"Đại ca" xóm trọ

(Dân trí) - Vừa đặt thùng đồ xuống phòng, chưa kịp thở, Quang đã thấy có một cậu bên phòng ngó vào, nói nhỏ: “Chiều nay sang phòng số 2 “làm lễ” đi”. Sau một hồi ngơ ngác, Quang cũng hiểu "ma mới" phải qua màn “chào hỏi” “đại ca” xóm trọ...

Muôn kiểu “hành” “quân”

Là sinh viên trường ĐH, bị đuổi học từ cuối năm thứ 2 nhưng giấu bố mẹ nên T vẫn bám trụ lại Hà Nội như một sinh viên năm cuối. Vẻ bề ngoài ngổ ngáo, hàm hố, đầu trọc, mặt đầy sẹo của T đủ làm nhiều người khiếp sợ khi nhìn thấy cậu. T đi đến đâu là trở thành nỗi ám ảnh của sinh viên sống nơi đó.

Hiện T đang là “thủ lĩnh” tại một xóm trọ sinh viên gồm 7 phòng ở Quan Hoa (Cầu Giấy). Gần hai mươi sinh viên ở đây, ai cũng “được” chia phần việc “phục vụ” T. Riêng tiền phòng, tiền điện, nước của T, mỗi người xóm trọ “gánh” khoảng 30.000 đồng/tháng. Ngoài khoản này ra, T không bao giờ xin tiền mặt của ai. Nhưng quần áo tắm xong, T lại ném cho cậu em nào đó giặt hộ anh. Rồi chuyện ăn uống, T cũng “gửi”: “Nấu hộ anh hôm nay” luân phiên từ phòng này sang phòng khác.

Nổi tiếng vì “thành tích” chém người rồi bị đình chỉ học 2 năm, Nhân, ĐH M (Hà Nội) đi đến đâu cũng mang theo mác “đại ca”. Ở xóm trọ trên đường Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) lời nói của Nhân như trở thành một mệnh lệnh, gần như không ai được lên tiếng góp ý.

Nhân thích “hành” các em theo kiểu rất trớ trêu. Em nào không uống được rượu thì có dịp tụ tập Nhân lại “chỉ định” người đó bắt uống đến say nhèm. Những sinh viên mà trong mắt Nhân là mọt sách, chăm chỉ thì lâu lâu cậu lại nhờ “chú” giúp anh đi “trị” thằng này. Lúc đó, đố ai nói lời từ chối.

Nhân lại mê lô đề. Cậu ghi không nhiều, mỗi con chỉ vài nghìn nhưng ngày nào cũng ghi. Nhân ghi xong  lại lần lượt bắt từng người xóm trọ “thanh toán” cho mình với kiểu “xin đểu” nhẹ như lông ngỗng: “Anh ghi con đề 5.000, chú “bao” anh”. Ai có nhỡ hết tiền cũng phải chạy đi vay để “cống” cho Nhân.

Không chỉ con trai mới làm “đại ca” không ít nữ sinh “lộng hành” thường là theo kiểu “nhờ vả”. Vân, năm hai ĐH VH cho biết: “Xóm trọ của mình có chị năm cuối trường X., có đông bạn bè là dân giang hồ, tính như con trai, sẵn sàng “tung tay, tung chân” vào mặt người khác. Chị ấy chẳng mua sắm gì, cái gì cũng “dùng nhờ”. Cứ vài hôm lại “điều động” vài em dọn phòng”.

“Nhịn” để sống

Ở nhiều xóm trọ, hiện tượng những “đàn anh, đàn chị” đang là nỗi lo hàng ngày của nhiều sinh viên. Nhưng trong điều kiện nhà trọ khan hiếm, đắt đỏ không phải cứ không thích ở là có thể chuyển đi nơi khác nên nhiều người phải chấp nhận “sống chung” với “anh chị”.

Năm ngoái, có cậu sinh viên trường ĐH Y chuyển đến chỗ trọ của T. Cậu không chịu khoản 30.000 đồng tháng tiền phòng cho T. Thế là bị T "tẩn" cho một trận thừa sống thiếu chết, mấy cậu trong xóm trọ phải lên tiếng xin hộ. T còn bắt cậu sinh viên này quỳ gối xin lỗi trước cho phép mấy người trong xóm đưa cậu ra trạm Y tế băng vết thương. Sau lần đó, chẳng ai dám ngo ngeo có ý chống đối T.

Quang, ĐH Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) cũng không may đến ở tại xóm trọ ở làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) có M, sinh viên trường CĐ G mang danh “đại ca”. Ngày đầu chuyển đến, đặt thùng đồ xuống phòng, chưa kịp thở, Quang đã thấy có một cậu bên phòng ngó vào, nói nhỏ: “Chiều nay sang phòng số 2 “làm lễ” đi”. Sau một hồi ngơ ngác, Quang cũng hiểu "ma mới" phải qua màn “chào hỏi” “đại ca” xóm trọ...

Dù đã vay tiền bạn để nộp tiền nhà, Quang lại phải vay bạn mới ở xóm trọ tiền để “làm lễ” cho anh M. Đó là một bữa nhậu bí tỉ có mực, bia.

Quang nói: “Anh ấy sai gì tốt nhất cũng im lặng mà làm nếu không muốn bị gây sự. Nhiều lúc ấm ức nhưng mình cũng đành nhịn để được yên thân”.

Không chịu được “bà chị” năm cuối trường X., có mấy người ở xóm trọ của Vân đã chuyển đi nơi khác. Nhưng vì giá phòng ở đây rẻ, tìm được nơi khác không dễ nên nhiều người vẫn phải “nhịn” mà sống chung.

“Sống mà lúc nào cũng căng thẳng, lo sợ vì nhỡ phật ý với chị ấy là có chuyện ngay. Ấm ức lắm nhưng nghĩ đến đám bạn giang hồ của chị ấy là sợ. Ai cũng muốn được yên ổn nên im lặng giữ mình chứ không dám lên tiếng” - Vân tâm sự.

Mạnh Hùng, ĐH Sư phạm kể: “Mình có người bạn cùng lớp sống ở xóm trọ có “đại ca” cũng là sinh viên có “tiền án, tiền sự”. Hắn suốt ngày mượn mọi người điện thoại để gọi điện, mượn xe máy để đi mà chẳng ai làm được gì. Xăng đắt đỏ, đứa bạn mình gửi xe máy về quê đi xe buýt thế là cũng bị tẩn cho một trận vì tội “sợ anh mày mượn xe”. Đến giờ bạn mình đang ở nhờ bạn bè, chờ tìm chỗ ở mới mà không dám quay về lấy đồ đạc”.

Hoài Nam