Bạn trẻ đừng để mình phụ thuộc vào công nghệ số

(Dân trí) - Số hóa phục vụ mình hay mình phụ thuộc vào số hóa thì do chính bản thân các bạn. Đồng thời các bạn trẻ nên dành thời gian đọc sách, tham gia các hoạt động cộng đồng.

Đó là nhắn nhủ của ông Trần Việt Quân - giám đốc Bách khoa Computer dành cho các bạn trẻ tại buổi hội thảo “Kỹ năng sống trong thời đại số lần IV” diễn ra sáng ngày 8/5 tại Hội trường trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM.

Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Kỹ năng sống trong thời đại số lần IV”, buổi hội thảo đã giúp các bạn trẻ hiểu rõ về tầm quan trọng của kỹ năng ứng dụng thiết bị số trong cuộc sống cũng như giải đáp các thắc mắc quanh kỹ năng sống với giới trẻ. Đây cũng là dịp để 6 vị diễn giả chia sẻ với các bạn sinh viên về kinh nghiệm sống để thành đạt của chính bản thân họ.

Bạn trẻ đừng để mình phụ thuộc vào công nghệ số - 1
Sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả.

Từ những vấn đề áp dụng công nghệ số như thế nào để có thể làm chủ cuộc sống tốt hơn cho đến làm sao cân bằng giữa ước muốn và khả năng, hay trước những khó khăn, làm thế nào giữ “lửa” để đi hết mục tiêu mà cá nhân đã đặt ra... đều được các diễn giả giải đáp thấu đáo.

Đừng để phụ thuộc vào công nghệ số

Trước thời đại bùng nổ kỹ thuật công nghệ, không ít bạn trẻ băn khoăn với cảm giác bị lệ thuộc vào những sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, ông Mohalam Gonoux, giám đốc điều hành của Công ty Chìa khóa vàng cho rằng: “Các bạn trẻ đừng đặt nặng vấn đề công cụ của thời đại số mà nên đặt ngược lại là công cụ đã mang lại cho ta bao nhiêu công việc hiệu quả hơn. Thời chúng tôi bắt đầu sự nghiệp cách đây 30 năm, làm gì có phương tiện số như hiện nay nhưng chúng tôi vẫn làm được đó thôi”.

Còn bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, chủ tịch & CEO trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm thì nhận định đây là thời điểm mang con người lại gần với nhau hơn. Đó là điều cần thiết khi mà hiện nay trong công sở mọi người ngồi đấu lưng lại với nhau, gửi email cho nhau, hay từ đầu phòng gọi điện thoại cho người cuối phòng.

“Kỹ năng sống liên quan đến vấn đề chúng ta giao tiếp và sống như thế nào, công nghệ số để hỗ trợ cho công việc nhưng không bao giờ được đánh mất mối quan hệ giữa con người vì chính con người tạo nên cuộc sống”, bà Linh nhấn mạnh.

Cũng suy nghĩ đó, ông Trần Việt Quân - giám đốc Bách khoa Computer, nói rằng số hóa phục vụ mình hay mình phụ thuộc vào số hóa thì do chính bản thân các bạn. Đồng thời ông Quân nhắn nhủ thêm rằng các bạn trẻ nên dành thời gian đọc sách, tham gia các hoạt động cộng đồng.

Giữ “lửa” như thế nào?

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay cho biết dù đã đặt ra cho mình nhiều mục tiêu, kế hoạch nhưng khi gặp khó khăn thì lại chán nản. Làm thể nào để giữ được “lửa” để tiếp tục dự định của mình?

Bạn trẻ đừng để mình phụ thuộc vào công nghệ số - 2
Các diễn giả trong hội thảo.

“Làm thế nào giữ lửa thì nên xem lại cách bạn đốt như thế nào?” - ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Greystone Datasystem nêu ý kiến. Theo kinh nghiệm của ông Tùng thì các bạn trẻ nên nhìn lại mục tiêu mà bản thân đặt ra có đúng tầm của mình hay không. Nếu chiến lược ấy quá tầm thì đơn giản là phải xác lập lại. Ngoài ra, những tình huống khó khăn, thất bại cũng góp phần tạo nên kỹ năng sống. Giản đơn là nếu bạn muốn tiếp tục con đường đã chọn thì phải tìm phương pháp khác, trải nghiệm khác.

Trong khi đó, kinh nghiệm giữ “lửa” của bà Hồ Thanh Hương - cố vấn phát triển kinh doanh tập đoàn LSH Group chính là “hãy luôn chia sẻ với người xung quanh về những mục tiêu của mình, nhất là những người đi trước, những người giỏi hơn mình. Thường xuyên trao đổi và phản biện với mọi người về những kế hoạch của mình để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình".

Buổi tọa đàm kết thúc đọng lại trong những bạn trẻ những triết lý, phương châm sống giản dị và ý nghĩa như: “Sự thành công của các bạn là tất cả những gì mà con cái bạn nói về bạn sau khi bạn lìa xa cõi đời này”, hay “Đừng xem những gì quan trọng với người khác là những thứ quan trọng với bản thân mình”...

Theo ông Lý Trường Chiến - chủ tịch Trí tri Corp, người sáng lập chương trình “Kỹ năng sống trong thời đại số lần IV” thì kết quả khảo sát cho thấy 83% sinh viên thiếu những kỹ năng sống khi mới tốt nghiệp ra trường. Chính vì thế, chương trình ra đời nhằm lấp đầy những khoảng trống giữa kỹ năng sống và kỹ năng chuyên môn, giữa đào tạo ở nhà trường và nhu cầu thực tế xã hội.

Tiếp sau hội thảo là chuỗi hoạt động như: Lớp huấn luyện kỹ năng - Thực tập và Tuyển dụng. Các chủ đề sẽ xoay quanh các nội dung thể hiện bản thân, xác lập mục tiêu, xây dựng quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh, cân bằng cuộc sống - học tập - làm việc.

Tin, ảnh: Thụy An