Chuyện về cô gái từng ngồi xin tiền ở cầu Ngã Tư Sở

(Dân trí) - Bị tàn tật từ nhỏ, hai chân hai tay teo tóp nhưng không muốn trở thành gáng nặng của bố mẹ, em Mai Thị Thảo quê ở Thanh Hóa đã phải ra Hà Nội ăn xin kiếm sống. Vậy nhưng, cô gái trẻ vẫn khát khao được làm mẹ nuôi...

Những tháng cuối năm 2008, ai từng đi qua cầu Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) chắc không thể không nhớ hình ảnh một cô gái trẻ tàn tật ngồi xin tiền ở gầm cầu, đoạn đèn xanh đèn đỏ hướng đường Sơn Tây. Hai tay bị teo, em phải giữa chiếc mũ xin tiền bằng miệng...  Em chính là Thảo. Tôi bất ngờ gặp lại em lần đến TT Bảo trợ Xã hội 04 ở Ba Vì, Hà Nội mới đây.

Người “gánh” họa cho cả gia đình

Sinh năm 1986, Thảo là con gái thứ 3 trong gia đình nghèo ở xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa có đến 5 chị em gái. Vậy nhưng không may mắn như chị em trong nhà, đều khỏe mạnh và xinh đẹp thì Thảo lúc sinh ra đã bị liệt tứ chi do di chứng của chất độc màu da cam từ bố. Nói đến đây, ánh mắt Thảo sáng bừng lên: “Hai chị gái của em đẹp lắm, có rất nhiều người theo đuổi. Nhà nghèo nghỉ học sớm, lớn lên là hai chị đi lấy chồng ngay”.
 
Chuyện về cô gái từng ngồi xin tiền ở cầu Ngã Tư Sở  - 1
Ba tháng đi ăn xin là quãng thời gian tủi nhục nhất cuả Thảo.

Rồi Thảo chùng lại: “ Ông trời khắc ác nghiệt với em quá, chỉ lấy đi của em đôi tay hay đôi chân là được rồi đằng này... Nhưng em nghe nói, trong gia đình luôn có một người gánh nạn cho mọi người, có lẽ người đó là em. Nghĩ thế em cũng được an ủi phần nào”.

Lớn lên chỉ quanh quẩn ngồi trong nhà, mỗi lần thấy bạn bè cùng trang lứa đến trường, Thảo lại giấu đi những giọt nước mắt đầy tủi thân. Người trong làng cũng biết trong nhà ấy có đứa tàn tật, còn Thảo không biết nhiều người lắm vì mấy khi em được ra ngoài. Có hàng năm trời, Thảo không có lấy một chiếc áo mới.

Thảo cho biết hàng tháng em nhận được trợ cấp 75.000 đồng, lớn lên Thảo càng  thấy mình là một gánh nặng của gia đình. Bố mẹ Thảo ngày càng già đi các chị lấy chồng ở xa và đều khó khăn. Nhiều hôm mẹ Thảo ôm lấy em mà khóc: “Giá như mẹ sinh được một người con trai, sau này bố mẹ chết đi con còn có chỗ nương tựa”.

Tủi hổ kiếp ăn xin

Sau một thời gian suy nghĩ, phải tìm cách tự nuôi sống mình, Thảo quyết đi ra Hà Nội đi ăn xin, cái nghề mà Thảo biết khá nhiều người cùng làng dù lành lặn hoặc chỉ bị dị tật cũng làm. Tháng 9/2008, Thảo nhờ một người hàng xóm đưa ra xe đi Hà Nội.

Xuống ở bến xe Giáp Bát cùng chiếc xe đẩy với  đúng 150.000 đồng trong người mà em tích cóp được từ lâu, Thảo may mắn gặp được một bác xe ôm tốt bụng chở đi tìm một chỗ trọ ở phố Vọng. Ở đây có rất nhiều người tàn tật như Thảo ở các tỉnh đổ về Hà Nội kiếm sống bằng nghề ăn xin thuê trọ. Ngay sáng hôm sau, Thảo được một cô bạn ở chỗ trọ bị dị tật ở tay đẩy ra Ngã Tư Vọng ngồi xin tiền. Thảo được đặt ở gầm cầu, cách khá xa chỗ đường lưu thông, ít người để ý nên mấy hôm liền mỗi ngày em chỉ xin vài nghìn lẻ. Sau đó, cô bạn kia quyết định chọn Ngã Tư Sở để Thảo ngồi xin tiền.
 
Chuyện về cô gái từng ngồi xin tiền ở cầu Ngã Tư Sở  - 2
 Biết rất khó thực hiện, Thảo vẫn khát khao làm mẹ.

Thảo nói: “Mấy hôm đầu, em không dám ngước nhìn ai cả, xấu hổ và tủi nhục lắm, chỉ biết khóc thôi. Nhiều người đi qua ném mấy nghìn vào cái mũ của em rồi quay người đi khinh bỉ. Có người còn nói: “Phải “hàng giả” không đấy?”. Người ta nghĩ người ăn xin thì không có lòng tự trong như không phải vậy. Trong hoàn cảnh này lòng tự trọng của em còn lớn hơn người bình thường rất nhiều”. Thảo bùi ngùi.

“Nhưng cũng có nhiều người tốt. Có chị sáng nào đi qua cũng đặt 5.000 vào mũ em với câu nói: “Chị không có nhiều, chị bớt tiền ăn sáng của mình cho em”. Rồi có một bác khác, không cho tiền nhưng cứ tầm 9 giờ sáng lại đến đặt gói xôi hay chiếc bánh bao, bánh mỳ cho em”.

Thảo cho biết, mỗi lần ngồi xin tiền, em thường nói cô bạn đẩy xe lăn cho mình mua hộ một gói hạt hướng dương để ngồi cắn. Tay không cử động được, Thảo chỉ dùng miệng để cắn. Không phải em thích ăn hạt dưa mà em làm thế có chủ ý. Thảo cắn hạt dưa bằng miệng, lúc cắn em phải cúi mặt xuống, như thế Thảo sẽ không phải đối diện với người qua đường. Hơn nữa, việc cắn hạt dưa với Thảo không đơn giản như mọi người, từ việc đưa vào miệng, tách vỏ lấy hạt tất cả chỉ đều bằng miệng. Thảo muốn nói với mọi người em rất nỗ lực làm những việc kể cả ngoài khả năng của mình, em không muốn đi ăn xin nhưng em không còn cách nào khác.

Nghĩ lại gần ba tháng ngồi gầm cầu xin tiền, Thảo chảy nước mắt: “Nhiều hôm em nhịn ăn cả ngày vì bạn không đưa cơm đến, có hôm gần 12 giờ đêm mới có người ra đưa về phòng. Có khi còn bị những người ăn xin gần chỗ em ngồi đến giật mất tiền mà không chẳng làm được gì”.

Khát vọng làm mẹ

Trong đợt gom người ăn xin, ăn mày của thành phố, cuối năm 2008, Thảo được đưa về TT Bảo trợ Xã hội 04. Chỉ còn khoảng ba tuần nữa Thảo sẽ được trả về địa phương. Nghĩ đến đó, Thảo không giấu được cảm xúc buồn vui lẫn lộn của mình: “Em nhớ bố mẹ lắm, nửa năm rồi em không gặp họ. Nhưng về nhà, em biết làm gì để sống. Bố mẹ không thể lo cho em được nữa. Chẳng lẽ em lại trở thành gánh nặng cho hai em nhỏ”.
 
Chuyện về cô gái từng ngồi xin tiền ở cầu Ngã Tư Sở  - 3
Gần nửa năm không gặp người thân, Thảo rất vui khi nói chuyện với mẹ.

Dù rất ngại ngần, Thảo vẫn chia sẻ khi trở về quê, em sẽ thực hiện ước mơ làm mẹ của mình: “Em muốn xin một đứa con nuôi, em cùng gia đình sẽ chăm sóc, sau này em còn có người sum vầy, an ủi bên mình. Nói thế thôi nhưng biết là khó thực hiện lắm”.

Rồi Thảo lại khóc, em nói nhớ nhà, nhớ mẹ... Thảo không biết chữ nhưng em thuộc số điện thoại nhà hàng xóm, em muốn gọi điện về nhà. Tôi bấm theo số em đọc, đưa lên tai em, tiếng Thảo vui sướng trong nước mắt khi gặp được mẹ: “Mẹ ơi, con sắp về rồi! Thật ạ, thế là mai con được gặp bố rồi”. Quá lâu không gặp mẹ, Thảo nói với mẹ rất nhiều chuyện... Nói chuyện với mẹ xong, Thảo quay sang khoe với tôi, bố em vừa lên Hà Nội, mai sẽ lên thăm em.

 Bài và ảnh: Hoài Nam