Chuyện chàng trai 8X từng khuấy đảo "thánh địa manga"

(Dân trí) - Được biết đến trong “thánh địa manga” với nickname … “Kiên điên”, chàng trai 8X với ý tưởng và lòng say mê vẽ truyện tranh Nguyễn Vũ Trung Kiên đang từng bước thực hiện giấc mơ định hình phong cách riêng cho truyện tranh Việt Nam.

Từ góc nhìn sáng tạo

 

Gặp Kiên khi tập truyện tranh “Gia đình bé Nam” vừa xuất bản thành công và thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả; phong cách bụi với ba lô to, quần hộp, áo phông đơn giản, cách nói chuyện dí dỏm,… khiến người đối diện có cảm giác rằng chàng trai 8X này luôn luôn tràn đầy sức sống và sẵn sàng đi đến cùng trời cuối đất để tìm cảm hứng cho những bộ manga.

 

Tốt nghiệp cấp 3 nhưng không học ĐH, CĐ như những bạn bè cùng trang lứa, Nguyễn Vũ Trung Kiên chọn con đường đi cho riêng mình: học vẽ. Nói về quyết định này, Kiên chia sẻ: “Hồi đó mình cũng đắn đo lắm, gia đình và bè bạn cũng phản đối rất nhiều. Nhưng vẽ là đam mê từ nhỏ của mình, và mình ghét làm những gì nửa chừng”.

 
Chuyện chàng trai 8X từng khuấy đảo "thánh địa manga" - 1
Nhà hát Lớn Hà Nội trong tác phẩm truyện tranh của Kiên.
 

Để có tiền thực hiện giấc mơ và trang trải cuộc sống, chàng trai 8X này đã không ngần ngại làm các công việc từ bảo vệ đến trông xe, coi quán net,… Và cứ có thời gian rảnh rỗi là Kiên lại lao đầu vào nghiền ngẫm từng nét vẽ, phác thảo những ý tưởng phôi thai.

 

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình, Kiên chia sẻ: “Đó là trong lớp học vẽ, thay vì vẽ tĩnh vật theo yêu cầu của thầy giáo như những bạn học cùng, thì mình lại vẽ… quả cam đằng sau tĩnh vật khiến ai cũng bất ngờ và thú vị”.

 

May mắn cho Kiên là trong thời điểm 2006, lối vẽ truyện tranh theo xu hướng manga khá phát triển, như luồng gió mới lôi cuốn nhiều bạn trẻ có cùng đam mê và nhiệt huyết. Kiên ra nhập “Thánh địa manga” như là một trong những thành viên tích cực nhất. Tại đây, Kiên có điều kiện hơn để trau dồi khả năng quan sát và học hỏi những lớp anh chị đi trước mình.

 

Đến 2009, Kiên cùng một số bạn trẻ tâm huyết trong “Thánh địa manga” lập ra một nhóm sáng tác truyện tranh. Sau đó, bắt đầu từ những dự án truyện tranh vừa và nhỏ, nhóm của Kiên đã thu hút được nhiều bạn trẻ có cùng đam mê và ý tưởng. Kết quả là 2010, Idea Production ra đời như là điểm hẹn của những cái đầu mộng mơ, đam mê từng đường nét màu sắc và luôn sẵn sàng bùng nổ những ý tưởng độc đáo.

 
Chuyện chàng trai 8X từng khuấy đảo "thánh địa manga" - 2
Quần hộp, áo phông,...chàng trai 8X này luôn sẵn sàng cho chủ nghĩa "xê dịch" để tìm cảm hứng cho những bộ manga.
 

Chia sẻ về những khó khăn trong thời gian đầu, Kiên cho biết: “Hồi mới thành lập, nhiều người nghĩ mình ngông cuồng, rằng nhóm chúng mình chỉ tồn tại được một thời gian rồi tan rã như những CLB khác.

 

Cũng có nhiều thành viên đến rồi đi. Rồi thiếu ý tưởng mới, thiếu kinh phí hoạt động, những người có tài và tâm huyết không nhiều…Nhiều lúc thấy nản vì con đường mình chọn lựa. Nhưng rồi nghĩ, khi nào cuộc sống còn niềm vui, nỗi buồn, còn những điều mới mẻ thì mình còn tiếp tục, bởi nghề của mình là khai thác chúng”.

 

Hiện tại, Idea Production còn là sân chơi của nhiều bạn trẻ yêu thích truyện tranh Việt Nam. Cũng tại đây, Hà Nội mùa đông 1946, Thuận Thiên, Next,… được phôi thai.

 
Chuyện chàng trai 8X từng khuấy đảo "thánh địa manga" - 3
Bến đợi xe bus và đường phố HN...
 

Định hình phong cách mới cho truyện tranh Việt Nam

 

Được bạn bè coi như một “đứa trẻ lớn” bởi không thích ở yên một chỗ và luôn say mê với những điều mới mẻ, Nguyễn Vũ Trung Kiên thường xuyên lang thang để tìm cảm hứng cho những bộ manga, bởi theo cậu, cuộc sống nhàm chán quá sẽ khiến cậu giống như những người “không sống mà cũng chẳng chết đi bao giờ”.

 

Nguyễn Vũ Trung Kiên cho biết: “Để vẽ được một cuốn truyện tranh cần rất nhiều thời gian, tâm huyết. Nó đòi hỏi mình phải kiên trì, không được bỏ cuộc giữa chừng, và đặc biệt là không đi vào những lối mòn đã cũ”. Kiên cho biết thêm, một nhóm vẽ truyện tranh từ 3-4 người làm việc năng suất sau 2 ngày sẽ cho ra đời 6 trang truyện tranh.

 

Để truyện tranh gần gũi hơn với độc giả, Kiên cùng các bạn trong nhóm quyết định đưa văn hóa Việt Nam vào truyện tranh, như là điểm nhấn để thu hút khán giả, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Để làm được điều này, Kiên đã cùng các bạn trong nhóm ký họa lại khung cảnh những nơi đã đi qua, thậm chí, không có thời gian, những bạn trẻ này còn chụp ảnh về làm tư liệu với mục đích xây dựng bối cảnh cho những bộ manga của mình.

 
Chuyện chàng trai 8X từng khuấy đảo "thánh địa manga" - 4
Khu tập thể Định Công...
 

Bên cạnh đó, ngoài việc lấy ý tưởng, cảm hứng từ những sự kiện có thật trong lịch sử để sáng tác truyện tranh (Thuận Thiên, Hà Nội mùa đông 1946,…), Kiên còn chọn những đề tài gần gũi trong cuộc sống để thể hiện.

 

Kiên cho biết: “Việc đưa văn hóa Việt vào truyện tranh không đơn giản chỉ là cạnh tranh mà bọn mình còn muốn hướng tới một cái cao hơn, đó là định hình phong cách mới cho truyện tranh Việt Nam, để người đọc có thể thấy trong truyện tranh của bọn mình từng góc phố, con đường, làng xóm,… đậm chất Việt Nam”.

 

Hiện tại, bên cạnh việc hoàn thành bộ truyện tranh Next (Bước kế tiếp), Kiên và nhóm bạn của cậu đang xúc tiến thực hiện dự án đưa truyện tranh lên điện thoại di động. Kiên hồ hởi: “Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ và hấp dẫn. Mình hi vọng rằng, sau dự án này, văn hóa Việt Nam sẽ được truyền tải một cách hiện đại qua từng nét vẽ sống động hơn, gần gũi,… đến độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ.
 
Chuyện chàng trai 8X từng khuấy đảo "thánh địa manga" - 5

hay bãi sông Hồng đều hiện lên trên trang cảnh của Kiên.

 

Hà Quyên