Cô gái Pháp yêu sơn mài Huế

(Dân trí) - Nhìn Julia Jarrot thoăn thoắt “họa” những nét sơn mài Huế lên bảng gỗ, ít ai nghĩ được cô gái Pháp vừa mới 20 tuổi chỉ vừa trải qua hơn 60 ngày học hỏi cùng các giáo viên trong bộ môn Sơn mài truyền thống, ĐH Nghệ thuật Huế.

Đam mê không biên giới 

Đến Huế đầu năm 2010 theo lời chỉ dẫn bạn bè và thầy cô giáo, Julia (sống ở thủ đô Paris, Pháp) xin học 2 tháng ở khoa Sơn mài truyền thống của ĐH Nghệ thuật Huế.

“Tôi chọn Huế vì tại đây có một lịch sử về tranh sơn mài nổi tiếng nhất Việt Nam. Nhiều thầy cô đã nói với tôi về một hệ sơn mài rất kỳ thú tại đất cố đô. Suy nghĩ và chuẩn bị mọi tư trang trong vài tuần, tôi đã lên máy bay đến Huế” - Julia tâm sự rất đơn giản về đam mê của mình.

Cô gái Pháp yêu sơn mài Huế - 1
Julia Jarrot bên cạnh các dụng cụ treo tường (mobil) độc đáo bằng sơn mài.

Những ngày làm quen với dụng cụ sơn mài tự nhiên như lá cây, vỏ điệp ở ĐH Nghệ thuật Huế làm Julia khá bỡ ngỡ. “Toàn bộ vật tạo màu sơn mài tôi chưa một lần thấy trong các xưởng pha chế sơn mài tại Pháp. Ở Huế dùng chất liệu truyền thống nên đòi hỏi người họa sĩ ngoài khâu vẽ, còn phải tự bào chế vật liệu rất công phu và mất thời gian” - cô gái Pháp lý giải.

Tuy nhiên khi đã quen rồi, thì Julia như “nghiện” vì chính những lần pha chế phá cách, cô đã cho ra nhiều màu mới óng ánh mang sắc Huế pha trộn với bảng màu châu Âu. Cộng với cường độ làm việc ngày đêm nên đến ngày chia tay với trường, cô đã cho ra đời 18 bức tranh và 13 mobil (vật treo tường) hoàn toàn bằng màu sơn mài “mới” do cô tạo ra.

Cô gái Pháp yêu sơn mài Huế - 2
Những mobil ngộ nghĩnh.

Liên tục học hỏi kinh nghiệm bạn bè trong lớp và hay đi thơ thẩn một mình để cảm nhận, Julia đã hiểu ra ý niệm sơn mài không đơn giản là kỹ thuật mà còn phải “thổi hồn” vào tác phẩm bằng chính con tim mình. Cô đã vẽ nhiều tranh có chủ đề rất Huế, làm nhiều người xem “lầm tưởng” đây là tranh của một người Huế chính gốc.

Thầy Nguyễn Đức Huy, người hướng dẫn trực tiếp Julia ở trường, cho biết: “Nếu sinh viên bình thường, chỉ làm được 1 đến 2 bức sơn mài mỗi tháng. Duy có Julia đã làm với tất cả khả năng và tình yêu sơn mài Huế để tạo ra quá nhiều tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc”.

Tình yêu sâu đậm với sơn mài Huế

Trong số 18 bức tranh chủ yếu là khổ vuông, Julia đã thể hiện cảm xúc rất Huế thật rõ nét từ những bông hoa sen hồ Tịnh Tâm, chú thằn lằn hay chắt lưỡi nhìn cô lúc sáng tác một mình trong đêm; mô típ cổ ở đền đài lăng tẩm vua chúa, chữ thọ, quả khế, con thỏ, con ong... Tất cả đã được cô nhúng vào trong từng tầng lớp bức tranh tạo nên một sự kỳ lạ cho người xem.

Màu sắc cung đình triều Nguyễn như vàng, đỏ được cô kết hợp nhuần nhuyễn với tông màu tối, u buồn xứ Huế. Nhìn kỹ tranh của Julia mới thấy có rất nhiều khói trắng từ nhang, khói lam chiều, sắc màu trắng như xà cừ làm nổi bật điểm nhấn mà cô muốn truyền tải cảm xúc. Đặc biệt nhất, cô đã khắc nổi được bản vẽ, một kỹ thuật mà người chuyên về sơn mài phải mất ít nhất 1 năm mới làm được.

Cô gái Pháp yêu sơn mài Huế - 3
Đại Nội Huế cổ kính có tông màu buồn rất Huế.

Trong số nhiều tác phẩm, Julia đã dồn hết tâm huyết vào bức sơn mài có tên Việt Nam. Đặc biệt hơn, cô đã “sáng tạo” bằng cách in lên tranh nhiều tấm ảnh kỷ niệm chụp tại Hà Nội, Sa Pa, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Huế. Tất cả tràn ngập kỷ niệm về một Việt Nam đáng yêu dưới con mắt một sinh viên người Pháp.

Cô gái Pháp yêu sơn mài Huế - 4
Julia tâm đắc nhất tác phẩm Việt Nam.

Julia đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật Lyon, trường Mỹ thuật công nghiệp Paris ở 2 chuyên ngành mỹ thuật và thiết kế nhưng lòng ham học hỏi không bao giờ tắt trong tâm hồn cô gái trẻ này. Cô thổ lộ: “Chỉ 2 tháng là quá ít, tôi sẽ dồn tiền bán được từ tranh mình về thăm và học thêm một khóa dài ngày hơn tại Huế với những họa sĩ có tiếng nhưng chưa bao giờ được gặp”.

Được biết, hiện Julia có một xưởng vẽ riêng tại Paris chuyên thiết kế những vật dụng sơn mài khổ lớn với duy  nhất 1 nhân viên là chính cô. Ngày về Pháp, Julia đã xách theo một tá vật liệu sơn mài tự nhiên mới mua tại Huế.

Cô gái Pháp vui vẻ tâm sự “Tôi sẽ vẽ hết số màu này bên Pháp. Và sẽ về lại Huế, triển lãm toàn bộ tác phẩm mang hơi thở xứ sở các bạn. Tôi hy vọng sẽ được tham dự cùng các nghệ sĩ Pháp tại Festival Huế 2012”.

Bài và ảnh: Đại Dương