Chàng trai “sáng tạo” xứ Nghệ

(Dân trí)- Từng bị “ăn roi” của bố mẹ vì mải chế tạo quên phụ giúp việc nhà, việc đồng áng; vì làm hỏng nhiều đồ đạc trong nhà. Nhưng chính những kỷ niệm “nhớ đời” ấy đã khiến Trần Văn Tình quyết tâm hơn và cuối cùng Tình cũng đã giành được nhiều thành tích đáng kể.

Trần Văn Tình, ở xóm 7, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là chàng trai đạt giải Nhì sáng tạo khoa học công nghệ dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc với sản phẩm “Máy xúc và rê (quạt) lúa”. Sản phẩm được ban giám khảo đánh giá cao về tính hiệu quả và khả năng ứng dụng rộng rãi, giá thành sản xuất thấp.

 

Ngay từ nhỏ Tình đã sớm bộc lộ năng khiếu về sáng tạo, chế tạo. Thấy các bạn có đồ chơi, Tình nghĩ ra cách lắp ghép mấy con ốc vít và mấy đồ phế liệu của bố thành các con rôbốt. Mày mò cả mấy ngày trời thì con rôbốt đồ chơi của Tình cũng hoàn thành.

 

Tuy nhiên nó mới chỉ đứng nguyên một chỗ chứ chưa thể di chuyển được. Từ đó cậu bé Tình có một thú vui không giống ai đó là thu thập đồ phế loại, từ các con ốc vít, thanh kim loại cho đến các linh kiện, vi mạch điện tử, thậm chí ra cửa hàng phế liệu tìm chúng và mua về… để dành vì nghĩ rằng sẽ có lúc dùng tới.
 
Chàng trai “sáng tạo” xứ Nghệ  - 1

 

Sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của Tình chính là chiếc máy hút bụi mini làm để tặng mẹ. Mặc dù còn hết sức đơn giản nhưng máy hút bụi của Tình đã thực hiện được nhiệm vụ chính của mình là…hút sạch bụi trên nền nhà. “Hắn nói làm tặng mẹ thì tui cũng vui lắm nhưng mà máy nhỏ quá, hút bụi cũng được nhưng lâu nên dùng chổi quét cho nhanh”, bà Lưu Thị Nhường mẹ Tình cho biết. Biết bà chỉ nói vui vậy thôi bởi vì trong ánh mắt của người mẹ luôn ánh lên niềm tự hào đối với cậu con trai của mình.

 

Vì thích mày mò, sáng chế mà không biết bao nhiêu vật dụng trong nhà bị Tình tháo tung ra, hết tháo rồi lắp, lắp rồi tháo. Từ cái lò thổi trong bếp đến cái đài cassette đáng giá cả triệu đồng. Cũng có cái tháo xong lắp lại còn chạy được nhưng cũng có cái hư luôn. Vì các “sản phẩm” đó mà không ít lần Tình bị mẹ cho… ăn roi. “Nhưng cái máu ưa mày mò, lắp ráp nó ngấm vào người rồi, bỏ không được”, cậu trai trẻ bẽn lẽn thú nhận. Và tài sáng chế của Tình được thầy cô giáo và bạn bè biết đến vào năm học lớp 9 với mô hình máy xúc. Nó chỉ là một dạng rôbốt đồ chơi nhưng có thể gắp và di chuyển các vật nhỏ. Sáng chế của cậu gây sửng sốt cho rất nhiều người.

 

Trần Văn Tình đến với giải thưởng sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng từ năm lớp 10 và tỏ ra rất có duyên với giải thưởng này. Tình cho hay: “Năm đó em tham dự với 6 sản phẩm nhưng chỉ có giải khuyến khích cấp tỉnh cho sản phẩm “mô hình rôbốt học tập”. Rôbốt sử dụng động cơ 4 thì phục vụ cho môn học công nghệ và vật lý”. Lỡ hẹn với giải thưởng này nên năm học 2008 - 2009, mặc dù đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị thi tốt nghiệp nhưng khi Tỉnh đoàn Nghệ An phát động cuộc thi này Tình vẫn quyết định tham gia.

 

“Cuộc thi được phát động vào đúng mùa gặt. Thấy mẹ lần nào quạt lúa đều phải bê từng thúng lên đứng trước quạt thế là em nảy ra sáng kiến làm một cái máy có thể tự gom lúa lên và quạt sạch”. Ý tưởng đã có, Tình bắt tay vào thực hiện. Lần này cậu quyết định không dùng đồ phế liệu nữa mà đầu tư hoàn toàn bằng các thiết bị, linh kiện mới.

  

Nhưng cái khó nhất là vốn để triển khai. Xin bố mẹ mãi cũng ngại nên Tình phải trổ hết tài ăn nói để xin “viện trợ” từ các anh. Nhưng khoản viện trợ đó cũng không phải là nhiều. Mỗi lần chỉ được hơn một trăm ngàn đủ để mua một số linh kiện, thiết bị cần thiết. Từ lúc bắt đầu thực hiện đến khi sản phẩm hoàn thành Tình đã đầu tư vào đó tròn 2 triệu đồng.
 
 
Chàng trai “sáng tạo” xứ Nghệ  - 2
Tình đang mày mò những sản phẩm bỏ đi gom cho mình một số đồ dùng quý từ sản phẩm này
 

 

“Máy có cấu tạo hết sức đơn giản. Chỉ gồm một băng truyền và một quạt gió. Nó có thể di chuyển trên sân nhờ hệ thống bánh xe. Điều quan trọng nhất là nó có thể làm giúp người nông dân bớt đi một công đoạn nặng nhọc. Lúa được đưa lên băng chuyền nhờ các gầu xúc. Từ băng chuyền lúa sẽ được đưa vào khay sàng. Ở đây, nhờ các quạt gió và sàng rung sẽ loại bỏ được thóc lép, sỏi đá lẫn trong lúa, lúa chắc sẽ được chảy xuống một bên. Máy xúc và quạt lúa này sử dụng một động cơ điện cho băng truyền và một động cơ điện riêng cho quạt gió”, Tình chia sẻ về sản phẩm dự thi của mình.

 

Sản phẩm “Máy xúc và quạt lúa” được dự thi tại tỉnh Nghệ An và đạt giải nhất. Sau đó, Tình tiếp tục đưa ra Hà Nội tham dự cuộc thi toàn quốc. Trong cuộc thi mang tầm Quốc gia này, sản phẩm của chàng trai xứ Nghệ chỉ đạt giải Nhì và 4 triệu đồng tiền thưởng.

 

Hiện tại chàng sinh viên năm thứ nhất khoa Công nghệ ô tô trường Cao đẳng Việt - Hàn đang ấp ủ thực hiện đề tài hệ thống cảm ứng phát hiện chướng ngại vật cho ô tô trong đêm. Theo Tình, với hệ thống cảm ứng này, khi phát hiện có chướng ngại vật, đèn báo hiệu sẽ tự động chuyển từ chế độ đèn pha sang chế độ đèn cốt để tập trung tầm nhìn, giúp người lái xe tránh được những va chạm có thể xảy ra.

 

“Nếu có công ty nào đó mua bản quyền và sản xuất đại trà bán cho nông dân thì tốt quá. Như vậy, thì em nghĩ giá thành của mỗi chiếc máy sẽ không cao. Vài hộ nông dân chung nhau một cái thì sẽ giảm đáng kể sức lao động cho công đoạn sau thu hoạch”, đó cũng là mong muốn của Tình vì đơn giản cậu không muốn sản phẩm của mình chỉ dừng lại ở… gian trưng bày.

 

Hoàng Lam