Bi kịch trong những ngôi nhà lạc lõng

(Dân trí) - Linh (18 tuổi - Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thường khóc một mình từ khi cô chỉ mới lên 2. Là con một, gia cảnh khá giả, bố mẹ viên chức thuộc hàng cao cấp, nhưng dường như chẳng ai biết được những tiếng khóc tấm tức phía sau tấm màn nhung.

Cùng với Linh, là Ngọc, Tuấn, Nhi… và nhiều teen khác gửi thư bày tỏ sự lạc lõng của mình trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và một vỏ bọc tưởng như yên ấm. Họ có thể khác nhau rất nhiều. Nhưng tựu chung, họ đều cùng sống trong một ngôi nhà lạc lõng… 

Lạc lõng giữa những tiếng quát tháo… 

Nửa đêm, căn nhà trong khu cư xá 30/4 (TPHCM) vẫn còn sáng đèn. Thỉnh thoảng một vài người đi đường khuya sửng sốt vì có tiếng thét ầm ĩ của hai người trung niên vang ra từ căn nhà xinh xắn. Chu kì là vài tuần một lần. Bao nhiêu bực tức, ghen tuông trở thành cơn bão mắng nhiếc và nước mắt tuôn xuống căn nhà bé nhỏ.

Nhưng, trong góc sâu tối tăm, vẫn còn một cô bé ngồi khóc thút thít một mình. Ngọc (16 tuổi) - tên cô bé ấy vẫn còn rất sợ hãi vì những cú tát trời giáng mà chẳng hiểu lỗi mình ở đâu: “Mẹ thường thải cơn giận bố vào tôi. Những lúc đó thật là đáng sợ” - Ngọc nói.  

Lạc lõng trong im lặng… 

Bi kịch trong những ngôi nhà lạc lõng - 1

Thùy Linh (18 tuổi - Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thường khóc một mình từ khi cô chỉ mới lên 2. Là con một, gia cảnh khá giả, bố mẹ viên chức thuộc hàng cao cấp, nhưng dường như chẳng ai biết được những tiếng khóc tấm tức phía sau tấm màn nhung.

Linh kể: “Bố mẹ tôi không to tiếng chửi nhau nhưng nói chuyện rất hiểm. Tôi chứng kiến hết lần này đến lần khác, khóc mãi rồi thành quen, thành chai lì và cuối cùng là trân trân nhìn họ chĩa mũi giáo vào tận mặt nhau”.  

Lạc lõng ngay khi đang cười… 

Đó là câu chuyện của những teen mà ai nhìn vào cũng phải chậc lưỡi: “Số nó may thế!”. Là may khi cả gia đình đều thật sự êm ấm, giàu sang và nắm cả chức quyền trong tay. Nhưng có thật như thế không khi Đức Tuấn (20 tuổi, Đà Nẵng) - công tử nhỏ của một gia đình trí thức và khá giả lại phủ lên khuôn mặt tuấn tú của mình một vẻ cô đơn lạnh lẽo.

Tuấn sống với những quy tắc từ bé, quen phải ngồi thẳng lưng, không được xem tivi quá 10 giờ tối, không được ăn hàng ngoài lề đường… Nhưng Tuấn không thích nổi luật lệ.

Áp lực có bố mẹ giỏi giang (cả hai phụ huynh của anh chàng này đều là tiến sĩ có tên tuổi) khiến Tuấn như ngộp thở. Đam mê kinh doanh nhưng Tuấn không được trở thành “con buôn bán mặt cho tiền” theo lời của bố mẹ. Cuộc sống của anh bạn giống như một lịch trình đã được sắp xếp để nối tiếp truyền thống hiếu học của gia đình! 

Zoom vào những ngôi nhà lạc lõng… 

Nhìn chung, những teen sinh trưởng trong một ngôi nhà không ấm áp thường độc lập sớm. Họ sống khép kín hoặc cũng chẳng bao giờ tin tưởng người khác một cách dễ dàng. Điều này không có nghĩa là họ không biết buồn. Ngược lại, đây là những người có thể tiếp cận nỗi buồn của người khác một cách tinh tế nhất: “Đơn giản thôi, vì tôi đã từng trải qua cảm giác đó nên tôi hiểu nó như thế nào” - cô bạn Linh ở trên tâm sự.  

Tuy nhiên, không phải bất cứ teen nào sống trong một ngôi nhà thiếu hơi ấm cũng đều biết cách cải thiện tâm lí của mình. Theo chuyên gia tâm lí Jude Cassidy, tiến sĩ tâm lí của trường Liberal Arts (Mỹ) thì sự cô đơn sẽ làm cho teen sống khép kín, ít bạn bè, hay cáu giận và có một tâm lí thất thường hơn những người khác.

Bi kịch trong những ngôi nhà lạc lõng - 2

Trong một cuộc nghiên cứu được tiến hành hơn 10 năm, Cassidy giải thích rằng những biểu hiện từ lúc teen mới chập chững đi học có thể phát triển thành những tính cách khi họ trưởng thành. Sự lạc lõng cũng là nguyên nhân khiến những người bạn trẻ này đa nghi và khó tính trong những mối quan hệ. Họ không dễ tin tưởng, hay tủi thân và có phần bướng bỉnh.

Hay như cô bạn Phương Nhi (20 tuổi, ĐH KHXH&NV TPHCM) thừa nhận thì: “Ngay như bố mẹ tôi lúc nắng lúc mưa, lúc vui thì rất vui, lúc giận thì đánh chó chửi mèo. Điều đó làm tôi lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng lên xuống thất thường. Thôi thì khoan hãy tin tưởng ai hết. Ai cũng rất dễ thay đổi cả thôi”. 

Tìm lại hơi ấm cho ngôi nhà của bạn… 

Sẽ là rất khoa giáo nếu một người nào đó bảo rằng bạn phải làm abc hoặc xyz để ủ ấm ngôi nhà của mình. Đơn giản vì bạn không phải là nguyên nhân của những cơn gió lạnh. Nhưng dù thế thì ít nhất cũng hãy đừng để gia đình mình đông cứng trước những cơn bão lạc lõng nhé bạn.

Cuộc sống luôn công bằng. Hạnh phúc sẽ chỉ dành cho những người biết cố gắng hết sức mình.  

Ủ ấm gia đình

 

* Trò chuyện với bố mẹ nhiều hơn. Rất nhiều teen cảm thấy đơn độc vì bố mẹ không quan tâm đến mình à Khoảng cách giữa hai bên càng ngày càng xa. Bạn có thể chủ động quan tâm hơn đến phụ huynh. Lúc đầu có vẻ hơi khó nói đấy (vì ngượng ngùng mà), nhưng cứ thử vài lần xem sao. Mọi chuyện không khó như bạn tưởng đâu.  

 

* Tạo không gian gia đình vào những ngày cuối tuần hoặc khi cả nhà đều có thời gian rảnh. Bạn có thể “đặt” trước một ngày vào lịch làm việc của bố mẹ để đảm bảo công sức chuẩn bị của mình không đổ sông đổ biển.

SEVEN
Chuyên san Thế Giới Học Đường