Cô gái chạy thận yêu đời, yêu người

(Dân trí) - Quỹ thời gian của mỗi người đều có hạn, thời gian của bệnh nhân chạy thận lại càng ít ỏi hơn. Nhưng những tháng ngày mà cô gái 25 tuổi Phương Nhung trải qua thì không vô ích. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày cô chia sẻ tình yêu thương với mọi người.

“Nghề tay trái”

“Ôi, em được đăng báo sao? Hay quá! Thế là em đã làm được một việc để bố mẹ có cái tự hào về em. Lâu nay em bệnh tật chẳng làm được gì cả, chỉ “đốt tiền” của bố mẹ thôi.” - Phương Nhung thốt lên với cái giọng hồ hởi “cố hữu” khi biết bài viết nhỏ của cô được đăng báo.

Hồi phổ thông, Nhung luôn là học sinh giỏi văn. Cô có thói quen viết nhật ký từ năm lớp 8 nhưng hồi đó cô chỉ viết lan man, mơ mộng kiểu trẻ con. Từ khi bị bệnh thận, cô viết về cuộc sống hàng ngày, về những lo âu mong mỏi của mình. Rồi cô viết về những người thân quen, về hàng xóm, về những bệnh nhân cô gặp. Các quyển sổ tay của Nhung cứ dày lên mãi.

Mới đây, Nhung mới rụt rè gửi một ít bài viết của mình cho các báo. Được đăng bài nào, Nhung cũng chỉ lấy làm vui cho riêng mình. Mỗi lần mẹ cô lên thăm, Nhung lại mang bài viết ra đọc cho mẹ nghe và để mẹ mang về cho bố.

Nhung nói đùa với tôi: “Nghề viết văn chỉ là “nghề tay trái” của em thôi. Còn nghề chạy thận mới là nghề tay phải. Đã hơn ba năm gắn bó với khoa Lọc thận rồi còn gì. Ở đây, bệnh nhân tụi em cứ nói là chúng mình là đồng nghiệp, giờ chạy thận là giờ làm việc, áo bệnh nhân là áo đồng phục cơ quan”. Nhung nói xong rồi lại cười thật tươi, còn tôi thì chợt thấy cay cay nơi sống mũi…

“Người rỗi việc”

Bị bệnh suy thận, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, “chẳng đi xa bệnh viện Bạch Mai được quá hai ngày”. Nhưng gặp ai thân quen, Nhung cũng “tranh thủ” xin tiền cho bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh khó khăn. Có lần tôi đến chơi, thấy Nhung đang bò rạp trên giường ghi danh sách bệnh nhân nhận tiền từ thiện. Hóa ra là mới đây, bác hàng xóm cạnh nhà Nhung (ở Nam Định) đưa cô 5 triệu đồng để cho bệnh nhân. “Khoản tiền này đem chia ra, mỗi bệnh nhân cũng chỉ được 100 ngàn đồng thôi, nhưng ai cũng thấy ấm lòng”, Nhung thủ thỉ.

Không phải đây là lần đầu tiên Nhung góp phần nhỏ bé của mình cùng chia sẻ nỗi khó khăn với bệnh nhân chạy thận. Bản thân bị bệnh từ năm 18 tuổi (năm 2001) và vào bệnh viện Bạch Mai chạy thận thường xuyên từ năm 2004, cô hiểu quá rõ nỗi đau đớn của bệnh nhân chạy thận cũng như những vất vả khi lo tiền thuốc thang, ăn ở... Cộng với lòng nhân hậu và tình yêu cuộc sống tha thiết, Nhung luôn mang niềm vui nho nhỏ tới cho những con người cô gặp. Trên môi cô gái trắng trẻo, nhỏ nhắn này (Nhung cao chưa tới 1m50) luôn thường trực nụ cười.

Không ít lần Nhung đã mời những bệnh nhân chạy thận mới nhập viện Bạch Mai vào nhà trọ của cô ăn cơm rồi cho ngủ nhờ lúc họ chưa tìm được chỗ trọ. Bao lần Nhung đi quyên góp tiền cho bệnh nhân tạm chi tiêu một vài ngày khi hết tiền mà ở quê chưa kịp gửi tiền lên. Rồi chính tay Nhung viết đơn xin cấp phiếu ăn từ thiện cho nhiều bệnh nhân nghèo.

Mùa hè năm trước, mỗi khi bớt mệt mỏi, có khi vừa chạy thận về, Nhung lại sang nhà trọ của bác Tặng hàng xóm (cũng là bệnh nhân chạy thận) giúp các bệnh nhân khác đan quạt nan bán mong kiếm chút tiền. Cô ngậm ngùi bảo “những bệnh nhân chạy thận có khi còn hơn cả người tàn phế vì bệnh suy thận làm họ mệt mỏi, choáng váng, không làm được việc nặng đã đành mà cũng không thể ngồi lâu một chỗ được”.

Nhung đan quạt ra chất đống mà chẳng bán được là bao. Thế là có nhiều hôm giữa trưa nóng bức Nhung mang quạt vào bệnh viện bán. Nhưng cũng chỉ bán được vài cái. Nhung chẳng biết làm gì hơn cho những bệnh nhân cùng cảnh như mình bởi chính cô đâu có dư dả gì.

Và cứ như vậy, mỗi ngày trôi qua, Nhung lại có những cách khác nhau để chia sẻ với mọi người. Căn nhà trọ nhỏ của cô bên hông bệnh viện Bạch Mai ít khi nào vắng người vào chơi, chuyện trò, cười đùa. Mà chỉ nhìn cô chủ nhà cũng đủ thấy tươi vui, hết cả mệt rồi.

Đúng là bệnh tật đã cướp đi của Nhung nhiều thứ. Nhiều khi Nhung thấy tủi thân vì thấy mình chẳng có gì đáng kể. Như lời cô tâm sự là “25 tuổi đầu mà vẫn phụ thuộc vào bố mẹ” vì bệnh suy thận khiến cô chẳng làm được những việc như các bạn khỏe mạnh cùng độ tuổi. Nhưng cô đâu biết rằng, chính lòng yêu thương của cô đã là một tài sản lớn lao và nó càng ngày càng được Nhung chăm chút đầy hơn lên.

Thu Minh