. Những câu chuyện về “chuột không sợ người” hay đột ngột mất nước, mất điện giữa cao điểm nắng nóng cũng dần trở nên …”bớt nóng”.

Tuy nhiên với một số người, những sự cố này cũng trở thành kỷ niệm khó quên. Bạn N.T.Trà (sinh viên năm 3 HV Tài chính) chia sẻ “Đáng kể nhất là những ngày nắng nóng mùa hè. Có những ngày kí túc mất nước, cả phòng phải mua cả nước đóng bình để dùng.

Bây giờ KTX cũng có phòng điều hòa nhưng phần đông là không có. Những ngày nắng nóng cao điểm, buổi đêm thời tiết vẫn vô cùng ngột ngạt. SV kí túc không có cách gì chống nóng bằng việc tắm thật nhiều lần, buổi tối hò nhau dội nước ra sàn, nghịch ngợm tung tóe rồi đến đêm chuyển hết xuống nền nhà cho dễ ngủ”.

Còn bạn H.T.Nhã (một cựu sinh viên) nhớ lại: “Mình sợ nhất là chuột. Có những đêm chuột chạy khắp cả phòng, chạy cả qua đầu mình, hay còn cắn cả chân bạn cùng phòng mình.

Phòng thì toàn phận nữ nhi, mỗi lần chặn đánh một con chuột thì đồ đạc loạn hết lên như vừa có động đất vậy. Thời gian sau không còn nhưng những con chuột vẫn không thể đi ra khỏi kí ức của mình được”.

 

(còn nữa)

 

Phạm Ngọc