Chàng trai "lớ ngớ vớ huy chương" điện ảnh

Đang học ĐH Ngoại thương ngon lành, Lê Mỹ Cường nhảy sang ĐH SKĐA và “hai tay hai súng” – học song song hai trường “chả liên quan”. Vậy mà Cường rất có duyên với các giải thưởng.

Hai bộ phim tài liệu đầu tay đã mang lại cho Cường hai giải Búp sen Bạc, một bằng khen Cánh diều vàng, một giải phim tài liệu xuất sắc nhất 2nd Doc. Thậm chí bộ phim ngắn do anh chàng này thủ vai chính cùng dành được 2 giải Búp sen Vàng…

 

“Vàng bạc xủng xẻng” với các giải thưởng…

 

Đối với những người quan tâm đến  phong trào làm phim độc lập thì Lê Mỹ Cường là một cái tên đáng chú ý. Năm 2010 Cường làm một bộ phim tài liệu ngắn đầu tay về cuộc đời của những người làm than dưới chân cầu Vĩnh Tuy.

 

Bộ phim giành giải thưởng  “Búp sen bạc” do BGK bình chọn năm 2010 trong liên hoan phim dành cho người không chuyên được Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) tổ chức và được nhận bằng khen của Hội Điện ảnh.

 

Chàng trai "lớ ngớ vớ huy chương" điện ảnh  - 1
Lê Mỹ Cường lên nhận giải Búp sen bạc 2011 cho phim “Ốc đảo gió”

 

Một năm sau, Cường làm tiếp bộ phim tài liệu ngắn thứ hai, lấy tên là “Ốc đảo gió”. Bộ phim kể về cuộc sống của những con người ở Trại phong Quả Cảm – Bắc Ninh. Không khai thác theo hướng bi lụy, đau thương khi nói về bệnh tật, bộ phim tràn ngập sự lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống.

 

“Hãy tin vào hạnh phúc vì hạnh phúc có thể nảy mầm ở những mảnh đất “khô cằn” nhất, trong những tình huống khó tin nhất”. Thông điệp tươi sáng của bộ phim đã mang lại cho Cường giải “Phim tài liệu xuất sắc nhất” Second doc (một cuộc thi trong khuôn khổ dự án Chúng ta làm phim, TPD) đồng thời đoạt giải Búp sen bạc vào tối 18/6 vừa qua .

 

Ngoài ra, bộ phim ngắn “SMS” do Lê Mỹ Cường đóng vai chính đã đạt cú đúp 2 giải: giải Búp sen Vàng do BGK bình chọn và giải Búp sen Vàng do Khán giả bình chọn (TPD).

 

“Lớ ngớ vớ huy chương” – Cường vẫn nói vui như thế về sự may mắn của mình trong việc đoạt các giải thưởng điện ảnh.

 

“Cháu có thể đeo khẩu trang khi làm phim…”

 

Học xong năm nhất ĐH Ngoại thương ngành Kinh tế đối ngoại, Cường thi vào ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Mọi người bảo Cường “dở hơi” vì hai ngành học chẳng liên quan. Cường vẫn đi thi nhưng không đỗ. Không nản chí, năm sau Cường thi thêm lần nữa và cuối cùng cũng trúng tuyển. Cường là thế, đã quyết tâm làm cái gì thì làm đến cùng, không ai cản được.

 
Chàng trai "lớ ngớ vớ huy chương" điện ảnh  - 2
 

Biết Cường làm phim về những bệnh nhân phong, mấy chị đồng nghiệp ở VTV3 “dọa” : “Cứ đi làm đi rồi đừng đến cơ quan nữa.” Bác sĩ mà Cường nhờ tư vấn cũng chân thành khuyên: “Để cẩn thận, cháu có thể đeo khẩu trang khi làm phim”.

 

“Nhưng đeo khẩu trang rồi thì còn ai làm việc với mình ”, Cường chia sẻ. “Bản thân mình đang muốn qua bộ phim có thể xóa đi sự kỳ thị của mọi người đối với bệnh nhân phong nên mình không thể làm thế”.

 

Hai ngày ở trại phong Quả Cảm, Cường sống cùng nhân vật, tiếp xúc trò chuyện với họ, hầu như không dùng bất cứ biện pháp phòng ngừa nào. Những thước phim đẹp, chân thật và cảm động về những bện nhân phong là kết quả xứng đáng cho sự “liều mình” của chàng.
 

Tiêu chí Đẹp đặt lên trên hết…

 

Một giảng viên ở TPD nhận xét rằng Cường có cái tên thật kỳ lạ: “Mỹ” (Đẹp) đặt trước “Cường” (sức mạnh). Có lẽ vì thế mà chàng trai luôn tự nhận xét bản thân là nóng tính, cục cằn, chỉ thích làm việc một mình này, lại làm ra những bộ phim tài liệu  trầm lắng, đẹp giản dị và giàu tính nhân văn.  Cường chia sẻ dù làm bất cứ thể loại phim gì, tiêu chí Đẹp vẫn luôn được Cường đặt lên hàng đầu.

 

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói “Bây giờ vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định một điều gì đó về Mỹ Cường”. Bản thân Cường cũng thích tự coi mình là một người yêu điện ảnh hơn là một tài năng điện ảnh. Không tự ảo tưởng hoặc huyễn hoặc về khả năng của mình, Mỹ Cường chỉ đơn giản là đang cố gắng hết sức trên còn đường đến với “Nghệ thuật thứ 7”.

 

Theo Anh Trâm

Vietnamnet