Con đường duy nhất thay đổi cuộc sống của Lâm...

(Dân trí)- “Ngoài việc phụ mẹ lúc mẹ chạy chợ, thì tớ quyết tâm học tập cho mẹ vui lòng. Tớ nghĩ đó là con đường duy nhất thay đổi cuộc sống, và giúp mẹ bớt khổ”, Lê Thanh Lâm - Huy chương đồng Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2007 bật mí.

Nhiều người đã biết tới Lê Thanh Lâm, 11A3 PTTH Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng, không chỉ với niềm đam mê Vật lý đã phát minh ra chiếc máy gieo hạt - Huy chương đồng thứ 2 Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2007, mà cậu còn được nhắc đến như một tấm gương sáng về một đứa con ngoan hiếu thảo.

Thành quả đầu tiên của cậu học trò nghèo đam mê sáng tạo là tấm huy chương đồng Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần 2 năm 2006. Để rồi một năm sau, Lâm đoạt tiếp tấm Huy chương đồng thứ 2 với sản phẩm chiếc máy gieo hạt. Thành công nối tiếp thành công và nuôi nấng cho những ước mơ cao hơn với niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ.
 
"Cắn răng cũng phải lo cho nó đi học"

Có đến tận nhà Lâm trong khu lao động nghèo thuộc phường Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng mới hiểu câu nói “nhà thuộc diện cực kỳ khó khăn” của thầy Đặng Trần Duy Tân, bộ môn Thể dục khi kể về gia cảnh cậu học trò của mình. Căn nhà cấp 4, mái tôn xập xệ, nền đất tráng lớp xi măng mỏng. “Mùa nắng thì còn chịu nóng được, còn mưa tới thì chỗ này dột, chỗ kia nát. Một phần nhà đã bị hỏng từ sau cơn bão số 6 cách đây gần 2 năm rồi mà không cách gì sửa sang lại được.

“Đời mình ít chữ nghèo rồi, cắn răng thế nào cũng ráng lo cho con cái ăn học, mai sau tụi hắn bớt khổ”- bà Dương Thị Lan, mẹ Lâm bộc bạch.

Ba mất, một mình mẹ Lâm lo chạy chợ, làm đủ thứ nghề rồi kiếm một chân phụ hồ, “ai cần thì người ta kêu” kiếm từng đồng lo cơm gạo, nuôi hai anh em Lâm ăn học. Cũng có lúc tưởng chừng quỵ ngã vì sức khoẻ suy sụp theo cái nghề phụ hồ dầm mưa dãi nắng nhưng mẹ Lâm cũng gắng gượng để “ráng lo cho con”. Anh trai Lê Thanh Phương đang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q. Sơn Trà. Lâm học lớp 11 trường PTTH Hoàng Hoa Thám, 10 năm liền trước đều là học sinh khá, giỏi. Lâm tâm sự: “Biết nhà mình khó. Ngoài việc phụ mẹ lúc mẹ chạy chợ bán buôn, thì tớ quyết tâm chăm chú học tập cho mẹ vui lòng. Tớ nghĩ đó là con đường duy nhất thay đổi cuộc sống, và giúp mẹ bớt khổ”.

Miệt mài, lang thang... tìm linh kiện
 
Từ nhỏ, Lâm đã ưa mày mò máy móc, hễ thấy ở đâu cái ôtô điều khiển từ xa hay đồ chơi robot hỏng hóc người ta bỏ đi, Lâm gom về nhà, tháo ra, lắp vào, nghiên cứu rồi sửa máy hoạt động cho bằng được.

Ngoài giờ học bài ở trường, rảnh là Lâm lại lang thang… tìm linh kiện chế tạo, nhỏ thì làm đồ chơi, lớn dần lại quay sang nghiên cứu máy móc. Xem ti –vi thấy thông báo phát động cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, Lâm mạnh dạn đăng ký dự thi. Lang thang… chợ trời ngắm nghía tìm linh kiện, tích cóp được đồng nào là Lâm chạy vội đi sắm từng món. Mẹ Lâm cũng “biết hắn mê mà cái này cũng giúp ích cho việc học” nên cũng ráng chạy cơm gạo dư đồng nào là “dúi” cho con.

Hơn 3 tháng trời miệt mài tìm cho đủ linh kiện rồi nghiên cứu lắp rắp, cuối cùng con robot cắt cỏ điều khiển bằng tay cũng hoàn thành. Lâm còn nhớ “Cảm giác lúc làm xong sản phẩm, mừng không tả nổi”. Con robot có thể cắt cỏ ở mọi tư thế, hoạt động nhờ nguồn điện giảm áp từ 220V xuống còn 12V của Lâm đã đoạt Huy chương đồng năm 2006. Có chút tiền thưởng dành dụm được, vừa nghỉ hè năm 2007 Lâm đập ống heo, lại mày mò nghiên cứu làm sản phẩm dự thi, lần này là cái máy gieo hạt tự động điều khiển bằng tay.

Máy chạy đến đâu thì thanh tạo rãnh tự động xẻ rãnh và gieo hạt đến đó. “Tiếc là trong nội vi thành phố không đủ linh kiện nên không thể chế tác chiếc máy gieo hạt điều khiển tự động từ xa như mong muốn”. Nhưng có duyên với chiếc Huy chương đồng, năm 2007, Lâm lại đem về bộ sưu tập thêm một chiếc nữa từ cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và nhận thêm chiếc Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
 
Lần này nhận được 3 triệu đồng tiền thưởng của Ban tổ chức Cuộc thi cộng với hơn 1 triệu tiền thưởng của Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật TP. Đà Nẵng, Mẹ Lâm lập tức quyết định đem số tiền này sắm cho con máy vi tính. Có “tài sản quý”, Lâm lại nghiên cứu, mượn sách vở của thầy cô, bạn bè, mày mò học lập trình phần mềm. Say mê máy móc mở tiếp niềm đam mê đối với lĩnh vực Công nghệ thông tin trong Lâm. Cũng vì đó mà ước mơ của Lâm là thi đỗ vào khoa CNTT của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
 
"Nuôi" mơ ước lớn hơn

Trao đổi với chúng tôi, Lâm cho biết em có biết về cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” của Báo Khuyến học và Dân Trí qua thông tin trên trang báo điện tử Dân Trí (dantri.com.vn) và nuôi niềm hi vọng một ngày sẽ đủ khả năng sáng tạo ra sản phẩm tham dự cuộc thi này. “Nhưng trước mắt là em tập trung cho các môn học và các kỳ thi ở trường, thi đậu Đại học để có điều kiện nhiều hơn theo đuổi niềm đam mê sáng tạo”.

Khánh Hiền