Trung Quốc:

“Cơn sốt” làm ăn trên mạng của sinh viên

(Dân trí) - Trong thời gian chuẩn bị tốt nghiệp đại học vào tháng 6, Yang Fugang đã sử dụng hầu hết thời gian của mình để quản lý một cửa hàng trực tuyến chuyên bán mỹ phẩm, dầu gội và những hàng hóa khác mà Yang vẫn thường mua lại từ các nhà máy địa phương.

“Cơn sốt” làm ăn trên mạng của sinh viên - 1

Chàng sinh viên Yang Fugang sở hữu một gian hàng trực tuyến trên trang Taobao.com
 

Hiện nay, cửa hàng của Yang trên Taobao.com, trang web bán hàng trực tuyến phát triển nhanh nhất Trung Quốc đã có 14 nhân viên, 2 kho hàng và nguồn lợi nhuận không nhỏ.

 

“Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi có thể làm điều này tốt như vậy”, Yang, sinh viên 23 tuổi cho biết. Hồi năm ngoái, Yang đã kiếm được 75.000 đôla. “Tôi đã bắt đầu bằng việc bán những tấm đệm tập yoga và hiện thì tôi bán nhiều đồ trang điểm, mỹ phẩm. Lợi nhuận đang ngày một cao hơn”.

 

“Cơn sốt” Taobao đã quét qua trường của Yang, Đại học công nghiệp và thương mại Yiwu. Các nhà quản trị cho biết ¼ trong số 8.800 sinh viên theo học tại đây hiện đang sở hữu một cửa hàng trên Taobao và quản lý nó từ kí túc xá của trường.

 

Trên khắp Trung Quốc, hàng triệu người, bao gồm sinh viên đại học tốt nghiệp, các chủ cửa hàng và những công chức về hưu đều sử dụng Taobao để bán quần áo, điện thoại di động, đồ chơi và bất kể thứ gì họ có thể tìm thấy ở các cửa hàng lân cận, các khu chợ bán buôn hoặc thậm chí là hàng lậu tuồn ra từ các nhà máy.

 

Các chuyên gia mạng nói rằng thị trường “bùng nổ” này khiến người ta nhớ lại những ngày đầu của eBay, khi người Mỹ bắt đầu lao vào các cuộc đấu giá  trực tuyến. Taobao đã trở thành trang trực tuyến  được yêu mến chưa từng có ở Trung Quốc.

 

Mặc dù chỉ ra đời được 6 năm nhưng Taobao (theo tiếng Trung Quốc có  nghĩa là “để tìm kiếm kho báu”) đã có  120 triệu người đăng kí sử dụng và 300 triệu sản phẩm được trao đổi mua bán. Các chủ cửa hàng hồi năm ngoái đã thu được 15 tỷ đôla nhờ vào trang web này.

 

Công ty sở hữu Taobao khẳng định việc bán hàng trên website này đã lớn hơn bất kì một cửa hàng bán lẻ của Trung Quốc nào. Và các chuyên gia phân tích mạng cho biết trong năm nay, dự kiến doanh thu của website này sẽ vượt mặt Amazon.com với 19 tỷ đôla.

 

Giống như eBay, Taobao không tự bán bất cứ thứ gì, đơn giản nó chỉ là sân chơi cho những người mua và  những người bán. Taobao nhanh chóng có được chỗ  đứng vững chắc ở Trung Quốc bởi vì nhiều vùng của đất nước rộng lớn này vẫn còn hệ thống giao thông nghèo nàn và một số chính quyền địa phương tư lợi bằng cách mở các cửa hàng riêng và hạn chế hệ thống bán lẻ của người dân.

 

Thêm nữa, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến hàng hóa của các nhà máy không thể xuất khẩu ra thế giới được. 

 

Nguồn hàng dồi dào có sẵn, thị phần rộng lớn, những người được gọi là “nghiện Taobao” đang kiếm lợi thực sự từ sự u ám của nền kinh tế, trong đó có giới sinh viên đã ra trường.  “Tôi không thể sống mà không có Taobao được”, Zhang Kangni, một sinh viên tốt nghiệp ở Thượng Hải cho biết. “Đầu tiên phải nói là giá rẻ hơn. Tôi từng nhìn thấy một chiếc váy ở một cửa hàng tại Thượng Hải. Nó mang nhãn hiệu Hong Kong được bán với giá 175 đô la. Nhưng trên Taobao, tôi tìm thấy một chiếc như thế chỉ có giá 33 đôla”.

 

Lý do Taobao phát triển mạnh, theo môt chuyên gia phân tích mạng, là bởi vì mọi người không cần nhiều vốn đầu tư để bắt đầu có những cửa hàng trực tuyến. Năm ngoái, Taobao cho biết đã giúp tạo ra nửa triệu công ăn việc làm mới, phần lớn trong số giới trẻ mở các cửa hàng trực tuyến mới.

 

Bao Yiffen, 23 tuổi, một sinh viên vừa mới tốt nghiệp đã mở shop thời trang với khoản đầu tư 5000 đôla vào năm 2007. Hiện nay, cửa hàng trên Taobao mang lại cho cô khoảng 4000 đô la mỗi tháng.

 

“Ba lần một tuần tôi đến khu chợ bán buôn”, Bao nói “Đó là một chợ lớn. Khoảng 70 đến 80% hàng hóa ở đây là hàng thừa của nhà máy. Ở đây cũng có một vài nhãn hiệu, nhưng họ chỉ cắt mác hàng ra”.

 

Phó hiệu trường của trường học, Jia Shaohua chỉ ra một số khu vực được thiết kế riêng như một website khởi nghiệp dành cho các sinh viên muốn làm giàu. Ông chỉ rõ cho sinh viên cách làm các đơn đặt hàng trên máy tính, đóng gói sản phẩm, phân loại hàng tồn kho và chụp ảnh các loại hàng để đưa lên mạng, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng “Xung quanh trường học hiện nay, có một dây chuyền công nghệ Taobao đúng nghĩa”.

 

“Sinh viên không cần quá nhiều tiền”, ông Jia cho biết “Họ chỉ cần nhận đơn đặt hàng và đi tìm loại hàng đó trong các nhà máy địa phương”.

 

Yang, sinh viên chuyên bán mỹ phẩm trên mạng đã trở thành một biểu tượng anh hùng được sự ngưỡng mộ trong trường học này. Yang làm việc trong những kho bãi riêng cách trường học vài mét, đó là tầng hầm của hai tòa nhà chung cư.

 

Yang khẳng định việc kinh doanh không thể tốt hơn nữa “Sắp tới, tôi sẽ cố gắng đạt mức lợi nhuận 150.000 đôla mỗi tháng”, Yang nói và mỉm cười một cách tự tin, đầy mãn nguyện.

 

Võ Hiền

Theo New York Times