Câu chuyện truyền cảm hứng của những bạn trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác

(Dân trí) - Dưới đây là 3 câu chuyện chân thực về những người trẻ bằng nỗ lực đã vượt lên trên số phận để cống hiến cho đất nước và những người xung quanh.

Nữ sinh khuyết tật nhiệt tình hoạt động tình nguyện

Hình ảnh Hồng Mai truyền nhiệt huyết cho những bạn trẻ đang khoác áo xanh tình nguyện
Hình ảnh Hồng Mai truyền nhiệt huyết cho những bạn trẻ đang khoác áo xanh tình nguyện

Phạm Thị Hồng Mai sinh ra và lớn lên tại thành phố hoa phượng đỏ. Bố là kỹ sư, mẹ Mai là bác sĩ. Mai sinh ra đã thiếu bàn tay trái, mọi sinh hoạt hàng ngày của em đều làm bằng tay phải.

Khi còn bé, Mai từng tự ti vì thiếu hụt thân thể, em thu mình lại và sợ hãi những người xung quanh. Cuộc sống của Mai thay đổi khi em bước qua cành cửa đại học. Em may mắn gặp được những người bạn cởi mở. Các bạn không coi Mai là người khuyết tật, đối xử với em rất bình đẳng.

Mai tự tin hơn từng ngày và quyết định cùng các bạn tham gia chiến dịch Tiếp sức mùa thi năm 2017. Mai nói: “Khi đi thi Đại học, nhìn những anh chị sinh viên tình nguyện cười nói, đoàn kết và vui đùa cũng nhau dù trời nắng nóng. Em ước ao có một ngày mình cũng được như thế, được là người có ích”.

Mai hăng say với những hoạt động tập thể vì cộng đồng. Em tự hào với màu áo xanh tình nguyện, quên đi khiếm khuyết của cơ thể và hòa đồng hơn với mọi người xung quanh.

Mùa thi năm ngoái, Mai cùng các bạn ra đường hỗ trợ thí sinh ở nhiều điểm thi THPT quốc gia tại Hải Phòng. Giữa tiết trời nóng nực của tháng 6, nhìn hình ảnh đầy hào hứng, phấn khởi, tràn đầy nhựa sống tuổi trẻ cùng nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi, không ai nghĩ rằng Mai lại có khiếm khuyết trên cơ thể.

Từ một cô gái khép mình, ít trò chuyện, Mai đã trở lên tự tin hơn nhờ hoạt động Mùa hè xanh từ năm đầu tiên. Cô đã được trải nghiệm, được giúp đỡ bà con và các em nhỏ trong dịp hè, được quen những người bạn mới. Cuộc sống trở lên có ý nghĩa hơn vì đó cũng chính là thời gian đầu tiên Mai xã nhà trong vòng 2 tuần lễ. Lúc này, Mai chợt nhận ra “tình nguyện chính là cho đi và nhận lại”.

Đối với các tình nguyện viên khác, việc làm tình nguyện, hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh giữa điều kiện thời tiết như vậy đã rất vất vả nhưng với Mai, sự khó khăn ấy còn nhiều hơn nữa.

Cô chỉ dùng một tay để làm tất cả mọi việc, bàn tay phải đã gánh trách nhiệm cho cả bàn tay trái. Tuy nhiên, lòng nhiệt huyết, sự đam mê và khát khao cống hiến đã là động lực để Mai tiếp tục chọn cho mình màu áo xanh, trở thành một tình nguyện viên của chương trình Tiếp sức mùa thi.

Hồng Mai có thành tích là Sinh viên 5 tốt cấp trường và liên tiếp đạt học bổng trong mỗi kì học. Ở trường, Mai đã trở thành tấm gương về nghị lực vượt khó, cống hiến cho xã hội.

Bác sĩ 9x tình nguyện lên công tác trên rẻo cao

Câu chuyện truyền cảm hứng của những bạn trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác - 2

Nguyễn Văn Hiếu (SN 1990), là bác sĩ Trung tâm y tế Huyện Mường Nhé, Điện Biên. Anh là tấm gương thanh niên sống đẹp được Trung ương Đoàn TNCS HCM nhiều lần tuyên dương.

Anh Hiếu ra trường năm 2014, được tuyển dụng về làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên, khi biết đến dự án bác sĩ trẻ tham gia dự án Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585 của Bộ y tế), Hiếu đã viết đơn ngay và cậu xung phong đến vùng nào xa xôi, khó khăn nhất, đặc biệt là vùng cao, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân đặc biệt khó khăn

Khoảng 3 tháng Hiếu về thăm vợ và con nhỏ một lần sau 24 tiếng di chuyển qua nhiều lần xe, chưa kể nếu lũ, sạt lở đường thì còn lâu hơn nữa. Khó khăn, vất vả không ngăn nổi tinh thần cống hiến của cậu bác sĩ trẻ ấy, cậu học tiếng dân tộc để tiếp xúc với dân. Là bác sĩ nội nhi nhưng vẫn làm với vai trò bác sĩ đa khoa do cơ sở thiếu điều kiện. Hiện tại đang làm chủ nhiệm 1 đề tài cơ sở Cơ cấu bệnh tại huyện Mường Nhé.

Ít ai biết, cả hai vợ chồng bác sĩ Hiếu đều mắc bệnh, ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Hiếu bị Viêm cột sống dính khớp, có lúc đi lại còn vô cùng khó khăn, sau một thời gian điều trị, tuy bệnh đã ổn định nhưng vẫn ảnh hưởng không ít đến sức khỏe sau này. Vợ Hiếu là cô giáo dạy học ở quê, cô bị u tuyến giáp phải phẫu thuật cắt tuyến giáp, phải dùng hormone thay thế cả đời do suy giáp sau phẫu thuật và mắc cả bệnh lao hạch.

Cả hai vợ chồng đều mắc bệnh mãn tính, Hiếu vô cùng thấm thía được giá trị của tình người, của sự chia sẻ cho nhau những điều tốt đẹp. Được đóng góp sức trẻ và tình nguyện cho nhân dân Việt Nam ở vùng biên giới nghèo, đặc biệt khó khăn, được làm việc theo đúng chuyên môn đào tạo và nguyện vọng, chí hướng của bản thân là niềm mong ước của Hiếu.

Hiếu nói: “Ở đâu thì trách nhiệm cứu người đều cao quý và thiêng liêng và không có sự khác biệt, ở đâu mình cũng cần phải cố gắng”.

Với tấm lòng của anh dành cho người bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu lọt vào danh sách 20 đề cử cho giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 ở lĩnh vực Hoạt động xã hội.

VĐV điền kinh Lê Tú Chinh

Câu chuyện truyền cảm hứng của những bạn trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác - 3

Lê Tú Chinh (SN 1997) Vận động viên điền kinh Trung tâm Thể dục Thể thao Thống Nhất, Sở văn hóa và Thể thao TPHCM.

Năm 2008, khi Tú Chinh 11 tuổi, HLV đội điền kinh TPHCM Thanh Hương đến trường Tiểu học Tuy Lý Vương (Q.8-TPHCM) tìm kiếm tài năng cho điền kinh thành phố, và phát hiện ra tố chất của “nữ hoàng tốc độ” tương lai, đấy cũng là bước ngoặt cho sự nghiệp của Tú Chinh về sau, từ việc chơi vì đam mê được chuyển lên tập chuyên sâu để trở thành VĐV chuyên nghiệp.

Lần đầu tiên tham dự SEA Games, cha con Tú Chinh chỉ mong có huy chương, bất kể màu gì. Ngờ đâu, cô chạy nhanh đến mức bỏ lại phía sau cả Đông Nam Á, rồi giành đến 3 HCV, ở 3 nội dung tốc độ hàng đầu của nữ, trong môn thể thao nữ hoàng.

Giờ đây, Tú Chinh có thể tự hào nói rằng cô đã không phụ lòng người cha đã lặng thầm lo lắng cho mấy chị em cô biết bao nhiêu năm tháng đã qua trong cảnh “gà trống nuôi con”.

Năm 2017, Lê Tú Chinh thắng lợi vang dội trên đường chạy điền kinh, trở thành “nữ hoàng tốc độ” mới tại Đông Nam Á, với 2 HCV các nội dung 100m và 200m nữ. Ngoài ra, với sự góp mặt của Tú Chinh, đội chạy tiếp sức 4x100m nữ Việt Nam lần đầu đánh bại Thái Lan ở nội dung rất mạnh này của họ, để giúp đội tuyển điền kinh giành đến 17 HCV SEA Games, chiếm vị trí số 1 của chính Thái Lan. Chưa hết, đến tháng 9, Tú Chinh còn giành thêm 1 HCB nội dung 60m nữ, tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á.

Ở tuổi 20, Tú Chinh chăm chỉ học Đại học. Cô không quên lời hứa với cha mình rằng: phải vừa xuất sắc trong thi đấu thể thao, nhưng vẫn không bỏ bê việc học.

3 tấm gương Phạm Thị Hồng Mai, Nguyễn Văn Hiếu, Lê Tú Chinh sẽ được vinh danh trong Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 5 diễn ra trong 2 ngày 19-20/5 tại TP.HCM.

Đại hội có sự tham dự của 336 đại biểu là những đoàn viên, thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác, rèn luyện...


Mai Châm