1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chế tạo robot giúp cha nhẹ gánh nhà nông

Thấy cha khệ nệ mang bình thuốc trừ sâu phun cho cây trồng, mỗi lần xong việc lại mệt rã rời vì ảnh hưởng của thuốc, năm chàng trai ở các miền quê khác nhau đã từng ấp ủ cho riêng mình giấc mơ chế tạo ra robot làm thay cha công việc này.

Vào đại học, họ bất ngờ gặp nhau ở ý tưởng đó và đã bắt tay thực hiện. Sau năm tháng, nhóm nghiên cứu đã sáng chế thành công robot phun thuốc sinh học cho cây giống trồng trong nhà kính. Sáng chế này đã được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM triển khai ứng dụng vào thực tế.

 

Chế tạo robot giúp cha nhẹ gánh nhà nông - 1

Nhóm tác giả sáng chế ra robot. Từ trái qua: Văn, Việt, Phú (chủ nhiệm đề tài), Hiếu, Hùng.

 

Nhóm tác giả sáng chế robot phun thuốc sinh học là năm sinh viên khoa cơ khí công nghệ, trường đại học Nông lâm TPHCM, gồm: Nguyễn Văn Phú, Mai Quốc Việt, Trần Công Văn, Đỗ Đông Hùng và Võ Văn Hiếu. Đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng cả năm người có điểm chung là lớn lên ở nông thôn, tiền ăn học đều trông cậy cả vào thửa ruộng, mảnh vườn.

 

Năm chàng trai chung một ý tưởng

 

Việt quê ở Phú Ninh, Quảng Nam. Nhà làm nông, thu nhập chính phụ thuộc vào ba sào ruộng trồng lúa, hoa màu. Cứ học xong, Việt phải xắn tay phụ giúp cha mẹ chuyện đồng áng. Vì cây trồng hay bị sâu bệnh phá hoại, đến kỳ lại phải phun thuốc trừ sâu. Công việc này hồi trước người cha gánh vác, sau này lớn lên, Việt cũng trải nghiệm. Hồi nhỏ, thấy mỗi lần phun thuốc xong cha lại kêu mệt mỏi, có khi phải nằm mấy ngày mới bớt. Việt lúc đó chỉ biết chạy đến xoa bóp cho cha đỡ nhức.

 

Lên cấp ba, anh chàng mới biết nguyên nhân làm cha mệt mỏi là do ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đã thấm vào người và hít phải hoá chất bay trong không khí, “lúc đó tự dưng ước giá như có cái máy nào làm thay cha việc này thì hay quá”, Việt nhớ lại.

 

Chung một tâm sự đó, Phú, Văn, Hiếu, Hùng cho biết mấy lần theo cha đi phun thuốc trừ sâu ở quê nhà, không ít lần các anh cảm giác nghẹt thở vì mùi thuốc nồng nặc: “Thấy sâu bệnh phá cây trồng nên xót ruột, tâm lý chung của nhà nông là phải xịt khi nào hết sâu mới thôi mà không tính đến liều lượng thuốc có thể ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt là con người. Em nghĩ nếu phát minh ra máy móc làm thay việc này thì vừa bảo vệ được sức khoẻ cho ba mình vừa đong đo được liều lượng thuốc hợp lý, cây không bị chết mà sâu bệnh lại hết”, Phú kể.

PGS.TS Bùi Văn Miên, trưởng phòng quản lý nghiên cứu khoa học trường đại học Nông lâm TPHCM:

 

Một sáng chế rất có ý nghĩa khoa học

 

Khi sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong nhà kính, nhà lưới… do môi trường hẹp, kín nên hơi thuốc dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động. Sáng chế robot phun thuốc sinh học cho cây trồng thay con người là một sáng chế rất có ý nghĩa khoa học, bảo vệ an toàn cho người lao động, áp dụng kỹ thuật hiện đại hoá vào sản xuất, tăng năng suất sản xuất.
 
Tuy công trình đạt giải không cao tại các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học nhưng đó là ý tưởng tốt, một đóng góp đáng ghi nhận của nhóm thực hiện đề tài. Hiện sáng chế chỉ mới dừng lại trong phạm vi phòng thí nghiệm. Hy vọng với những cải tiến để hoàn chỉnh robot, đề tài sẽ thực sự được ứng dụng vào sản xuất.

 

Học chung trường và cùng từ quê ra nên cả năm anh chàng này chơi với nhau rất hợp. Họ lập nhóm tham gia cuộc thi Rôbôcon. Thời gian cùng nhau hàn xì, đục đẽo chế tạo robot trong xưởng cơ khí, hay những lần nhịn đói vì tập trung viết lập trình phần mềm tại phòng thí nghiệm cơ điện tử của trường, năm người càng hiểu nhau hơn. Rồi một ngày nọ, sau những giờ học căng thẳng, bên quán cóc với ly càphê, Phú bộc bạch giấc mơ chế tạo robot phun thuốc trừ sâu ấp ủ mấy lâu nay. Bốn người bạn thân ngơ ngác nhìn nhau rồi vỡ oà niềm vui vì họ cũng có ý tưởng như thế.

 

Dịp này, TS Nguyễn Văn Hùng, trưởng bộ môn cơ điện tử, tổ chức trao đổi với lớp học về các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học của trường. Cả nhóm kéo nhau đến nhờ thầy gợi ý thêm. Sau đó, họ bắt tay viết đề cương, phác thảo bản vẽ. Giấc mơ chung về con robot dần dần hình thành. Nhưng đây cũng lúc bắt đầu những ngày tháng mệt nhọc.

 

Biến ước mơ thành sự thật

 

Niềm vui sớm qua, nhường chỗ cho sự lo lắng và những đêm thao thức với robot. Đề tài thực hiện một năm, nhưng năm tháng đầu không có thời gian đụng tay tới vì cả năm người đang tập trung cho cuộc thi Rôbôcon. Thời gian còn lại, cả nhóm phải “cày” cật lực để hoàn thành sáng chế trước khi vào học kỳ mới và đúng hạn nộp đề tài cho trường.

 

Nghỉ hè, trong khi bạn bè lỉnh kỉnh balô rồng rắn về quê thì nhóm nghiên cứu phải bám trụ lại trường để bắt đầu công việc. Năm người phân công nhau chạy vạy khắp nơi, khi thì xuống Dĩ An (Bình Dương) mua nhôm, tạt qua chợ Tạ Uyên (quận 5) sắm phụ tùng cơ khí, rồi hớt hải sang chợ Nhật Tảo (quận 10) kiếm linh kiện điện tử. Bản thiết kế phần cơ đã hoàn thiện, năm người ôm tất cả nguyên vật liệu vào “sống” trong xưởng cơ khí của trường. Bảy giờ sáng vào xưởng, ăn cơm trưa xong lại vào, làm việc đến gần tối thì nghỉ ngơi ăn uống rồi lại tiếp tục. Ròng rã như thế hai tháng trời, robot hoàn thiện phần thô.

  

Cả nhóm lại tiếp tục chuyển qua phòng thí nghiệm cơ điện tử. Phòng sạch sẽ, yên tĩnh hơn nhưng khó khăn lại nhiều hơn. Do chỉ mới học nhập môn môn lập trình nên đụng đến đâu là phải lục lọi tài liệu đọc. Những công thức tính hệ phương trình để đưa ra thông số lập trình khiến cả nhóm đau đầu. Nhiều bữa, Phú phải trực bên máy tính thâu đêm để vào diễn đàn khoa học công nghệ nước ngoài nhờ các thành viên ở đây gợi ý.

 

Đỉnh điểm khó khăn đối với nhóm là thời điểm còn một tháng để nộp đề tài mà chưa lập trình được toạ độ cho robot. Lúc này, robot chỉ chạy theo một đường thẳng, cả nhóm chán nản định bỏ cuộc. Tuy nhiên nhờ động viên của thầy Hùng và hình ảnh người cha vác bình thuốc sâu ở quê, họ ngồi lại rồi cuối cùng cũng khắc phục được. Vừa làm vừa chạy thử trong phòng thí nghiệm suốt hai tháng, mất thêm một tháng đưa ra nhà lưới của trường chạy thử, robot được hoàn thành. Đề tài đạt giải khuyến khích giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ 2009.

 

Sau năm tháng thức, ngủ với robot, cả năm người ai cũng gầy xọp. Số tiền năm triệu đồng kinh phí làm đề tài hết nhẵn, cả nhóm thậm chí phải bỏ thêm tiền túi vì phải mua thêm linh kiện bị hư lúc chạy thử. Thế nhưng, bên ly càphê, họ vẫn rất hào hứng khi kể về quãng thời gian sáng chế robot. Họ kể với giọng đầy tự hào bởi “giấc mơ robot” đang dần dần trở thành sự thật...

 

Robot còn làm được nhiều việc khác

 

Robot có cấu tạo ba phần: phần cơ, mạch điện điều khiển và phần mềm với trọng lượng 15kg (tính cả tụ điện). robot có thể hoạt động được ở cả hai chế độ điều khiển bằng tay hoặc tự động. Ở chế độ điều khiển bằng tay, các khớp quay của robot hoạt động theo sự điều khiển của người dùng thông qua máy tính. Còn ở chế độ tự động, robot có thể phun thuốc theo hai trường hợp: di chuyển dọc theo các khay để phun cho cây trồng, đồng thời điều khiển các khớp xoay để đưa vòi phun đến vị trí từng cây trên khay. Chế độ hoạt động của robot được hiển thị liên tục trên máy tính giúp người sử dụng dễ dàng theo dõi. Đây là mô hình robot phun thuốc sinh học, nhưng nếu thay đổi đầu công tác và chương trình điều khiển cho phù hợp với nhiệm vụ mới của robot sẽ có được mô hình robot làm công việc khác như: gắp vật từ vị trí này đến vị trí khác như mong muốn, sơn, hàn … trong công nghiệp.

 

Theo Trung Dũng

Sài Gòn tiếp thị